Là giáo viên, không làm chủ nhiệm thì còn gì lý thú?

NGUYỄN CAO
NGUYỄN CAO

TTO - Đầu năm học, chúng ta lại nghe nhiều về công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên. Nhiều thầy cô không muốn làm chủ nhiệm bởi nó nặng nề, mất thời gian, chế độ không tương xứng...

Giờ thảo luận của các phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm về biện pháp tăng tính tự học cho học sinh ở trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - Ảnh: CHU HÀ LINH
Giờ thảo luận của các phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm về biện pháp tăng tính tự học cho học sinh ở trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - Ảnh: CHU HÀ LINH

Thế nhưng, là giáo viên mà không làm chủ nhiệm thì còn gì là lý thú của người thầy?

Đồng ý rằng làm chủ nhiệm chịu nhiều vất vả, thua thiệt. Không chủ nhiệm thì khi hết giờ dạy là có thể về nhà, không phải bận tâm với học sinh vi phạm, học sinh bỏ học hay có một vài sự cố gì đó.

Làm chủ nhiệm thì không được như vậy, nhiều khi không có tiết cũng phải lên lớp, cũng có thể bị triệu tập khi học sinh lớp mình vi phạm. Làm chủ nhiệm lớp cuối khóa thì còn vất vả hơn nhiều khi luôn phải bên cạnh các em làm hồ sơ, thủ tục để thi cử.

Ngày nghỉ hè, giáo viên chủ nhiệm cũng là người vất vả hơn khi phải tổ chức cho học sinh vào sinh hoạt hè, ôn thi lại, vận động học sinh trở lại lớp...

Nhưng những công việc đó, nhiều giáo viên không nề hà mà xem đó là một trách nhiệm của người thầy.

Làm chủ nhiệm lớp, họ mới cảm nhận hết được những cung bậc của người thầy. Bởi ở vai trò chủ nhiệm, người thầy mới có thể có nhiều thời gian hơn để được gần học sinh, quan tâm được học sinh của mình nhiều nhất.

Điều vui nhất của giáo viên chủ nhiệm là được thường xuyên tiếp xúc, quan tâm uốn nắn học sinh của mình. Họ cũng có điều kiện tiếp xúc với phụ huynh để cùng nhau bàn biện pháo giáo dục một số em học sinh chưa chăm ngoan.

Khi các em tiến bộ và trưởng thành, giáo viên chủ nhiệm thấy mình như nhận được một món quà vô giá. Đó cũng là nguồn động viên to lớn cho những thầy cô chủ nhiệm.

Dù không được tưởng thưởng về vật chất, không được tuyên dương, thậm chí cũng chẳng có ai ghi nhận, nhưng trong lòng người thầy thấy thanh thản, tự hào là mình đang trực tiếp chung tay cùng xã hội tạo cho các em học sinh những gì tốt nhất để các em phấn đấu và trưởng thành.

Chính vì gần gũi, hay ở cạnh các em học sinh nên giáo viên chủ nhiệm cũng được học sinh “sợ” nhất và cũng yêu quí, kính trọng nhiều nhất.

Khi các em có chuyện vui buồn thì chính thầy cô chủ nhiệm cũng là người được các em tâm sự nhiều nhất. Khi xa trường, xa lớp, hình ảnh thầy cô chủ nhiệm đọng lại trong tâm trí của các em nhiều nhất. 

Những dịp lễ tết, dù chỉ là những dòng tin nhắn, vài lời chúc mừng qua điện thoại hay trang mạng xã hội cũng đủ cho thầy cô chủ nhiệm cũ ấm lòng.

Làm chủ nhiệm lớp dù cực hơn một chút nhưng rõ ràng niềm hạnh phúc sẽ được nhân lên gấp nhiều lần...

NGUYỄN CAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên