19/04/2021 11:00 GMT+7

Kỳ vọng công nghệ cải thiện thói quen đọc sách

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Cho dù bức tranh sản xuất và phát hành eBook tại Việt Nam hiện không sáng sủa, xu thế chuyển đổi số vẫn đang chuyển nhiều mặt của đời sống xã hội sang một thời đại mới, ngành sách cũng không đứng ngoài.

Năm 2020 có 410 triệu bản sách được xuất bản, chứng tỏ nền xuất bản của chúng ta đang tăng tốc khá mạnh.

Ông Nguyễn Nguyên (cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và truyền thông)

Trong khuôn khổ sự kiện khai mạc Ngày sách Việt Nam lần 8 vào sáng 18-4 tại Đường sách TP.HCM, tọa đàm Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số (Cục Xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cùng tổ chức) gợi mở kỳ vọng cải thiện thói quen đọc sách nhờ vào công nghệ. Chuyển đổi số hiện đang được cục trưởng Cục Xuất bản xem như là "một mệnh lệnh của ngành".

3 thử thách của eBook

Ông Nguyễn Nguyên - cục trưởng Cục Xuất bản, giữ vai trò chủ trì tọa đàm - cắt nghĩa giản dị rằng chuyển đổi số là chuyển từ mô hình hoạt động truyền thống sang hoạt động dựa trên nền tảng số. Theo cách hiểu đó, chuyển đổi số chẳng những ứng dụng công nghệ vào xuất bản, mà còn tạo hiệu quả trong việc khuyến đọc cho mọi người. 

Và sản xuất eBook sẽ chỉ là một phần của xu thế này. Nói như ông Lê Hoàng - giám đốc Công ty Đường sách, phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, "xu thế này là một sự phát triển chứ không hẳn là một sự thay thế, bằng chứng là Đường sách cũng vẫn phát triển với các hoạt động đang xoay quanh sách giấy truyền thống".

Tuy nhiên, theo chị Diễm Phương - trưởng phòng sách web của NXB Tổng Hợp TP.HCM, kinh nghiệm gần 10 năm phát triển sách điện tử của đơn vị này là hiện vẫn còn nhiều khó khăn. 

"Cụ thể có 3 thách thức mà bất kỳ ai muốn phát triển eBook cũng phải đối mặt giải quyết: nạn vi phạm bản quyền, sự chênh lệch về sử dụng công nghệ ở các vùng sâu vùng xa, và bài toán kinh doanh sao cho sách điện tử tự sống được" - chị Diễm Phương chia sẻ.

Mượn công nghệ tạo thói quen đọc cho trẻ

Tham gia tọa đàm có hai "ông chủ" công nghệ liên quan đến chuyển đổi số là anh Lê Hoàng Thạch - chủ nhân của mạng Voiz FM cung cấp dịch vụ sách nói có bản quyền, và anh Nguyễn Đình Bảo - tác giả của ứng dụng Joikid, một phần mềm giúp các bé yêu thích đọc sách song song với niềm yêu thích các sản phẩm công nghệ.

Với Đình Bảo, việc chuyển đổi này là điều tối cần thiết. "Vì hiện nay các bậc cha mẹ thường bận nhiều việc, cha mẹ nào dành thời gian và cố gắng lắm mới cùng con đọc được nửa cuốn sách. Nếu không, bé sẽ không tập trung để đọc hết cuốn sách. Trong khi đó điện thoại, iPad lại thu hút các bé, nên chúng ta có thể phát triển các ứng dụng đọc để từ các thiết bị điện tử tạo ra thói quen đọc cho các bé".

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Ibadulla Yoldas - hiệu phó Trường quốc tế Horizon - cho rằng việc tạo thói quen đọc cho các học sinh nên là một phần nội dung chính của học đường: giao nhiệm vụ đọc cho các em, yêu cầu đọc xong sẽ viết tóm tắt. Thầy Ibadulla đưa ra ví dụ cụ thể về một học sinh đã đọc được hơn 900 cuốn sách trong thời gian hơn 2 triệu giờ. 

"Tất cả thông tin này nhà trường đều quản lý, theo dõi được và có kế hoạch khuyến đọc cụ thể cho từng học sinh nhờ ứng dụng công nghệ số" - thầy cho biết.

Như vậy, xu thế chuyển đổi số sẽ tạo ra "dư địa" khuyến đọc rất rộng, "quan trọng nhất vẫn là tạo ra và thay đổi thói quen đọc cho các cháu độ tuổi thanh thiếu nhi", ông Nguyễn Nguyên kết luận. 

Ông Lê Hoàng bổ sung: thói quen sẽ bắt đầu nếu việc đọc thực sự hấp dẫn và đúng nhu cầu của trẻ. Điều này lại là một lợi thế để các công nghệ chuyển đổi số phát huy.

Ông Lê Hoàng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

le_hoang_nhan_bang 5(read-only)

Ông Lê Hoàng (giữa) nhận bằng khen của Thủ tướng từ Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo (trái) - Ảnh: L. ĐIỀN

Nhân dịp khai mạc Ngày sách Việt Nam năm nay, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đã trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Lê Hoàng, vì đã có nhiều thành tích trong triển khai thực hiện đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030". Đây được xem là niềm vui đặc biệt, vì lâu nay chưa có trường hợp cá nhân nào của ngành xuất bản nhận được bằng khen của Thủ tướng.

Giới trẻ đọc sách in và sách online khác ra sao? Giới trẻ đọc sách in và sách online khác ra sao?

TTO - Radesky nêu một vấn đề chung cho giới trẻ là 'những thứ khiến bạn suy nghĩ, thậm chí nghĩ một cách sâu sắc thì lại rất khó 'bán' trong thời đại này, không được nhiều người nhấn vào'.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên