Lô hàng 870 sơmi rơmoóc đầu tiên trong tổng số 15.500 sơmi rơmoóc theo hợp đồng ký kết xuất khẩu trong năm 2022 được THACO đưa lên tàu xuất sang Mỹ - Ảnh: LÊ TRUNG
Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai kết luận của trung ương và nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định năm 2021 có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả đạt được là đáng trân trọng. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh năm 2022 phấn đấu là năm chiến thắng dịch bệnh, kinh tế phục hồi, phát triển để nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc.
Nhanh phục hồi kinh tế, "thần tốc" tiêm mũi 3
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định sự chuyển hướng đúng, kịp thời chiến lược "phòng chống dịch COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" góp phần giữ ổn định vĩ mô, củng cố khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Dù vậy, Phó thủ tướng nhận định sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút, dẫn đến nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn tiềm ẩn. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2022.
Để thực hiện các kế hoạch của năm 2022, Chính phủ xác định 6 vấn đề trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Riêng với vấn đề thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ tập trung thực hiện 3 trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.
Phó thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ là kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Để đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn và quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình tổng thể phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%.
Đối với lĩnh vực y tế, Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị trong nước và tiếp tục tăng tốc tiêm vắc xin. "Triển khai nhất quán, nghiêm túc quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vắc xin, nhất là đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường" - ông Khái nói.
Công nhân Tập đoàn Nam Việt phi lê cá tra để xuất khẩu trong tháng 1 hơn 20 triệu USD sang các nước trên thế giới - Ảnh: BỬU ĐẤU
Địa phương mong được phân cấp, phân quyền
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho hay trong năm 2022, Chính phủ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất, hiệu quả hơn. Trong đó, Chính phủ sẽ tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ngoài ra, Chính phủ cũng thu hút các nguồn lực, nhất là từ xu hướng tăng trưởng xanh, các sáng kiến toàn cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, kiên quyết khắc phục hạn chế, yếu kém vừa qua.
Theo Phó thủ tướng, Chính phủ phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Phó thủ tướng cũng tái khẳng định Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai các giải pháp để hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển, điện gió ngoài khơi.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương Long An, Tiền Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP.HCM... đều kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền để tạo hành lang chính sách cho các địa phương phát huy lợi thế. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục những tồn tại, nhất là trong quản lý đất đai, đầu tư dự án để các địa phương phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho rằng trước hệ lụy của dịch, nếu không đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ không phát huy được các nguồn lực thì việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ sẽ rất khó khăn. Do đó, ông Dương đề nghị đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho địa phương chủ động quyết định các vấn đề về đầu tư, xây dựng, đất đai... để thúc đẩy nhanh tăng trưởng.
"Nếu làm được việc này sớm thì không những chúng ta hoàn thành, mà còn có thể hoàn thành vượt mức các mục tiêu đã đề ra đến năm 2025. Đây là điều mà các địa phương đều đang rất trông đợi ở Chính phủ" - ông Dương nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quảng - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cũng đưa ra một số lĩnh vực cần được đẩy mạnh phân quyền cho địa phương như chấp nhận chủ trương đầu tư các khu công nghiệp. Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng chia sẻ trọng tâm năm 2022 của bộ là cải cách thể chế, xây dựng 5 đề án phân cấp phân quyền, tất cả các cảng vụ hàng hải trên cả nước sẽ phân cấp cho các tỉnh liên quan.
Đồ họa: TUẤN ANH
Để người dân có cuộc sống bình an
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 2021 là năm có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả đạt được rất đáng trân trọng. Tuy nhiên tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn mà phải khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém, kế thừa và phát huy những thành tựu.
"Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả, quyết tâm xây dựng Chính phủ, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện, đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là phòng chống tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ" - Thủ tướng khẳng định.
Theo đó, Chính phủ phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, kinh tế phục hồi và phát triển, xã hội trật tự, kỷ cương, chủ quyền quốc gia được giữ vững, chính trị được ổn định, nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc trên tinh thần đoàn kết, liêm chính, chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả và hồi phục kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Nhấn mạnh thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2022, Chính phủ xác định chủ đề điều hành là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả.
Kế thừa, phát huy kinh nghiệm quý, bài học hay, khắc phục tối đa khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tăng cường phối hợp trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế. Ưu tiên nguồn lực thực hiện hiệu quả việc phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, không lơ là chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không mất bình tĩnh.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiếp tục ưu tiên hoàn thiện, đồng bộ thể chế. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm, phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó, đẩy mạnh khôi phục thị trường lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
"Không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục bảo đảm, ổn định trật tự chính trị, an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch
Tại hội nghị, nhận định trong thời gian tới dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn. Từ đó số ca mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc xin nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
"Cuộc chiến phòng COVID-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế. Vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch" - ông Long nói.
Theo ông Long, dù có nghiên cứu cho thấy mức độ tăng nặng của Omicron nhẹ hơn Delta nhưng tốc độ lây lan của biến thể Omicron nhanh gấp 7 lần với người chưa tiêm, 3 lần với người đã tiêm. Do đó, nếu để Omicron lan rộng sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tiếp tục tăng lên.
Trong năm 2022, ông Long khẳng định ngành y sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành, đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận