Hơn 20 năm đứng lớp, thầy giáo Lê Tấn Thời - Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - cho rằng những ngày gần đây khi đọc những tin tức không hay liên quan môi trường giáo dục, khiến anh hết sức chạnh lòng.
Làm gì để mỗi ngày đến trường là một niềm vui với học sinh? Cách nào để tạo cảm giác thân thiện với học sinh, đồng thời vẫn giữ cái uy của thầy cô giáo?
Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của bạn đọc này.
Nhu cầu khẳng định của tuổi mới lớn
Trong thời buổi bùng nổ thông tin hiện nay, tâm sinh lý của học sinh phát triển rất nhanh theo xu hướng chung của xã hội.
Nhưng, điều tai hại là không phải lúc nào các em cũng có đủ kiến thức và kinh nghiệm để giải quyết những tình huống trong cuộc sống.
Những giá trị ảo trên mạng xã hội được mô phỏng, bắt chước vào môi trường giáo dục và những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các em học sinh.
Việc không giữ được trạng thái cân bằng trong cảm xúc khiến thanh thiếu niên đôi khi rơi vào những trạng thái xúc động mạnh và dẫn đến những hành vi tự phát, không kiềm chế được bản thân.
Từ nhu cầu muốn được khẳng định mình, thanh thiếu niên muốn được thừa nhận như người lớn nên nảy sinh những xung đột và có hành vi lệch hướng, thiếu chuẩn mực.
Đó có thể là xung đột, mâu thuẫn giữa thái độ đối với bản thân, với bạn bè cùng trang lứa hay là ngay cả với thầy cô, cha mẹ.
Không chỉ bây giờ, trước đây cũng thế: trẻ con, học sinh phạm lỗi là điều tất nhiên! Vì vậy mới có câu "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò"!
Nhưng, như trên đã đề cập, cơn lốc mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, phản ứng của cô cậu học trò cũng vì thế mà "bùng nổ" thêm hơn.
Làm gì để "lái" học sinh không chảy theo dòng xoáy?
Để theo kịp xu hướng, nhiều trường học chủ động xây dựng các quy tắc ứng xử, các quy định mang tính giáo dục, răn đe nhằm định hướng cho các hành vi đúng đắn.
Với vai trò của mình, công tác tư vấn học đường cần phải mạnh dạn đổi mới để có những hướng đi thích hợp với tình hình thực tế và thể hiện được kỷ luật tích cực được định hướng theo những quan điểm tiến bộ.
Khi học sinh phạm lỗi, các thầy cô giáo nên tìm được nguyên nhân và động cơ của những hành vi ấy. Giáo dục hành vi chứ không phê phán học sinh.
Điều quan trọng nhất là giải thích để học sinh hiểu rõ và tự giác nhận ra lỗi lầm của mình để từ đó điều chỉnh hành vi sai phạm và chấp hành quy tắc vì đã được thảo luận và nhất trí.
Việc áp dụng các phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực sẽ giúp học sinh có nhiều cơ hội chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, được mọi người quan tâm, tôn trọng và lắng nghe ý kiến.
Quan hệ thầy trò được nâng lên thành mối quan hệ chia sẻ, hợp tác, biến định hướng của giáo viên thành hành vi tự giác của học sinh và phòng ngừa những hành vi tiêu cực có thể xảy ra.
Ngược lại, ở góc độ phụ huynh, những bậc làm cha làm mẹ cũng phải có phần trách nhiệm. Không thể giao hẳn cho con em mình cho nhà trường, cho thầy cô giáo hoặc gây áp lực cho nhà trường, thầy cô giáo phải ưu ái, giáo dục con mình thế này thế khác.
Là giáo viên cũng là phụ huynh, tôi rất chia sẻ khi đa số gia đình hiện nay chỉ có từ một đến hai con nên sự quan tâm đến con em mình được chú trọng rất nhiều hơn so với thế hệ trước.
Tuy nhiên, sự quan tâm quá mức của các bậc cha mẹ vô tình ảnh hưởng đến việc giáo dục và hình thành nhân cách của các cháu.
Ở góc độ phối hợp, những cái đầu nóng của không ít phụ huynh học sinh lại gây thêm áp lực cho bản thân học sinh và các thầy cô.
Nhiều bậc phụ huynh trở thành người phán xử và đôi khi có những hành vi khiếm nhã hay thô bạo với bạn bè và ngay cả thầy cô của con em mình.
Trách nhiệm của cả cha mẹ và thầy cô
Để có trường học hạnh phúc, hơn bao giờ hết, mối quan hệ bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, nhà trường và gia đình phải được nâng chất và cải thiện.
Không thể có trường học hạnh phúc, học trò ngoan nếu gia đình bỏ ngỏ, thiếu chăm lo cho con em mình. Ở trách nhiệm liên đới, phía nhà trường, thầy cô giáo phải giữ vai trò trung tâm trong việc kiến tạo và lan tỏa các giá trị đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận