19/11/2019 14:43 GMT+7

Lãi suất huy động ngắn hạn xuống dưới 5%/năm

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, hôm nay 19-11, hầu hết các ngân hàng đồng loạt thay mới biểu lãi suất huy động.

Lãi suất huy động ngắn hạn xuống dưới 5%/năm - Ảnh 1.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng, hôm nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã đồng loạt đi xuống - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều ngân hàng thậm chí còn giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn xuống dưới mức trần là 5%/năm.

Tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, hiện lãi suất huy động không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 6 tháng thấp hơn khá nhiều so với trần. 

Cụ thể ở kỳ hạn 1 và 2 tháng lãi suất chỉ ở mức 4,3%/năm, 3 tháng ở mức 4,8%/năm. Lãi suất không kỳ hạn dù được phép ấn định ở mức 1%/năm nhưng các ngân hàng này chỉ trả lãi ở mức 0,1%/năm. 

Không chỉ các "ông lớn" mà một số ngân hàng cổ phần nhỏ cũng huy động thấp hơn mức trần.

Tại Ngân hàng Nam Á, theo biểu lãi suất áp dụng hôm nay, lãi suất không kỳ hạn còn 0,5%/năm, thấp hơn 0,3%/năm so với mức trần theo quy định. Kỳ hạn gửi từ 1-3 tuần lãi suất ở mức 0,8%/năm. 

Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tại Ngân hàng Nam Á cũng đang ở mức thấp hơn mức trần quy định, lần lượt là 4,9%/năm và 4,95%/năm. Trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 3-5 tháng được áp ở mức tối đa: 5%/năm.

Theo biểu lãi suất niêm yết hôm nay tại Ngân hàng Bản Việt, lãi suất kỳ hạn 1, 2 tháng cũng chỉ còn 4,85%/năm, kỳ hạn từ 3-5 tháng, lãi suất ở mức 4,9%/năm. 

Trong khi đó tại Ngân hàng SCB, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-5 tháng đồng loạt ở mức trần 5%/năm. Còn tiền gửi không kỳ hạn cũng hạ xuống mức 0,8%/năm. 

Ở các ngân hàng cổ phần lớn, như Sacombank, chỉ có kỳ hạn từ 3 tháng – 5 tháng mới được áp mức lãi suất tối đa: 5%/năm, còn lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng ở mức 4,9-4,95%/năm. 

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sau khi các ngân hàng giảm lãi suất huy động ngắn hạn, chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn dưới 6 tháng và trên 6 tháng rất lớn, nhất là ở các ngân hàng cổ phần nhỏ. 

Như tại SCB, lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng và 6 tháng chênh nhau 2,1%/năm. Tương tự mức chênh lệch lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng và 6 tháng tại Ngân hàng Bản Việt là 2,4%/năm. Ở các ngân hàng cổ phần lớn, khoảng cách này được rút ngắn, chỉ dao động từ 0,3-1,3%/năm. 

Trước khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và ngắn hạn, nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất huy động từ đầu tháng 11 do sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, do vậy có xu hướng giảm nhẹ lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh và làm cơ sở để hình thành nguồn vốn giá thấp hơn phục vụ khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên.

Còn theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động trong thời điểm này được hỗ trợ rất lớn bởi yếu tố thanh khoản dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mặt bằng thấp (1,8% - 2,2%/năm) trong 4 tuần gần đây cho thấy các ngân hàng không còn quá căng thẳng về thanh khoản. 

Tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia, lãi suất huy động sẽ khó giảm sâu hơn do lộ trình thực hiện thông tư 41 đang đến gần. Do vậy các ngân hàng chưa đáp ứng quy định sẽ khó cắt giảm mạnh lãi suất huy động, đặc biệt tại các kì hạn trung và dài hạn. 

Mặt khác, chênh lệch lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ rất rõ rệt theo phân nhóm các ngân hàng. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hiện mức lãi suất cao nhất mà các ngân hàng nhỏ đang áp dụng ở các kỳ hạn dài lên đến hơn 8% trong khi một số ngân hàng lớn, mức lãi suất cao nhất chỉ hơn 7%/năm.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên