15/04/2023 08:21 GMT+7

Ký sinh trùng gây nhiều loại u khắp cơ thể

Nhiều loại ký sinh trùng tạo ra các khối u trên khắp cơ thể. Không ít người bị chẩn đoán ung thư, bệnh viện trả về cuối cùng lại khỏi bất ngờ nhờ phát hiện và điều trị ký sinh trùng. Vậy phải phân biệt u do ung thư và ký sinh trùng thế nào?

GS.TS Nguyễn Văn Đề thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: HÀ LINH

GS.TS Nguyễn Văn Đề thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: HÀ LINH

Các u dưới da do ấu trùng giun sán, khối u trong phủ tạng như­ gan, phổi phúc mạc, não, tinh hoàn, buồng trứng... đều có thể do ký sinh trùng gây nên. 

Những khối u ác tính trong gan, đặc biệt là ung thư­ đường mật cholangiocarcinoma có vai trò của ký sinh trùng ký sinh tại gan, nhất là sán lá gan. Khối u do ký sinh trùng hầu như­ không tự khỏi, mà cần có can thiệp đúng tùy từng loài ký sinh trùng.

Cắt mất phổi và màng tim vì nhầm sán là ung thư

Trong hồ sơ của GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên chủ nhiệm khoa ký sinh trùng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khó có thể thống kê hết được các bệnh nhân bị u do ký sinh trùng. Đặc biệt có những bệnh nhân được bệnh viện trả về cuối cùng lại khỏi nhờ phát hiện ký sinh trùng.

Chẳng hạn, bệnh nhân Nguyễn Đức Th. (Vinh, Nghệ An) được chuyển trên xe cấp cứu tới khám trong tình trạng hấp hối: người gầy đét, bụng trướng to, tri giác lơ mơ. Gia đình cho biết, anh Th. được chẩn đoán ung thư gan lan tràn kín gan (đa ổ) không còn khả năng cứu chữa.

Cô giáo đến thăm kể chuyện một người trong gia đình cũng được chẩn đoán ung thư gan, sau xét nghiệm lại hóa ra bệnh ký sinh trùng nên gia đình Th. đã gọi xe cấp cứu đưa con ra Hà Nội. Siêu âm các khối u giống hình ảnh ổ sán, xét nghiệm máu tỉ lệ dương tính sán lá gan lớn rất cao. 

Vì bệnh nhân đến quá muộn nhưng gia đình quyết tâm điều trị, bác sĩ đã kê thuốc cho bệnh nhân uống và về nhà. Kết quả sau 3 đợt điều trị, khối u đã hết, bệnh nhân khỏe mạnh trở lại, tăng hơn 10kg.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kh., 52 tuổi (Hà Tĩnh), được kết luận ung thư gan giai đoạn cuối, khối u 12cm, không thể điều trị...

Bà được gia đình đưa đến trong tình trạng sốt cao, mê man không biết gì. Kết quả xét nghiệm khối ung thư gan của bà chính là tổ của con sán lá gan lớn. Sau một thời gian điều trị, bà đã khỏi bệnh và thoát chết.

Đặc biệt, có một bệnh nhân suýt chết vì nhầm sán lá gan lớn là ung thư phổi. Đó là anh Trần Văn T., 36 tuổi, (Hà Nội), đi viện với lý do ho ra máu, diễn biến từng đợt suốt 2 tháng và mức độ tăng dần, gầy sút. 

Chụp phổi có u ở thùy dưới phổi phải, hạch rốn phổi to và được chẩn đoán là ung thư phổi mặc dù có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh ký sinh trùng (bạch cầu ái toan tăng cao). Bệnh nhân được mổ cắt thùy phổi có khối u, hạch phổi và một phần màng tim. Sau khi phẫu thuật, phân tích khối u cho thấy không phải ung thư, mà là do sán lá gan lớn gây nên.

GS Đề cho biết, thực tế có rất nhiều người bị phẫu thuật, chẩn đoán nhầm là ung thư nhưng thực tế là bị nhiễm ký sinh trùng. 

Bản thân ký sinh trùng sinh u không những là tác nhân gây ung thư như sán lá gan, mà khối u đã làm cho các nhà lâm sàng chẩn đoán nhầm với u ác tính và xử lý nh­ư một ung thư (phẫu thuật cắt bỏ, tiêm/truyền hóa chất, chạy tia xạ...) dẫn đến hậu quả không tốt cho bệnh nhân, nhất là làm suy sụp tinh thần bệnh nhân.

sinh trùng có thể sinh u khắp nơi

Ông Đề giải thích khối u là tổ chức tế bào phát triển quá mức bình thường tạo nên. Nguyên tắc chung là mọi tế bào của cơ thể đều có thể phát triển thành khối u (sinh u). 

Các tác nhân gây khối u bao gồm đột biến gene nguyên phát/thứ phát, loạn sản tế bào tại chỗ, viêm nhiễm/xơ hóa dẫn đến sinh u, các tuyến nội tiết tăng sinh phì đại do thiếu hormone, các tác nhân ngoại lai nh­ư vi rút, vi trùng, ký sinh trùng, hóa chất độc hại (do nhiễm vô tình từ môi trường hay cố ý như thuốc lá, rượu...).

Với ký sinh trùng có thể gây nên các u dưới da do ấu trùng giun sán, khối u trong phủ tạng như­ gan, phổi phúc mạc, não, tinh hoàn, buồng trứng... Những khối u ác tính trong gan, đặc biệt là ung thư­ đường mật cholangiocarcinoma có vai trò của ký sinh trùng ký sinh tại gan, nhất là sán lá gan.

Khối u do ký sinh trùng hầu như­ không tự khỏi, mà cần có can thiệp đúng tùy từng loài ký sinh trùng. Các loài ký sinh trùng thường gây u như sán lá gan, sán lá phổi, ấu trùng sán lợn, giun đũa chó, giun đầu gai… 

Vì vậy, để tránh nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra, chúng ta cần xem xét vị trí các khối u, đặc điểm của từng khối u và các biểu hiện lâm sàng/cận lâm sàng kèm theo để xác định có phải khối u do ký sinh trùng hay không.

Tránh chẩn đoán nhầm bệnh ký sinh trùng với bệnh khác

Theo GS Đề, bệnh do ký sinh trùng ít người quan tâm nên đôi khi bác sĩ cũng "bỏ qua" vì không nghĩ tới nó. Vì vậy, cần nhận biết và phân biệt để tránh nhầm lẫn.

Khối u dưới da hay ở các phủ tạng do ấu trùng giun đũa chó Toxocara hay giun Gnathostoma gây nên sẽ có ELISA dương tính với kháng nguyên tương ứng (đã có hàng ngàn bệnh nhân rải rác trên toàn quốc), đặc biệt vị trí ký sinh là bất kỳ trên cơ thể nên dễ nhầm với nhiều bệnh khác.

Đôi khi bệnh sán lá gan nhỏ Clonorchis/Opisthorchis gây nhiều khối u rải rác trong gan như các khối u di căn (đã gặp ở Bệnh viện 108), đó là các ổ sán trong đường mật của gan được quan sát trên siêu âm.

Trong trường hợp này cần xét nghiệm phân tìm trứng sán hay làm phản ứng huyết thanh ELISA. Những trường hợp đã biến chứng u đường mật cholangiocarcinoma thì xử trí khó khăn hơn (đã gặp nhiều ở Bệnh viện Việt Đức). Bệnh sán lá gan nhỏ phân bố ở ít nhất 24 tỉnh, có địa phương tỉ lệ nhiễm tới 37,3-40,1%, có bệnh nhân nhiễm tới 1.270 sán.

Khối u do sán lá phổi, trên hình ảnh X-quang phổi do sán lá phổi Paragonimus, nhiều khi nhầm ổ sán với u phổi hay lao phổi (đã gặp ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trung ương và các tỉnh, có bệnh nhân nữ 13 tuổi ở Đà Bắc - Hòa Bình vào bệnh viện được chẩn đoán u phổi, chỉ định mổ cắt lá phổi có u, nhưng khi xác định lại là sán lá phổi).

Một bệnh nhân sán lá phổi 8 tuổi ở Tuyên Quang cũng chẩn đoán nhầm u phổi và mổ cắt thùy phổi, trong khối u có 2 sán lá phổi (nếu chẩn đoán đúng không cần mổ). Bệnh sán lá phổi phân bố tại ít nhất 10 tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều nhất tại Sơn La. Cần xét nghiệm đờm nhiều lần để tìm trứng sán hay làm phản ứng huyết thanh ELISA.

Khối u do bệnh ấu trùng sán lợn cysticercosis gây các u dưới da dễ nhầm với bệnh da liễu, cần sinh thiết tìm đầu sán trong u; ấu trùng sán lợn ở não gây động kinh, co giật, liệt... nhầm với u não, cần chụp CT não và làm ELISA để xác định.

Bệnh ấu trùng sán lợn ở mắt gây nhầm với một số bệnh ở mắt. Bệnh ấu trùng sán lợn phân bố rải rác ở ít nhất 50 tỉnh, có nơi tỉ lệ nhiễm 7,2% (như ở Bắc Ninh).

Ngoài ra có một số ký sinh trùng hiếm gặp khác gây u và sinh u như ấu trùng sán nhái, giun chỉ tổ chức...

Bị sán lợn tấn công não vì ăn tiết canh... giải nhiệtBị sán lợn tấn công não vì ăn tiết canh... giải nhiệt

Hay bị nóng trong người nên mỗi tháng ăn tiết canh tự đánh một lần để giải nhiệt, bà N.T.O. không ngờ sán lợn đã lên não, phải đi viện điều trị nhiều tháng nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên