18/05/2017 17:00 GMT+7

​Thiếu máu do giun sán

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Thiếu máu là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường.

Có 3 nguyên nhân chính gây thiếu máu. Nguyên nhân thứ nhất là sản xuất tế bào hồng cầu không đủ do thiếu các chất dinh dưỡng để tạo máu, trong đó thiếu sắt là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu máu trong cộng đồng. Nguyên nhân thứ hai là tế bào hồng cầu bị phá hủy quá mức do bệnh lý (sốt rét).

Nguyên nhân thứ ba là mất máu ở phụ nữ tuổi sanh đẻ hoặc do bị nhiễm giun sán (chủ yếu là giun móc & sán máng) dẫn đến thiếu sắt, hoặc do chấn thương, phẫu thuật, xuất huyết tiêu hóa… Có thể có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu xảy ra đồng thời trên một cá thể hoặc trong cộng đồng làm cho thiếu máu thêm trầm trọng.

Nhiễm giun sán gây thiếu máu như thế nào?

Giun sán là những ký sinh trùng phổ biến ở Việt Nam và số người mang loại ký sinh trùng cũng tương đối nhiều. Nguyên nhân là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thức ăn không được nấu chín.

Giun sán thường gây thiếu máu do sử dụng các chất dinh dưỡng cho con người ăn vào, đồng thời làm rối loạn tiêu hóa và hấp thu.

Giun móc là loại giun gây thiếu máu nhiều nhất. Trường hợp trầm trọng có thể dẫn đến tử vong do mất máu mãn tính. Nếu người nhiễm giun móc thải phân trên ruộng rẫy, vườn rau… hoặc phân được dùng để bón rau, khi đó trứng giun sẽ tồn tại trong đất cát. Khi gặp điều kiện thuận lợi, trứng giun móc sẽ nở thành ấu trùng. Độ ẩm càng cao càng thuận lợi cho ấu trùng phát triển. Ấu trùng giun móc vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc chui qua da. Vì vậy, người có thói quen không đi giày dép hoặc ăn uống mất vệ sinh rất dễ nhiễm loại giun này.

Ấu trùng qua da vào bạch huyết và máu rồi lên phổi, chui vào phế nang, di động lên phế quản và hầu họng rồi được nuốt vào ruột non. Khi ấu trùng lên phổi, bệnh nhân có thể có sốt nhẹ. Thời gian từ khi ấu trùng vào cơ thể đến lúc thành giun trưởng thành gây bệnh là khoảng 6-7 tuần.

Ở người, giun móc ký sinh ở tá tràng, miệng bám vào niêm mạc ruột để hút máu. Trung bình mỗi ngày, 1 con giun móc có thể hút 0,2ml máu. Giun móc chẳng những gây mất máu bằng cách hút máu ở tá tràng mà nó còn tiết ra độc tố làm vết thương ở đường ruột khó lành và cứ chảy máu rỉ rả gây chứng thiếu máu kéo dài, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nhược sắc.

Hầu hết người nhiễm giun móc không có biểu hiện rõ ràng. Một số người có triệu chứng chán ăn, đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn, đau âm ỉ cả lúc no lẫn lúc đói. Hậu quả trầm trọng nhất của nhiễm giun móc là bệnh nhân sẽ bị mất máu và mất các chất dinh dưỡng (đặc biệt là chất đạm). Người mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt. Tình trạng này được khắc phục tốt sau điều trị giun móc. Hậu quả của nhiễm giun móc là giảm hấp thu các chất dinh dưỡng, viêm ruột, bội nhiễm ở phổi và có thể suy tim do thiếu máu.

Khi nghi ngờ bị nhiễm giun móc, cần làm xét nghiệm tìm trứng giun móc trong phân. Khi đã xác định bệnh, cần tẩy giun theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài thuốc tẩy giun móc, bệnh nhân nên uống thêm viên sắt để hỗ trợ chống thiếu máu. Đồng thời nên chọn ăn các thực phẩm giàu chất sắt để tạo máu (thịt heo, thịt bò, gan, cá, trứng…).

Cách phòng ngừa

Để phòng bệnh, cần xử lý nguồn phân bảo đảm vệ sinh, làm sạch môi trường, diệt ấu trùng bằng cách rắc vôi bột ở những nơi ô nhiễm nặng (quanh hố xí, vườn rau...). Tránh ấu trùng nhiễm vào người bằng cách hạn chế tiếp xúc với đất. Đối với người lao động có nguy cơ cao bị nhiễm giun móc (làm việc tiếp xúc với phân đất...), cần có phương tiện bảo vệ như đi ủng, mang găng tay cao su. Cần tăng cường vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: giun sán nhiễm giun