Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1: Đường vào sân golf Kỳ 2: Trăm dâu đổ đầu tằm Kỳ 3: Giữa hai nửa thế giới
Phóng to |
Trong ký túc xá dành cho caddy ở Lương Sơn (Hòa Bình), mì gói vẫn là món ăn quen thuộc - Ảnh: Tâm Lụa |
Ký túc xá dành cho caddy là toàn bộ tầng 6 của căn nhà với lối đi riêng. Phía dưới là nhà ăn, khách sạn sang trọng dành cho khách nước ngoài. Những buổi chiều sau giờ làm, từng nhóm caddy mệt mỏi leo cầu thang từ lầu 1 lên lầu 6 để về phòng.
Tiếng thở dài trong đêm
Hạ, caddy cũ, hất hàm hỏi chúng tôi: “Người mới à”. Tôi gật đầu. Hạ tuôn luôn một tràng nội quy ký túc xá: không được bật quạt, bật điện vào ban ngày, nếu không sẽ bị phạt, không đổ rác cũng bị phạt. Đồ đạc của mình phải canh giữ cẩn thận, nếu để mất thì ráng chịu.
Đêm thứ hai ngủ ở ký túc xá, chúng tôi được thông báo tối nay sẽ có đoàn tới ký túc xá kiểm tra đăng ký tạm trú tạm vắng. Hơn 20 caddy mới vào chưa làm giấy tạm trú được người quản lý ký túc xá ra lệnh: “Tối nay ai thích đi đâu thì đi, ra ngoài chơi thì đừng vào nữa, mượn nhà bạn mà ngủ”.
Tôi nhăn nhó: “Em không có chỗ nào để đi giữa đêm khuya thế này cô ơi”. Các caddy khác cũng vậy. Thế rồi tất cả chúng tôi được tống hết vào một căn trong ký túc xá với lời nhắc: “Lát có người lên kiểm tra, tất cả nhớ ngồi im lặng không được động đậy. Phòng này là phòng riêng của cô, cô khóa cửa ngoài, nói không có ai ở trong này nên người ta sẽ không mở cửa kiểm tra”.
Hơn 20 caddy, đứa đứng đứa ngồi, đứa đi lại, đứa trải chăn dưới nền nhà chen chúc nhau nằm đếm ngược thời gian chờ kiểm tra xong để được về phòng. Trời về đêm mỗi lúc một lạnh, mấy caddy không mang chăn ngồi co ro. Hễ có động tĩnh gì cả nhóm đều thót tim sợ hãi và nín lặng không dám thở mạnh.
Tới hơn 1 giờ sáng chúng tôi được thông báo: tối nay đội không đi kiểm tra, mọi người có thể về phòng ngủ. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, lục tục kéo nhau về. Giấc ngủ muộn đến không mấy dễ dàng.
Đa số caddy làm ở sân golf HP nhà ở xa, muốn tiết kiệm tiền phòng trọ nên ở ký túc xá, dù ai cũng biết cuộc sống trong ký túc xá khá lộn xộn. Mấy bộ đồ đẹp nhất của tôi cũng không cánh mà bay sau vài lần giặt.
Buổi sáng, trong giờ tập thể dục, điệp khúc mà các quản lý luôn mang ra ca cẩm với các caddy là cuộc sống lộn xộn, bề bộn ở ký túc xá: rác thải tràn lan, sống vô kỷ luật, đồ mất vô tội vạ, đưa bạn bè về phòng, trốn giờ làm lên ký túc xá ngủ,...
Sau giờ làm, thú giải trí của các caddy tại ký túc xá là đánh bài uống nước, ăn tiền... Với nhiều cô gái, sau giờ làm có thể trang điểm, mặc đồ đẹp đi chơi với ai đó. Cũng có những cô sau giờ làm lầm lũi về ký túc xá nấu mì gói ăn.
Trân, một caddy làm ở đây hơn hai năm, tâm sự: “Mỗi lần về quê là tranh thủ nhổ rau lên để dành nấu mì gói ăn dần. Cả phòng sắm trộm một cái nồi điện nhỏ, nấu vài gói mì, vài bó rau, quây quần bên nhau húp xì xụp...”.
Mới hơn 21g, cả phòng chúng tôi đã tắt điện đi ngủ để sáng hôm sau dậy sớm đi làm. Gần cuối năm ai cũng trằn trọc khó ngủ. Nga, mới cai sữa con được một tuần, ngực còn căng sữa, đau nhức, cô nằm bật khóc. Cả phòng ai cũng thao thức.
Lĩnh tâm sự: “Sau này em lập gia đình chắc cũng bỏ nghề thôi. Người yêu em bây giờ tuy không cấm nhưng mỗi lần em ướm hỏi tương lai sau này có cho em đi làm tiếp không, thì anh bảo chẳng ai muốn vợ mình xách bao gậy lẽo đẽo đi sau mấy ông lắm tiền nhiều tật. Chỉ những người nào thật sự hiểu công việc và thương mình sâu sắc mới có thể cảm thông được công việc này”.
Ngày đầu tiên tôi gặp Lĩnh ở cổng phụ sân golf, cùng đi xin làm caddy. Cô gái mới 20 tuổi, mái tóc vàng hoe, đi giày cao gót, ăn mặc sành điệu... vì cứ ngỡ sân golf là nơi kiếm tiền dễ dàng của những cô gái chịu chơi. Nhưng mới vào học có mấy ngày, ở ký túc xá mấy đêm, suy nghĩ ấy của cả Lĩnh và tôi dường như đổi khác. Lĩnh không còn son phấn lòe loẹt cho mỗi buổi ra sân bởi: “có ma nào ngắm, làm sao mà che nắng kẻo nám mặt, kéo gậy nhanh chân đi cho kịp khách là may mắn lắm rồi”.
Cứ 5g sáng ký túc xá lại lục tục bởi caddy chuẩn bị làm việc. Trong ánh sáng mập mờ hắt ra từ bóng điện treo tường, chúng tôi vịn tay nhau xuống nhà ăn ký túc xá ăn sáng. Bữa sáng bao giờ cũng là một tô cơm với muối vừng, hoặc với lạc rang hay với trứng luộc. Ai cũng nhắm mắt cố nuốt thật nhanh. Với nhiều caddy, ăn cơm ký túc xá là cách tiết kiệm tiền hiệu quả nhất.
Ban ngày ký túc xá vắng lặng bao nhiêu thì ban đêm lại nhộn nhịp, ồn ào bấy nhiêu. Caddy sau giờ làm thường tụ tập sang phòng nhau hát hò, kể chuyện về khách, có người cãi nhau vì chia tiền tip không đều. Những ngày đầu các caddy cũ cùng phòng dè dặt với chúng tôi. Mượn chìa khóa phòng, mượn tủ đựng quần áo họ đều không cho. Nhưng ở khoảng một tuần, chúng tôi đã thật sự trở thành bạn của nhau. Chia nhau vài gói mì, chia nhau nỗi nhớ nhà, một vài câu chuyện về khách trên sân golf.
Buổi đầu tiên ra sân được bo 200.000 đồng, Điệp - học cùng lớp với tôi, đã về nhà luộc khoai, chặt mía mang vào ký túc xá cho mọi người cùng liên hoan chia vui. Điệp học hết lớp 9 thì nghỉ, bỏ học vào Sài Gòn bươn chải kiếm sống. Không trụ lại được ở Sài Gòn, cô về quê làm ruộng rồi lấy chồng.
“Cách đây mấy năm cả làng này cứ tưởng làm caddy trong sân golf là nghề xấu xa lắm. Mọi người đều tưởng làm trong này thì phải ăn mặc đẹp, đi theo đại gia mua vui cho họ mới có nhiều tiền. Họ có biết đâu công việc của mình lại khổ thế này”- Điệp bảo.
Mỗi buổi học tiếng Anh, Điệp đều phải căng đầu lên để tiếp thu vì khó quá. Cuốn vở ghi chép nguệch ngoạc những dòng chữ viết tay, phiên âm và nghĩa của từ tiếng Anh. Điệp tâm sự: “Mình xin đi làm thế này, chồng và cả gia đình chồng đều trông đợi. Họ tin và hi vọng mình vào đây làm kiếm được tiền để nuôi con. Thế nên nếu không làm ra được tiền thì chết”.
Ký túc xá caddy ở sân golf HP là nơi tôi bắt gặp những cô gái quê chấp nhận xa chồng, xa con mưu sinh bằng cái nghề nhọc nhằn này. Ở đó không còn khái niệm chân dài - đại gia trên sân golf, không còn những mối quan hệ tình - tiền đổi chác. Ở đó chỉ có những giọt nước mắt chảy ướt gối của người mẹ phải tự xoa tay lên bờ ngực căng nhức của mình nghe con khóc khát sữa qua điện thoại.
Có rất nhiều nỗi nhớ nhà, những dồn nén nhẫn nhịn về khách mà các caddy thường kể cho nhau nghe. Đó là ngôi nhà chung của những caddy chịu thương chịu khó đi rã chân mỗi ngày mấy chục cây số để kiếm tiền từ sức lao động chân chính của mình, mà không mơ tưởng tới những mánh khóe, mưu mô để moi bạc của người lắm tiền.
__________
Kỳ tới: Đẳng cấp của đại gia
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận