Ngoài nơi ăn chốn ở miễn phí, các khoản tiền điện, nước sinh hoạt của các em cũng được công an thị trấn đài thọ. Nhờ đó, nhiều học sinh gia cảnh khó khăn được yên tâm học hành.
Nơi bao bọc con em đồng bào
Xế chiều cuối tuần, hai khối nhà sau lưng Công an thị trấn Ia Ly náo nhiệt tiếng nói cười. Trong cái nắng rát da mùa khô Tây Nguyên, bên trong hai dãy nhà bê tông kiên cố mát mẻ hơn những gian trọ nhà cấp 4 bên ngoài. Hôm nay không đi học, các bạn học sinh trong khu ký túc xá tụm lại trò chuyện cho khuây nỗi nhớ nhà.
Mấy năm nay khu nhà này đã trở thành nơi ăn chốn ở và góc học tập cho các cô cậu học trò Jarai xuống thị trấn bám trụ theo con chữ. Ở vùng núi xa xôi này, có những em nhà cách trường gần 50 cây số, bắt buộc phải trọ học để nuôi ước mơ tìm tri thức. Chỉ đến cuối tháng các bạn mới khăn gói về quê nhận gạo, tiền "tiếp tế" từ gia đình rồi quay lại thị trấn.
Căn phòng ở góc trái lầu 2 là nơi sinh hoạt của bốn cô học trò người Jarai, là chị em họ hàng với nhau tại quê nhà xã Ia Kreng. Hoàn cảnh khó khăn, để tiết kiệm chi phí cho cha mẹ, khi lên cấp III, bốn nữ sinh lần lượt xin vào đây ở. Rơ Châm Bộc đang học lớp 10A4, nữ nhỏ con nhất phòng, nói từ khi dọn vào đây ở, gia đình em đỡ nhiều chi phí cho việc học hành,
Nhà có ba anh chị em, sống nhờ vào rẫy điều và rẫy mì của bố mẹ. Năm nay nắng hạn cây điều mất mùa, bố mẹ Bộc phải tiết kiệm hết mức để có tiền sinh hoạt phí gửi cho em. Biết gia cảnh các chị em ai cũng khó khăn, cả phòng chung nhau đi chợ, mua rau cá về nấu nướng tại chỗ để đỡ tiền ăn bên ngoài. Bộc bảo nhờ ký túc xá này, mỗi tháng em có thể cắt giảm được cả triệu đồng tiền phòng trọ, điện nước.
Thầy Nguyễn Viết Tài, bí thư Đoàn Trường THPT Ia Ly, cho hay khu ký túc xá hiện có 23 học sinh đang ở, chủ yếu là con em đồng bào Jarai. Học sinh người Kinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn được tạo điều kiện trọ học. Tại dãy phòng bên phải, căn phòng cuối cùng là nơi ở của hai anh em Đinh Viết Hoàng và Đinh Viết Nguyên, trú xã Ia Kreng.
Tính từ khi học cấp II tới nay, Nguyên đã có bốn năm sống tại ký túc xá này. Nguyên bảo điều kiện ăn ở tại đây tốt hơn nhiều các gian nhà trọ ọp ẹp. Hơn nữa gia đình cũng bớt gánh nặng, chỉ phải tốn tiền ăn uống cho hai cậu con trai.
Yên tâm bám trường, bám lớp
Thầy Tài nói ý tưởng ký túc xá 0 đồng tình cờ xuất hiện khi anh đi qua khu nhà này. Lúc ấy, thấy khu nhà bỏ trống không sử dụng, thầy Tài về bàn với ban giám hiệu sang Công an thị trấn Ia Ly xin làm ký túc xá cho học sinh khó khăn, nhà ở xa trường.
Sau khi nghe đại diện nhà trường trình bày mục đích, phía công an đã đồng ý. Vậy là Đoàn trường huy động đóng góp từ các cựu học sinh để sửa sang, lắp lại cửa nẻo, thay thế bóng đèn cho các em có chỗ ở.
Thầy Tài tâm sự ở vùng này việc các em vượt hàng chục cây số xa gia đình để đến trường đã là việc rất khó khăn. Nhiều em gia cảnh nghèo khó, nếu không được hỗ trợ chỗ ăn ở có thể sẽ không theo đuổi được việc học. Thỉnh thoảng vẫn có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn hoặc lập gia đình sớm phải bỏ học.
Ký túc xá này lập nên để góp một tay chia sẻ gánh nặng, giúp các em yên tâm học hành. Thầy Tài cho hay khu nhà vẫn còn nhiều phòng trống, sẵn sàng tiếp nhận các bạn khác vào ở nếu có nguyện vọng.
Động viên các em bám trụ trường lớp
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, trung tá Đặng Quốc Bảo - trưởng Công an thị trấn Ia Ly - nói hai khối nhà trước đây là trạm cảnh sát bảo vệ công trình thủy điện Ia Ly (hay được gọi là thủy điện Ya Ly), sau đó được bàn giao cho công an thị trấn làm trụ sở nhưng không dùng hết. Nhiều năm công tác trên địa bàn, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của con em đồng bào nên trung tá Bảo đã tạo điều kiện hết sức cho các em có nơi ăn ở.
Ngoài hỗ trợ tiền điện nước, công an thị trấn cũng kêu gọi hỗ trợ các em một số giường tầng và bàn ghế. Đồng thời thường xuyên cử cán bộ sang thăm hỏi, đảm bảo an ninh khu ký túc xá. Trung tá Bảo cho hay lãnh đạo huyện rất quan tâm, mỗi dịp cuối năm đều đến thăm hỏi, tặng quà động viên các em cố gắng bám trụ trường lớp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận