Phóng to |
“Hòa bình, yên ổn để xây dựng Việt Nam mạnh giàu” là những suy nghĩ ông Trần Minh Quang đã ghi vào sổ cảm tưởng về chương trình - Ảnh: Thanh Đạm |
Dường như có chút băn khoăn hiện trên khuôn mặt, chú tâm sự: “Dù tôi là người Hoa nhưng mình sống ở đâu thì nơi đó là quê hương và phải có trách nhiệm xây dựng, gìn giữ”. Chú kể gia đình làm nghề gia công sản xuất bông gòn, kinh tế cũng chẳng khá giả nhưng muốn trích ra một phần để ủng hộ Trường Sa. Mấy ngày nay đọc báo, đem những âu lo của mình kể với bạn bè, họ bảo chú lo lắng nhiều quá. Mong mỏi của chú là “nước Việt Nam mình phải mạnh lên nữa, đừng để người ta ăn hiếp”.
Hai ngày qua nhiều bạn đọc ở khắp nơi không quản ngại đường xa đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ đóng góp cho chương trình. Anh Đỗ Văn Quyết từ Biên Hòa, Đồng Nai dẫn theo cô con gái Đỗ Thảo Vi tới tòa soạn báo Tuổi Trẻ từ sáng sớm 15-6. “Con gái chuẩn bị vào lớp 1, tôi muốn cháu ý thức được chủ quyền dân tộc nên mang cháu cùng đi” - anh Quyết tâm sự. Chẳng những thế, chị Nguyễn Thị Hạnh Thuần, đồng nghiệp của anh Quyết, cũng gửi anh 500.000 đồng góp chung vào số tiền 1,5 triệu đồng của hai bố con. Anh mong muốn: “Trường Sa thêm mạnh để làm lá chắn cho đất nước”.
Một thầy giáo làng ở Tây Ninh cũng đã vượt quãng đường dài để tới góp 300.000 đồng cho chương trình. Thầy bảo mình đi xe đò tới bến xe miền Tây rồi bắt xe buýt đến tòa soạn. Thầy không để tên, nói mình đã lớn tuổi, số tiền chẳng đáng là bao. Với thầy, “mỗi người Việt Nam phải làm một điều gì đó, tuy nhỏ nhưng phải cụ thể để thể hiện tình yêu nước”. Cụ Nguyễn Thị Nga, 70 tuổi, ngụ ở thị xã Dĩ An, Bình Dương, cũng tới tận báo Tuổi Trẻ đóng góp 10 triệu đồng. Cụ bảo mình ở đất liền, khó khăn chẳng thấm vào đâu so với các chiến sĩ ngoài đảo. Số lương hưu tích cóp trong bốn tháng liền cụ gửi cả cho các anh.
Gần cuối buổi sáng, một phụ nữ ăn mặc giản dị, lặng lẽ đến trao số tiền 100 triệu đồng cho chương trình. Chị là Nguyễn Thị Thanh Thúy, đại diện cho công ty của gia đình chị là Công ty TNHH Hưng Thịnh (xã Mỏ Công, H.Tân Biên, Tây Ninh). Chị kể cả nhà chị đều thấy nóng lòng khi theo dõi tin tức về Trường Sa trên báo chí nên cuối tuần rồi cả gia đình họp nhau. Góp được 100 triệu đồng, gia đình cử chị Thúy từ Tây Ninh đến gửi cho chương trình. “Có gì to tát đâu, chúng tôi là công dân, đóng góp chút ít cho đất nước thôi mà” - chị Thúy tâm sự rất giản dị.
Năm nay 95 tuổi, chân đã yếu không thể đi lại được nên cụ bà Hà Thị Thanh Viện (P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng nhờ cháu gái đến góp 1 triệu đồng tích cóp từ lương hưu. Chị Đinh Hoa Mai, cháu cụ Viện, cho biết tuy tuổi cao, chân tay đã yếu, nhưng ngày nào cụ cũng đọc tin tức Trường Sa không sót một dòng và ngày nào cũng thúc giục con cháu đi đóng góp giùm mình.
Còn hai anh em sinh đôi Trịnh Xuân Nhân và Trịnh Xuân Nghĩa (8 tuổi - học sinh Trường quốc tế Á Châu) lại nằng nặc đòi mẹ đưa đến báo Tuổi Trẻ để tự tay đóng 600.000 đồng cho chương trình. Chị Lã Thị Nhẫn, mẹ hai em, cho biết: “Những năm khác, chú heo tiết kiệm luôn được đập vào ngày sinh nhật để hai anh em mua quà. Nhưng năm nay hai cháu lại đòi đập heo để đi đóng góp cho Trường Sa chứ không tổ chức sinh nhật nữa”. Nhân và Nghĩa cười bẽn lẽn nói: “Con đóng góp cho Trường Sa để bảo vệ Tổ quốc”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận