Rồi họ đăng bài bộc bạch vì sao đôi mình phải hai ngả phân ly, khóc lóc tình buồn như mưa ngâu tháng 7, kể cả "thú tội" để tìm sự đồng cảm của cộng đồng mạng dìu mình đứng dậy...
Khi công nghệ thông tin phát triển, những "hội nhóm thất tình" đã trở thành không gian quen thuộc, nơi nỗi đau không còn của riêng ai và mỗi chuyện tình muôn màu muôn vẻ được kể ra dài ngoằng, nhưng rồi nỗi đau một người sẽ được xoa dịu bởi nhiều người xa lạ...
Đắm chìm nỗi đau từ ngoài đời lên mạng
Không khó để lướt thấy những bài viết tâm trạng trên TikTok hay Facebook tâm sự về nỗi đau thất tình, những mảnh vỡ từ các cuộc chia tay, hay thậm chí nỗi "uất hận" vì bị phản bội, cảm giác trống rỗng khi một mối quan hệ kết thúc.
Một tài khoản TikTok có tên Phạm Hồng Quân là thành viên tích cực trang Tiktok Overthinking (có hơn 2.000 lượt theo dõi) tâm sự anh chàng vừa chia tay bạn gái sau 3 năm yêu nhau.
Mặc dù Quân đã cố gắng tự xây nhà, chăm chỉ làm việc, không rượu chè cờ bạc, thế mà vẫn bị người yêu cắm cho vài "cái sừng" trên đầu, cú sốc khiến chàng mất hết niềm tin tình yêu.
Không biết tâm sự với ai, Quân liên tục lên TikTok chia sẻ những bài viết tâm trạng tìm kiếm sự đồng cảm. "Mỗi lần buồn, mình thường bình luận vào những bài viết trên mạng, mọi người vào an ủi rất đông, nhắn tin hỏi thăm, động viên. Dù không quen biết nhưng cảm giác có người lắng nghe, mình cũng nhẹ lòng". Quân trải lòng.
Tương tự, bạn Võ Ngọc Linh (18 tuổi, quê Thái Bình) bối rối thú nhận người yêu cô thường xuyên "tác động vật lý" nhưng cô vẫn không thể dứt ra được.
Vẫn có những lúc anh ấy yêu thương chiều chuộng cô, nhưng cứ mỗi lần cãi nhau lại giở thói vũ phu. Sau đó chặn hết mọi liên lạc, khi hết giận lại mở chặn, mua quà tặng cô, coi như không chuyện gì.
Không ít người vào thả "haha" chuyện của cô gái trẻ, nhiều người đưa lời khuyên nhủ, nhưng không ít người lại trách móc... cô ngu ngốc.
Linh tâm sự: "Tôi tìm đến các trang tâm trạng vì không biết giãi bày cùng ai. Bạn bè an ủi cũng chỉ nói thời gian sẽ chữa lành, nhưng ở đây tôi nhận được sự đồng cảm từ những người từng trải, cùng cảnh ngộ...".
Còn Phan Nguyên khang (22 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) tự nhận là người hướng nội, khi thất tình thường lên mạng xã hội để đọc và chia sẻ lại những bài viết hợp với tâm trạng, cảm xúc mình.
Đọc những bài viết đó, Khang như tìm thấy chuyện chính mình. Khang chọn cách tự mình "gặm nhấm" nỗi buồn vì cảm thấy khó tâm sự với người xung quanh. Mỗi ngày cậu dành nhiều giờ lướt mạng xã hội trong vô định. Có những hôm cậu không muốn dậy đi làm vì kiệt sức, nhiều đêm liền đắm chìm trong nỗi đau...
Dần dà cậu cũng đã hạn chế hơn thay vì đắm chìm trong nỗi đau. Khang chọn cách chữa lành bằng cách nghe podcast.
Phụ thuộc và cố gắng tự chữa lành trái tim
Bạn Dương Thị Nguyệt Hằng (21 tuổi, huyện Bù Đăng, Bình Phước) nhớ lại thời gian mới chia tay mối tình 2 năm của mình, cô khóc rất nhiều ngày, tự nhốt mình trong phòng, cố nhắn tin gọi điện cho người cũ cả trăm cuộc nhưng không được hồi đáp.
Hằng tuyệt vọng, không biết chia sẻ với ai, cô bạn lên mạng xã hội viết mỗi ngày hàng chục status (trạng thái) linh tinh, câu chuyện trong từng status thay đổi liên tục theo tâm trạng Hằng.
Nhưng mặc kệ, cô cứ nghĩ gì thì viết đó, viết ra cho nhẹ lòng.
Cô dành nhiều thời gian cho mạng xã hội khi bản thân "rơi xuống vực tình". Cô tìm thấy các bài viết giống tâm trạng mình hiện tại, vào đọc bình luận, tìm xem có ai cũng đang chia tay, đau khổ giống mình.
Do ít bạn bè thân thiết nên Hằng chọn im lặng, không chia sẻ với ai.
"Nhiều hôm mình thức tới 4h sáng chỉ để vô livestream (phát trực tiếp) nói chuyện với mọi người, thấy nhiều bạn còn đáng thương hơn mình nữa", cô trải lòng.
Dưới mỗi bài viết, hàng trăm bình luận từ những người đồng cảnh ngộ xuất hiện. Mọi người chia sẻ kinh nghiệm vượt nỗi đau hoặc đơn giản là gửi vài lời động viên tới các bạn khác: "Bạn không cô đơn đâu, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, cố gắng lên nhé...".
Tuy nhiên, cô gái trẻ cũng thừa nhận việc liên tục chia sẻ tâm trạng tiêu cực khiến bản thân mình khó thoát cảm giác đau buồn, thậm chí còn bị cuốn vào vòng xoáy so sánh nỗi đau với người khác.
"Mình cảm thấy bị phụ thuộc những lời an ủi đó, có lẽ không ai thực sự giải quyết được vấn đề của mình, mọi người cũng chỉ bàn luận rồi thôi" - Hằng nói bằng chứng là sau khi rời khỏi các trang mạng xã hội, cô lại cảm thấy trống rỗng, nhận ra chỉ có chính mình đối diện với thực tế thì mới nhanh chóng vượt qua được.
Chưa kể việc tìm kiếm sự đồng cảm từ người lạ có thể là cách giải tỏa, nhưng không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả lâu dài.
Hằng tâm sự: "Có lần em đăng bài, nhưng thay vì an ủi, một số người lại chế giễu chuyện tình cảm của em. Em thấy mình còn đau hơn trước, mất niềm tin vào việc chia sẻ. Có vài bình luận ẩn danh trên mạng xã hội đôi khi thiếu tinh tế, vô tình làm mình tổn thương thêm".
Biên status buồn thất tình để người ta nghĩ mình... chung thủy
Dù đã vượt qua nỗi buồn thất tình từ lâu nhưng mỗi ngày một vài status "suy" vẫn được update đều đặn trên trang cá nhân của Thùy Trang (24 tuổi, TP.HCM) suốt nhiều tháng nay.
Giờ còn đỡ, chứ hồi mới, cô nàng còn thường xuyên vào hội những người thất tình, hội chưa quên người yêu cũ, hội yêu đơn phương... để đăng bài than thở ỉ ôi.
"Hình như em đăng riết quen hay sao á, em hết buồn rồi nhưng kéo newsfeed thấy mấy status tâm trạng là em lại tha về post lên Facebook.
Em thấy như vậy cũng không làm tổn hại đến ai, thôi lâu lâu mình buồn để người ta nghĩ mình... chung thủy", Trang cười tủm tỉm nói.
Cô nàng cũng thừa nhận việc "thất tình online" cũng ngốn nhiều thời gian của mình, nhất là giai đoạn đầu khi vừa xảy ra cớ sự.
Vậy nên cô đang cố gắng tập dần thói quen sống cho hiện tại, học cách trân trọng và yêu thương bản thân, đặc biệt là thực tế hóa những thói quen, niềm vui và nỗi buồn của mình, ngưng sống ảo.
Hai mặt hệ quả chia sẻ tình riêng trên mạng
Xoay quanh việc người trẻ hiện nay có xu hướng chia sẻ những câu chuyện cá nhân, đặc biệt là chuyện thất tình, lên mạng xã hội để tìm kiếm sự đồng cảm, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: "Trên phương diện tích cực, việc này có thể giúp các bạn trẻ cảm thấy không cô đơn, khi nhận được sự động viên từ bạn bè hoặc cộng đồng. Các phản hồi tích cực từ mạng xã hội có thể đóng vai trò như một "liều thuốc" tinh thần, giúp các bạn trẻ tìm lại sự cân bằng cảm xúc.
Tuy nhiên, việc chia sẻ công khai lên mạng xã hội như vậy có thể làm tăng cảm giác tổn thương, nhất là khi nhận về những phản hồi tiêu cực hoặc không nhận được sự đồng cảm như mong đợi. Hơn nữa, việc công khai đời tư có thể khiến người chia sẻ khó quên được quá khứ, làm chậm quá trình phục hồi sau chia ly".
Chuyên viên tâm lý này còn cho rằng lý do chính khiến người trẻ chọn chia sẻ trên mạng xã hội có thể đến từ cảm giác an toàn khi không phải đối mặt trực tiếp với người khác, cũng như mong muốn được nhìn nhận và thấu hiểu.
Việc nhận được tương tác (bình luận, thả like, tim) từ cộng đồng mạng cũng góp phần điều chỉnh cách thức bày tỏ vấn đề, khiến chủ thể cố tình hoặc vô ý trình bày vấn đề theo hướng có lợi cho bản thân, cung cấp thông tin sai lệch để nhận được sự ủng hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận