20/07/2021 09:06 GMT+7

Kỳ vọng những quyết sách mạnh mẽ đẩy lùi dịch

TIẾN LONG ghi
TIẾN LONG ghi

TTO - Hôm nay (20-7), Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ nhất trong bối cảnh nhiều tỉnh thành đang căng mình chống dịch COVID-19.

Kỳ vọng những quyết sách mạnh mẽ đẩy lùi dịch - Ảnh 1.

Nhân viên Agribank tại góc đường Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo (TP.HCM) kêu mọi người đóng góp mỗi ngày 80-150 phần cơm, bún tặng người dân khó khăn - Ảnh: TỰ TRUNG

Trước ngày kỳ họp khai mạc, chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhiều đại biểu bày tỏ cho rằng đây là kỳ họp Quốc hội đặc biệt và đầy trăn trở về những quyết sách mạnh mẽ để cả nước vượt qua đại dịch.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu trung ương, Hà Nội):

Đảm bảo kinh phí mua vắc xin

Quốc hội là nơi quyết định những chính sách quan trọng nhất để thúc đẩy việc chống dịch. Đợt dịch này có lẽ căng thẳng nhất từ cuối năm 2019 đến nay, với số lượng ca nhiễm tăng hằng ngày. 

Tại kỳ họp Quốc hội này, có nhiều đại biểu là lãnh đạo bộ ngành, tỉnh thành… đang tham gia trực tiếp và gián tiếp vào việc phòng chống dịch. Đây là điều kiện quan trọng để Quốc hội kỳ này lắng nghe những khó khăn, nguyện vọng thực tiễn từ cơ sở để có quyết sách đúng đắn, kịp thời tháo gỡ cho việc chống dịch.

Trong đó, tôi mong đợi Quốc hội cần có ý kiến quyết liệt để Chính phủ đảm bảo kinh phí mua vắc xin. Một quyết định dài hơi của Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động hơn trong việc thúc đẩy nghiên cứu, mua vắc xin trong trường hợp khẩn cấp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp):

Giám sát để gói hỗ trợ sớm đến người dân

Tôi mong Quốc hội đưa ra những quyết sách mạnh mẽ để làm sao sớm dập dịch, tăng tối đa tỉ lệ tiêm vắc xin cho người dân và ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh. 

Trong đó, nhiều đối tượng gặp khó khăn đang trông chờ vào sự giám sát của Quốc hội về việc thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỉ của Chính phủ để làm sao sớm trao tới tận tay những người đang nghèo đi, khó khăn hơn trong chính đợt dịch này. Từ đó góp phần ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương):

Xem xét nâng lương tối thiểu vùng

Tại kỳ họp này, tôi mong muốn Quốc hội có những chủ trương hỗ trợ thuế, điện, nước cho các hộ kinh doanh nhà trọ để họ hỗ trợ lại tiền thuê nhà cho người lao động. Có chính sách giảm chi phí điện, nước sinh hoạt cho người lao động thuê trọ. 

Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ chia sẻ chi phí cho những doanh nghiệp gặp khó khăn do ngừng việc khi thực hiện chỉ thị 16, bởi nếu doanh nghiệp giảm đi sẽ khó "nuôi sống" người lao động.

Điều cơ bản nhất vẫn là xem xét nâng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động. Với mức lương như hiện nay công nhân chỉ đủ sống một cách chật vật, không có tích lũy chứ chưa nói đến phải lo cho con và người thân.

Hôm nay bầu chủ tịch Quốc hội khóa XV

Trong ngày họp thứ nhất của kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV, các đại biểu sẽ bỏ phiếu kín để bầu chủ tịch Quốc hội khóa XV. Chiều cùng ngày, chủ tịch Quốc hội khóa XV sẽ tuyên thệ nhậm chức. Buổi tuyên thệ sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Trong ngày làm việc, sau khi Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu trước Quốc hội.

Tiếp đó, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV. Về nhân sự, Quốc hội cũng sẽ nghe và thảo luận về dự kiến số phó chủ tịch Quốc hội, số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu tổng thư ký Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, tổng Kiểm toán Nhà nước.

Hành động thật, số liệu thật, kết quả thật

Được Quốc hội bầu với nhiều gương mặt mới ngày 8-4-2021, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế". Thủ tướng đã có những tuyên bố mạnh mẽ trong tháo gỡ khó khăn là "3 không và 5 thật".

"3 không" là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật". 

Ông ủng hộ nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM giai đoạn 2022-2025 từ 18% lên 23% nguồn thu tại địa phương, một quyết định khó khăn trong tình hình mất cân đối ngân sách. Chính phủ cũng ban hành nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong đại dịch...

Với tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong cộng đồng như ATM gạo, bữa ăn 0 đồng và tinh thần vượt khó, kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng dương. GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%. Xuất khẩu hàng hóa vẫn đạt 157,63 tỉ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước...

Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong 6 tháng đầu năm nay có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, song số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 67.000 doanh nghiệp. Số lao động tạm thời nghỉ việc, giảm thu nhập tăng lên.

Kinh tế tư nhân vẫn gặp không ít rào cản, thủ tục hành chính và các chi phí không chính thức. Để thực hiện "3 không và 5 thật" của Thủ tướng, biện pháp thích hợp là vận dụng chính phủ điện tử, kinh tế số, thực hiện công khai minh bạch để doanh nghiệp và mọi người dân biết hành động thật, số liệu thật, kết quả thật.

Đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp quốc tế, thay đổi cách tiếp cận toàn cầu hóa, mỗi quốc gia phải tự lo sản xuất máy thở, oxy... thay vì trông chờ vào nguồn cung ứng giá rẻ từ nước ngoài. 

Luồng đầu tư đang có những biến động khó dự báo, tình hình tài chính tiền tệ trên thế giới có những chuyển động bất thường, đòi hỏi mỗi nền kinh tế phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cải cách và có đối sách thích hợp.

Vạn sự khởi đầu nan, 100 ngày đầu tiên của Chính phủ đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Chính phủ đã bày tỏ quyết tâm không đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế. 

Nhưng để thực hiện mục tiêu trong điều kiện biến động này, rất cần những quyết sách kịp thời, đúng đắn. Ví dụ như nâng cao hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân vượt khó, tiếp tục phát triển.

Đại hội Đảng XIII đã quyết định rõ ràng về cải cách, tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Rất mong Chính phủ thể hiện quyết tâm thực hiện bằng những bước đi và biện pháp hiệu quả, cổ phần hóa những doanh nghiệp thuộc những tập đoàn kinh tế lớn.

LÊ ĐĂNG DOANH

Ông Chu Tiến Dũng (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Kỳ vọng những chính sách đột phá

Thời gian qua, Chính phủ đã phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, trong đó nhiệm vụ cấp thiết đó là chống dịch COVID-19.

Các chỉ số kinh tế nửa đầu năm nay khá lạc quan, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trước làn sóng tái bùng phát COVID-19.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ có những chính sách mang tính đột phá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là đột phá về thể chế để doanh nghiệp hội nhập tốt hơn.

Chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp kỳ vọng chính sách làm sao để các FTA này đi vào cuộc sống, doanh nghiệp làm ăn thuận lợi hơn. Cái doanh nghiệp cần hiện nay là môi trường kinh doanh, thể chế, luật pháp minh bạch.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Luật hóa phân cấp, phân quyền

100 ngày vừa qua, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian ngắn đã làm việc với các cực tăng trưởng, các điểm nóng như TP.HCM để tháo gỡ các điểm nghẽn cho TP. Đồng thời, Thủ tướng cũng đi làm việc với từng bộ ngành để lắng nghe những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát các thông tư, nghị định không còn phù hợp thực tiễn, rà soát các quy định luật pháp để sớm trình Quốc hội, tạo sự đồng bộ hệ thống luật, tránh chồng chéo...

Điều này cho thấy Thủ tướng đã đi thẳng vào những điểm nghẽn của thể chế và cho thấy sự quyết tâm tháo gỡ của Chính phủ. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ đã có quan điểm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Vấn đề còn lại làm sao để việc phân cấp, phân quyền này sớm thể hiện trong các quyết định, nghị định của Chính phủ và luật hóa trong các văn bản luật của Quốc hội.

NGỌC HIỂN ghi

Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp đầu tiên, chiều nay Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ nhậm chức Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp đầu tiên, chiều nay Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ nhậm chức

TTO - Chiều nay 20-7, các đại biểu bỏ phiếu kín để bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Tiếp đó, lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội khóa XV sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

TIẾN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên