Sự việc xảy ra tại khoa vi sinh y học của Bệnh viện Xanh Pôn quả thật là một đòn đánh chí mạng vào ngành y, vốn đã chịu quá nhiều ác cảm đến từ cộng đồng.
Để có thể có một đánh giá khách quan, tôi đã dành nguyên một ngày tìm hiểu về quy trình kỹ thuật xét nghiệm cũng như tham khảo ý kiến đồng nghiệp trong chuyên khoa này.
Lẽ đương nhiên, không có một quy trình xét nghiệm nào hướng dẫn người thực hiện cắt đôi giấy thử cả. Tuy vậy, một số đồng nghiệp cho biết đã có lúc phải làm như thế, trong những thời điểm đặc biệt khó khăn do khan hiếm vật tư.
Việc trộn chung các mẫu máu để làm xét nghiệm mang tính tầm soát cũng là một phương pháp được phép làm trong các đợt điều tra hoặc nghiên cứu dịch tễ. Chính vì thế, trên cộng đồng mạng đã có những ý kiến hoặc bài viết nêu lên vấn đề này, như là một cách biện minh cho hành động vừa xảy ra.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với kiểu biện minh như thế, bởi nhiều lý do. Chúng ta không thể viện dẫn một việc làm cách đây 20 năm trong điều kiện khó khăn thật sự, để giải thích cho một hành động ở thời điểm hiện tại với điều kiện khác hẳn. Cũng không thể đem một phương pháp xét nghiệm trong điều tra dịch tễ học cộng đồng để áp dụng cho một cá nhân.
Một điều khác biệt rất cơ bản nữa, là chủ thể trong hai sự việc khác nhau hoàn toàn. Khi chủ thể là cơ quan, tổ chức, với mục đích lấy kết quả xét nghiệm đó phục vụ cho cộng đồng, người ta có quyền áp dụng phương pháp tiết kiệm nhất. Nhưng khi chủ thể là bệnh nhân, kết quả xét nghiệm đó phải được cá nhân hóa, phải chính xác nhất.
Là một người trong y giới, tôi thật sự hổ thẹn vì hành động của những đồng nghiệp, khiến cho bộ mặt ngành y trở nên rất xấu xí dưới mắt cộng đồng. Rồi đây, khi mọi việc sáng tỏ qua quá trình điều tra, người có tội sẽ chịu hình thức kỷ luật. Nhưng nỗi hổ thẹn này làm sao xóa bỏ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận