Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Trường THCS Bình Khánh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) làm phòng "Đọc và suy ngẫm" để những học sinh vi phạm có thời gian nhìn nhận cái sai của mình, được nhiều bạn đọc đánh giá rất cao.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Công cho rằng đây là mô hình hay cần được nhân rộng. Sau đây là chia sẻ của ông.
Giá trị giáo dục rất lớn nếu xử lý khéo
Là người đứng trên bục giảng, tôi rất thú vị khi đọc thông tin "Cho học sinh đọc và suy ngẫm thay vì kỷ luật" của Trường THCS Bình Khánh (huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Ngày nay, học sinh vi phạm kỷ luật trong trường học xảy ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau.
Từ việc nói tục, chửi thề, hút thuốc, đánh nhau, gian lận trong thi cử…, căn cứ vào tính chất, mức độ mà nhà trường áp dụng hình thức xử lý phù hợp.
Thay vì áp dụng các biện pháp, hình thức kỷ luật nặng khác, cách làm của Trường THCS Bình Khánh là yêu cầu học sinh "đọc và suy ngẫm" để nhận ra lỗi sai của mình.
Đây là mô hình, phương pháp giáo dục có thể nói nếu được tổ chức khéo léo, khoa học sẽ có giá trị giáo dục rất lớn và được sự ủng hộ của các ngành, các cấp cũng như cha mẹ học sinh.
Với phương châm trường học thân thiện, học sinh tích cực, việc áp dụng phương pháp giáo dục hướng đến những giá trị nhân văn là rất quan trọng.
Tuy nhiên khi áp dụng hình thức này, đòi hỏi các thầy cô phải luôn linh hoạt, nghệ thuật khi đưa ra những cách thức ứng xử nhẹ nhàng, phù hợp.
Không có bất kỳ một phương pháp giáo dục nào là vạn năng, là duy nhất, mà điều quan trọng là phải biết kết hợp khéo léo giữa các phương pháp giáo dục mới thực sự mang lại hiệu quả.
Kỷ luật nặng có khi phản tác dụng
Theo quy định, học sinh vi phạm nội quy nhà trường thường bị kỷ luật bởi 1 trong 3 hình thức:
1. Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
2. Khiển trách, thông báo với phụ huynh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
3. Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ở hình thức kỷ luật thứ ba là tạm dừng học ở trường có thời hạn, dù là hình thức nặng đối với học sinh vi phạm, tuy nhiên dưới góc nhìn giáo dục thì áp dụng hình thức này có thể mang lại hiệu quả thấp.
Là giáo viên tâm lý học, không ít lần tôi chứng kiến hoặc nghe các em học sinh cá biệt tâm sự cảm thấy phấn khích khi "được" áp dụng hình thức tạm dừng học ở trường. Thậm chí với một số em, đó là được "xả hơi", "xả stress".
Tâm lý của một bộ phận học sinh muốn được nghỉ học cũng là chuyện bình thường ở các trường phổ thông, trong đó có cả học sinh giỏi, học sinh khá.
Vấn đề là sau khi các em trở lại trường, rất ít trường hợp tỏ ra hối lỗi, thậm chí chán nản, tự ti hoặc ngang ngược, thách thức, nảy sinh tâm lý "đại ca"… Điều đó, các bậc phụ huynh chúng ta hoàn toàn không mong muốn.
Như vậy, áp dụng biện pháp mạnh nhất không giải quyết vấn đề gốc rễ, mà cũng chỉ giải quyết phần ngọn, khó bền vững.
Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta áp dụng hình thức giáo dục cho phù hợp.
Một số học sinh vốn quen với nếp sống tự do, lại chưa được giáo dục, rèn luyện nhiều, thường nảy sinh tâm lý "tò mò", hoặc vì bị "cấm đoán" mà nảy sinh thái độ phản ứng với điều "bị cấm", muốn làm ngược lại.
Lại có trường hợp một số học sinh xuất hiện tâm lý "coi thường những điều nhỏ nhặt" trong sinh hoạt, hoặc trong thực hiện các quy định của nhà trường như thời gian, giờ giấc, đi lại, tác phong, dần dần dẫn đến thói quen tự do, tùy tiện nặng hơn như xúc phạm bạn bè, thầy cô.
Rồi cũng có những nguyên nhân do tâm lý "xả hơi" hoặc do tập thể thiếu tính đoàn kết, nhà trường không đặt ra những yêu cầu cao… đều là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm của học sinh, trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ nhận thức.
Khi học sinh vi phạm, bắt buộc các em phải "đọc và suy ngẫm" rồi thu hoạch "kết quả", đó là một giải pháp rất hay khi tác động vào nhận thức của học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận