Niềm vui của 26 sinh viên được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong ngày tốt nghiệp tại Đức - Ảnh: BVCC
Ông NGUYỄN TẤN BỈNH - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về hành trình các em đang đi, những kỳ vọng trong tương lai.
Ông nói: "Đây là chương trình hợp tác đào tạo bác sĩ chuyên khoa chuẩn quốc tế chưa từng có của Việt Nam. Với chương trình này, chúng tôi kỳ vọng từng bước đào tạo đầy đủ các bác sĩ chuyên khoa giỏi, trở thành một lớp thế hệ bác sĩ kế cận có kiến thức chuyên môn tốt đủ sức thay thế cho lớp đàn anh, đàn chị đi trước".
Chương trình hợp tác đào tạo bác sĩ nội trú chính quy ở một đất nước có nền y khoa tiên tiến như Đức là cách để các bác sĩ Việt nâng tầm hơn, từng bước có cơ hội thuận lợi học sâu hơn, thực hành tốt hơn.
Ông NGUYỄN TẤN BỈNH
Trình độ chuẩn quốc tế
* Ông vừa nhắc đến cụm từ "chương trình hợp tác đào tạo bác sĩ chuyên khoa chuẩn quốc tế chưa từng có của Việt Nam"...?
- Đúng như vậy. Trước đây thiếu nguồn nhân lực, các bác sĩ ra trường thường phải "lăn" vào làm việc một thời gian rồi mới đi học bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2. Lúc ấy, có thể do tuổi tác khó tiếp thu kiến thức hoặc không có sự chuẩn mực trong môi trường lý thuyết - thực hành khiến việc lĩnh hội kiến thức chưa đạt được hiệu quả cần thiết. Đó chính là nguyên nhân kiến thức của nhiều bác sĩ hiện tại bị "thủng".
Nhưng với chương trình hợp tác đào tạo liên tục giữa ĐH Y khoa Johannes Gutenberg University Mainz (gọi tắt là ĐH Mainz, Đức) và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã đến lúc có thể "vá" được kiến thức bị "thủng" đó.
Bằng việc vượt qua 3 kỳ thi quốc gia (M1 - M2 - M3) của Viện Khảo thí quốc gia về y dược phụ trách, khi ra trường các em "thủ" cho mình vốn kiến thức y khoa chuẩn mực quốc tế, đủ sức phát triển tốt trong bất cứ môi trường làm việc nào.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Điều đặc biệt ở 26 sinh viên vừa tốt nghiệp khóa đầu tiên là gì, thưa ông?
- 26 sinh viên khóa I (2013 - 2020) này là những người giỏi thật sự, được tuyển chọn từ hơn 800 sinh viên trúng tuyển vào ngành y đa khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Họ trải qua chương trình đào tạo dài 6 năm 3 tháng ở Việt Nam và Đức, theo chương trình của ĐH Mainz. Ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Đặc biệt, lúc qua Đức thực hành, tất cả các em được cung cấp nhà ở, ăn uống, bảo hiểm y tế, nghề nghiệp và sinh hoạt phí hằng tháng.
Không phải tốt nghiệp lần này là xong, lứa sinh viên này còn phải tiếp tục học sau ĐH với các chuyên khoa sâu từ 3-5 năm. Tùy vào năng lực các em có thể về Việt Nam làm việc tại các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành hoặc tiếp tục ở lại trau dồi kiến thức nhằm giảng dạy thực hành cho các sinh viên khóa sau.
Có thể nói đây là một thế hệ mới từ sau năm 1975 có được cơ hội, điều kiện học sau ĐH liên tục ở một nền y khoa tiên tiến, được đào tạo chuẩn quốc tế. Các em sẽ là đội ngũ chuyên sâu của ngành y tế nhằm phục vụ cho tham vọng đưa TP.HCM phát triển thành trung tâm dịch vụ y tế của khu vực Đông Nam Á sau năm 2025.
* Chương trình đào tạo bác sĩ ở nước ta lâu nay vốn chưa được quốc tế công nhận tương đương. Với lần hợp tác này, phản hồi từ phía Đức ra sao về lứa sinh viên này?
- Khóa đầu tiên các em được đưa sang 4 bệnh viện lớn của Đức để thực hành gồm Bệnh viện TP Wolfsburg, Bệnh viện TP Wolfenbüttel, Bệnh viện Herzogin Elisabeth-Hospital ở Braunschweig và Bệnh viện TP Braunschweig.
Phải nói đây là sự kiện vinh dự, trọng đại cho ngành y tế TP.HCM nên trước lúc lên đường (tháng 3-2019 - thời gian sang Đức để thực hành), chúng tôi có tổ chức gặp, động viên các em cố gắng học tập thật tốt.
Và quả thật mọi việc diễn ra không làm chúng tôi thất vọng. Tháng 11 vừa qua, khi qua dự lễ khai giảng cho khóa sinh viên mới, phía Đức trao đổi rằng họ rất vui mừng, phấn khởi khi kết quả học tập của 26 em đều rất tốt. Họ mong muốn tiếp tục được hợp tác, đào tạo, cho ra các lứa sinh viên như thế. Kết quả 100% vừa tốt nghiệp cũng là một minh chứng...
Giải quyết bài toán "giỏi nhưng không đều"
* Việt Nam và một số nước Đông Nam Á là nơi có số lượng người bệnh rất lớn. Đó được xem là "môi trường lý tưởng" để bác sĩ trong nước, thậm chí các nước, xin đến thực hành. Tại sao chúng ta lại thoát ra khỏi "môi trường lý tưởng" ấy?
- Tôi thấy chương trình hợp tác đào tạo bác sĩ nội trú chính quy ở một đất nước có nền y khoa tiên tiến như Đức là cách để các bác sĩ Việt nâng tầm hơn, từng bước có cơ hội thuận lợi học sâu hơn, thực hành tốt hơn. Nếu làm được, chúng ta sẽ tạo ra các bác sĩ chuyên khoa thực thụ.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của sinh viên Việt Nam nói chung và ngành y nói riêng chính là ngoại ngữ. Do đó khi tham gia chương trình đào tạo này, ngoài việc chính là nâng cao tay nghề, còn là dịp để các em có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn, từ đó cải thiện khả năng ngoại ngữ tốt hơn. Điều này hoàn toàn khác với các chương trình hợp tác ngắn hạn, học chừng 6 tháng đến 1 năm, chỉ lấy một chứng chỉ mà thôi.
* Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế rất quan trọng nhưng có thể thấy đang có nhiều bất cập. Có người còn ví von đào tạo bác sĩ hiện nay "nửa nạc nửa mỡ"...?
- Ví von này là có cơ sở. Rõ ràng nếu không được đào tạo liên tục tốt, trình độ tay nghề của bác sĩ không thể đáp ứng nhu cầu thực tế, chưa nói đến việc so sánh trình độ ngang bằng thế giới. Có một thực tế phải thừa nhận là số lượng bác sĩ tài hoa của Việt Nam rất nhiều. Từ Nam chí Bắc đều có những bác sĩ chuyên khoa đầu ngành rất giỏi, thậm chí cực giỏi, hơn hẳn các nước trong khu vực và thế giới.
Nhưng phân tích kỹ thì số lượng người giỏi này so với số dân đang có thật sự là quá ít, không đồng đều ở các tuyến cơ sở. Đặc biệt là tuyến tỉnh, huyện nguồn nhân lực giỏi bị "hẫng". Trong khi nền tảng mấu chốt của y tế là tuyến cơ sở mới đến y tế chuyên sâu. Bởi theo lý thuyết phải hơn 80% số dân được chăm sóc, điều trị các bệnh thông thường ở tuyến y tế cơ sở.
* Với thực tế như vậy, khi đào tạo ra nguồn nhân lực được đánh giá là "thế hệ vàng" ngành y tế, ngành y tế TP.HCM đã làm gì để họ có đất dụng võ? Liệu ông có lo sợ chuyện "chảy máu chất xám"?
- Phải sòng phẳng rằng nếu môi trường làm việc ở trong nước không đáp ứng được như kỳ vọng thì chắc chắn các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản sẽ chọn ở một môi trường làm việc tốt hơn. Tuy nhiên để "đón đầu" việc này, ngành y tế đang có sự đầu tư cho y tế rất tốt ở hầu hết các mặt. Đó là song song việc đào tạo nguồn nhân lực có chiều sâu, TP.HCM đang trong quá trình đầu tư cơ sở vật chất.
Cụm y tế Tân Kiên với hàng loạt bệnh viện mới đang xây đều đạt chuẩn quốc tế, thậm chí vượt trội hơn so với nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt, hệ thống trang thiết bị máy móc phục vụ cho thực hành y khoa thuộc thế hệ mới, hiện đại được mua ở các quốc gia phát triển không dễ lỗi thời.
Với điều kiện tốt như thế, tôi rất hi vọng sau các khóa đào tạo, các em sẽ quay về phục vụ y tế cho quê hương. Còn không, chính các em sẽ là cầu nối giảng dạy đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ tài năng thực sự trong tương lai.
Học hỏi Thái Lan về y tế cơ sở
* Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan được mệnh danh là quốc gia y tế du lịch. Không chỉ thế, họ vốn có một hệ thống y tế cơ sở được đánh giá rất tốt mà nhiều nước cần phải học hỏi...
- Thực tế cho thấy Thái Lan thu nhập trung bình nhưng y tế của họ được xếp là số 1 trong nhóm các nước có thu nhập trung bình cao. Tại sao vậy? Bởi y tế cơ sở họ rất tốt, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến quận huyện, trung tâm y tế. Có gần 80% chăm sóc y tế đều được thực hiện ở tuyến dưới với chất lượng rất tốt, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế dự phòng.
Riêng y tế chuyên sâu, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) báo cáo chỉ có 10-15% nằm ở tuyến trên. Do đó, ở nước ta mà cụ thể là TP.HCM có đủ điều kiện, cơ sở để thúc đẩy nhanh điều đó như Thái Lan đang làm.
Bác sĩ Võ Nhật Vy (trái) và bác sĩ Kim Ngân - hai bác sĩ Việt được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong ngày tốt nghiệp tại Đức - Ảnh: BVCC
Ông Ngô Minh Xuân (hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch):
Khó vô cùng
Cả 26 em đạt điều kiện tham gia chương trình đào tạo này đều thật sự rất giỏi và tài năng. Các em phải trải qua rất nhiều kỳ thi tuyển chọn gắt gao. Không chỉ khẳng định về chuyên môn, khả năng nói tiếng Anh, tiếng Đức đều rất tốt. Đây là lần đầu tiên một trường ĐH y khoa ở Việt Nam làm được điều này ở một nước có nền y khoa phát triển như Đức là một điều vô cùng khó khăn.
Với chương trình đào tạo này, tôi hi vọng dần thay đổi vị thế ngành y của Việt Nam trên thế giới. Chính là cơ hội để các em thuận lợi hơn trong học tập, nghiên cứu sau ĐH tại nước ngoài và hành nghề quốc tế của các sinh viên y khoa của Việt Nam.
Bác sĩ Dương Phương Thảo:
Nhiều cơ hội cọ xát khác biệt
Một năm qua tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ nhà trường, các thầy cô và bệnh viện. Tại Đức, tôi được ở trong một căn phòng riêng, có bếp và đầy đủ thiết bị tiện nghi. Không chỉ thế, tôi còn được bệnh viện giới thiệu các câu lạc bộ, hội nhóm giao tiếp để dễ hội nhập cuộc sống ở nước Đức.
Về chuyên môn, ở đây một khoa chỉ có 1-2 sinh viên nên tôi có cơ hội được chỉ bảo, được tiếp xúc và thực hành nhiều hơn. Thực hành nhiều, được định hướng tiếp cận bệnh nhân, đó là sự khác biệt so với chương trình đào tạo ở Việt Nam.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn:
Học hỏi được nhiều kinh nghiệm
Hằng ngày tôi vẫn đi khám bệnh cho các bệnh nhân người Đức và được phép nêu các ý kiến của mình về chẩn đoán, cách điều trị. Cứ sau mỗi lần nói chuyện với bác sĩ lớn hơn, giúp tôi nhận biết chẩn đoán, hướng điều trị đúng hay sai, từ đó sẽ rút ra bài học, học hỏi được những kinh nghiệm quý giá trong điều trị cho bệnh nhân trước khi mình trở thành một người bác sĩ.
Chắp cánh ước mơ cho 183 sinh viên
Khoa y Việt - Đức của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thành lập từ năm học 2013-2014 với nhiệm vụ chính là triển khai dự án liên kết đào tạo bác sĩ y khoa giữa trường với ĐH Mainz của Cộng hòa liên bang Đức.
Dự án này cho phép một bộ phận sinh viên y khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được tuyển chọn, đào tạo theo chương trình và quy chế đào tạo bác sĩ y khoa của ĐH Mainz.
Dự án liên kết đào tạo này giúp Việt Nam nâng cao trình độ cũng như chất lượng đào tạo bác sĩ y khoa theo tiêu chuẩn của Đức nói riêng và của châu Âu nói chung. Đến năm học 2019-2020, có 7 khóa được triển khai với tổng cộng 183 sinh viên.
Đầu vào sinh viên ngoài việc đương nhiên phải trúng tuyển vào ngành y đa khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bắt buộc có trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên, TOEFL iBT 75 trở lên hoặc tương đương. Chuẩn ngoại ngữ đầu ra sau khi tốt nghiệp: tiếng Đức C1 và tiếng Anh C1 hoặc IELTS 7.0.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận