15/06/2018 13:46 GMT+7

Kỳ tích cứu sống bệnh nhân ngưng tim 1 tiếng

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Sáng 15-6, bệnh nhân T.H.V. (36 tuổi, trú Quảng Ngãi) đã xuất viện tại Bệnh viện Đà Nẵng sau khi đi từ “cửa tử” đến “cửa sinh” một cách kỳ tích.

Kỳ tích cứu sống bệnh nhân ngưng tim 1 tiếng - Ảnh 1.

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân V. - Ảnh: HOÀNG HIẾU

Bác sĩ Hà Sơn Bình, phó khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết bệnh nhân V. nhập viện đầu tháng 5 do bệnh viện trong Quảng Ngãi chuyển ra. 

Bệnh nhân này được bệnh viện ở Quảng Ngãi phẫu thuật điều trị tiêu hóa, chuyển ra Đà Nẵng trong tình trạng mệt, khó thở, có biểu hiện suy hô hấp độ 2. 

Đưa vào khoa hồi sức tích cực - chống độc điều trị, sau 12 tiếng thì bệnh nhân suy hô hấp nặng phải thở máy. 

Do biểu hiện của bệnh nhân sau khi đã phẫu thuật tiêu hóa nên rất khó chẩn đoán. Các bác sĩ nghi bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp, các nhánh nhỏ cũng bị bít. Bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện suy tuần hoàn và ngưng tim 1 giờ đồng hồ. 

Nhiều êkíp bác sĩ của nhiều chuyên khoa đã nhanh chóng vừa tiến hành nhồi tim, vừa khởi động kỹ thuật ECMO - hệ thống có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi nhằm cứu sống người bệnh.

Bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, khoa hồi sức tích cực - chống độc, cho biết tắc mạch phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, phải điều trị bằng tiêu sợi huyết hoặc đưa dụng cụ vào. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân V. phức tạp hơn rất nhiều. 

Bệnh nhân V. bị rối loạn đông máu sau phẫu thuật, vị trí tắc lại ở sâu trong các nhánh, nếu không có phương pháp điều trị thay thế sẽ dễ tử vong. 

"Các bác sĩ vừa phải cấp cứu ngừng tuần hoàn, hô hấp, vừa triển khai kỹ thuật ECMO hỗ trợ tim. Sau thời gian ECMO gần 1 tuần thì anh V. đã có thể tuần hoàn tự nhiên" - bác sĩ Hiếu cho biết.

Trước đó không lâu, các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã cứu sống bệnh nhân P.T.Z. (trú Đà Nẵng) bằng kỹ thuật ECMO. Bệnh nhân Z. có tiền sử hen phế quản từ nhỏ nhưng không điều trị dự phòng đúng phác đồ. Khi chuyển vào viện thì tình trạng "phổi câm" - không có khí vào hoặc ra. 

Các bác sĩ hội chẩn và cho thở máy nhưng tình trạng người bệnh không đáp ứng được và có dấu hiệu suy tuần hoàn. Các bác sĩ đã tiến hành phương pháp ECMO. Sau 4 ngày phổi được nghỉ ngơi thì anh Z. đã có thể cai được thở máy.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết kỹ thuật ECMO hiện ngoài Hà Nội và TP.HCM thì Đà Nẵng là trung tâm thứ 3 của cả nước được triển khai từ năm 2015 cứu sống rất nhiều người. Đây là một kỹ thuật cao của y tế. Sau khi bệnh viện thực hiện thành công 2 ca trên, Bệnh viện Đà Nẵng được đánh giá là 1 trong 675 trung tâm ECMO của thế giới.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên