21/06/2011 06:57 GMT+7

Lãi suất có xu hướng giảm

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy lãi suất bắt đầu hạ nhiệt, tuy nhiên NH Nhà nước sẽ sử dụng một số công cụ nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng khi lãi suất giảm. Trao đổi với báo chí, ông Giàu nói:

Read this on Tuoitrenews.vn

iqLmO6eW.jpgPhóng to
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng - Ảnh: T.Đạm
NYqMCyLI.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: C.V.K.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã hạ nhiệt từ tháng 5 và các phân tích dự báo đều cho rằng CPI tháng 6 sẽ ở quanh mức 1%. Các mức lãi suất định hướng cho lãi suất trên thị trường như lãi suất trái phiếu Chính phủ gần đây đã xuống dưới mức 14%/năm, trong khi lãi suất trên thị trường liên NH kỳ hạn bảy ngày cũng giảm xuống quanh mức 14%-15%/năm.

Trong khi đó các NH cổ phần đã cho vay chạm ngưỡng 20%, do vậy không dám đẩy mạnh huy động bằng mọi giá như trước. Mặt bằng lãi suất huy động buộc phải giảm, kéo lãi suất cho vay giảm theo. Đó là những tín hiệu ban đầu cho thấy lãi suất có thể giảm trong thời gian tới.

* Thống đốc nói rằng sẽ điều hành lãi suất theo tín hiệu của lạm phát, khi lạm phát giảm sẽ điều chỉnh giảm dần lãi suất, vậy hướng điều hành lãi suất tới đây của NH Nhà nước sẽ như thế nào?

- Không thể tính toán bằng con số tuyệt đối mà phải dựa trên sự ổn định của thị trường và độ trễ của chính sách. Tuy nhiên về nguyên tắc chung, khi CPI giảm dần, NH Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất theo hướng đạt được sự ổn định tương đối vững chắc chứ không thể thay đổi ngay về chính sách, về lãi suất.

NH Nhà nước kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, khi lạm phát giảm, chính sách lãi suất giảm dần theo hướng ổn định.

* Liệu các NH có đưa dư nợ phi sản xuất về mức 22% đúng hẹn 30-6?

- Hiện có 23 NH có tỉ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất 22-50%, trong đó 18 NH có tỉ trọng cho vay phi sản xuất 31-37% và một NH có tỉ trọng này trên 50%.

Những NH nào không đáp ứng được lộ trình giảm tỉ trọng cho vay phi sản xuất xuống 22% vào cuối tháng 6 và 16% vào cuối năm 2011 sẽ bị áp dự trữ bắt buộc gấp đôi như quy định.

Cho đến nay, dư nợ cho vay bất động sản của các NH là 222.000 tỉ đồng, giảm 5,5% so với cuối năm 2010, tương đương mức giảm 13.000 tỉ đồng. Dư nợ cho vay bất động sản tại TP.HCM là 95.000 tỉ đồng.

Đây là thời điểm tốt để sàng lọc các dự án bất động sản mang tính đầu cơ và nhà đầu cơ trên thị trường bất động sản.

* Việc NH Nhà nước siết tín dụng ở mức 20% có tác động thế nào đến lãi suất, thưa thống đốc?

- Có thể nói việc siết tăng trưởng tín dụng ở mức 20% là cứu cánh. Hiện nay nhiều NH thương mại đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2011. Sẽ không có NH nào dám huy động vốn lãi cao khi không có đầu ra. Trước đây có một số NH lách bằng cách ủy thác cho vay nhưng NH Nhà nước đã chấn chỉnh việc này.

Vừa qua lãnh đạo NH Nhà nước đã làm việc với 37 NH thương mại và trong tuần tới NH Nhà nước sẽ làm việc với các NH còn lại. Không còn lối thoát cho vốn huy động lãi cao thì vốn huy động của NH sẽ thừa ra, các NH sẽ phải dồn vào mua trái phiếu, tuy nhiên hạn mức phát hành trái phiếu năm 2011 chỉ còn rất ít nên khi đó các NH thương mại sẽ phải quay ra giảm lãi suất.

Dấu hiệu đầu tiên thừa vốn có thể thấy rõ trên thị trường liên NH. Tuy nhiên phải có thời gian thì việc giảm lãi suất mới hiệu ứng ra thị trường dân cư.

Thị trường đánh giá tác động nhanh nhất là trái phiếu, lãi suất đấu thầu trái phiếu những phiên gần đây liên tục đi xuống. Như vậy trở về đúng thông lệ quốc tế lãi suất trái phiếu là kênh định hướng thị trường.

Việc giảm lãi suất thị trường mở dễ khiến thị trường hiểu đó là dấu hiệu nới lỏng tiền tệ. Còn khi tình hình ổn định, lãi suất đi xuống thì không nói là nới lỏng mà là điều hành lãi suất linh hoạt theo tín hiệu thị trường.

* Có vẻ như tăng trưởng tín dụng không cân đối vì năm tháng đầu năm 2011 tín dụng chung chỉ tăng 7,05% so với cuối năm 2010 trong khi mức cho phép là 20%. Như vậy tăng trưởng tín dụng sẽ dồn vào bảy tháng còn lại của năm?

- Hiện nay lãi suất cho vay quá cao nên người dân, doanh nghiệp chùn tay không dám vay vốn. Mấy ngày nay đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy thị trường thừa vốn, các NH phải đẩy vốn qua các kênh khác. Khi tình hình vĩ mô ổn định lãi suất sẽ giảm rất nhanh.

Giả định khi tình hình tốt NH thương mại nhà nước tuyên bố cho vay dưới 18%/năm, khi đó với tiềm lực rất mạnh của NH quốc doanh thì tín dụng tăng rất nhanh. Hạn mức tín dụng của các NH quốc doanh hiện còn rất lớn, như NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn hạn mức cho vay vẫn còn nguyên. Hiện trong khối NH cổ phần nhà nước, tăng trưởng dư nợ cao nhất hiện nay là Vietinbank, đạt 10%.

Nếu đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8-8,5% là ổn định, nếu tăng trên 8,5% thì tôi hơi lo. Tuy nhiên NH Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ để điều tiết không để tín dụng tăng quá nóng.

Không còn huy động lãi cao

Một số NH đã giảm lãi suất huy động để mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn cho biết từ ngày 18-6 lãi suất huy động thực tế của NH giảm 0,5-0,7%/năm, cao nhất chỉ còn 17,5%/năm thay vì xoay quanh 18%/năm như trước. Trong khi đó những khoản tiền gửi ở mức trên dưới 100 triệu đồng lãi suất dao động từ 15-16%/năm.

Tương tự, tại nhiều NH nhỏ cũng có dấu hiệu “dội” vốn lãi suất cao. Tổng giám đốc một NH tại Q.1 cho biết so với một tháng trước lãi suất huy động thực tế tại NH đã giảm 4-5%/năm, dao động từ 16,5-17%/năm.

Nhiều NH cho biết đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay, chỉ còn 19-20% thay vì 20-21,5%/năm như trước và sẽ còn giảm thêm trong vòng 2-3 tuần nữa khi NH tiêu thụ hết vốn huy động lãi cao trước đây.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên