28/10/2020 18:30 GMT+7

Lãi suất điều hành của Việt Nam giảm 'sâu' so với nhiều nước

L.THANH
L.THANH

TTO - Theo Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2016 đến nay, các mức lãi suất điều hành đã giảm 2-2,5%/năm. So với các nước trong khu vực, Việt Nam là một trong số nước giảm lãi suất điều hành mạnh nhất.

Lãi suất điều hành của Việt Nam giảm sâu so với nhiều nước - Ảnh 1.

Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất điều hành của Việt Nam có mức giảm sâu nhất so với một số nước trong khu vực - Ảnh: CTV

Trong báo cáo phát đi chiều 28-10 về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết các mức lãi suất điều hành đã giảm 2-2,5%/năm. 

So với các nước trong khu vực, mức giảm lãi suất điều hành của Việt Nam hiện là một trong các mức giảm mạnh nhất trong khu vực (Philipines giảm 1,75%; Thái Lan: 0,75%; Malaysia: 1,25%; Indonesia: 1%; Ấn Độ: 1,15%; Trung Quốc: 0,3%).

Việc giảm lãi suất điều hành là cơ sở kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm. Thực tế, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016.

Ngân hàng Nhà nước cho biết theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng.

Tính đến tháng 7-2020, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam là 4,5%/năm. 

Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia có lãi suất áp dụng là 9,41%; Mông Cổ là 16,92%; Bangladesh: 7,79%; Myanmar 14,5% và Ấn Độ là 9,05% thì lãi suất cho vay ngắn hạn của Việt Nam vẫn thấp hơn.

Để đảm bảo hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết từ năm 2016-2019, tín dụng đều có mức tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm và đạt mức bình quân trên 16%. 

Từ năm 2016 đến 2019, tín dụng tăng lần lượt 18,25%; 18,28%; 13,89% và 13,65%. Còn đến cuối tháng 9 vừa qua, do tác động của đại dịch COVID-19, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 5,42% so với cuối năm 2019.

Điều quan trọng là cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ngành nghề ưu tiên…

Về chính sách tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh chính sách điều hành tỉ giá nhất quán trong nhiều năm nay là chủ động và linh hoạt, đã góp phần ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế đồng Việt Nam, giảm tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô.

Đồng thời, chính sách điều hành tỉ giá cũng khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, tạo nguồn cung tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, góp phần giảm dần tình trạng đôla hóa, chuyển hóa nguồn ngoại tệ thành nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỉ giá trung tâm các năm 2016-2019 và đến cuối quý 3 năm nay lần lượt tăng 1,23%; 1,2%; 1,78%; 1,45% và 0,31% so với cuối năm trước. Tỉ giá bình quân liên ngân hàng lần lượt tăng 1,2%; giảm 0,25%; tăng 2,16%; giảm 0,12% và tăng 0,08% so với cuối năm trước.

"Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại" - Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Lãi suất đang giảm sâu, có tiền đầu tư làm sao cho hiệu quả? Lãi suất đang giảm sâu, có tiền đầu tư làm sao cho hiệu quả?

TTO - Lãi suất huy động của ngân hàng (NH) giảm mạnh, trong đó lãi suất kỳ hạn 1, 2 tháng đã về mức thấp chưa từng có: 2,55%/năm.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên