Phóng to |
Nhất Hùng đi viết về thị trường tiêu thụ hoa của nông dân Đà Lạt - Ảnh: Võ Trang |
Chung cư to đùng nhưng người ta quên thiết kế lấy một hội trường chung nên gia đình phải đập tường căn hộ của mình ra mới đủ không gian làm lễ tang cho anh. Cô em vợ Nhất Hùng với gương mặt ướt đẫm nước mắt nói: "Tội nghiệp ảnh quá. “Đi” gì nhẹ tênh, không phiền người thân lấy một chút!”.
Rời cuộc đời nhẹ tênh. Anh bỏ biên chế và nhịp sống ổn định ở đài phát thanh địa phương và chấp nhận nổi trôi theo nhịp đời của một kẻ làm báo tự do là vì thế.
Giấc mơ làm báo chuyên nghiệp đã đưa hành trình viết báo của anh ghé dạt đây đó vào các tòa soạn Đài Tiếng nói VN, Lao Động, Thanh Niên Thời Đại, Lao Động Xã Hội Chủ Nhật, The Saigon Times Daily, Công An Nhân Dân, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn… Thời cuộc đẩy đưa, có những tờ báo do sự biến mà “chết”, làm ký giả nhiệt thành với nghề Nhất Hùng “chết" theo, mệt mỏi, chán chường.
Tôi đã mời anh “định cư” với Tuổi Trẻ, cứ phóng bút trên "cánh đồng" Tuổi Trẻ, đừng “du canh du cư” nữa. Và anh đã thôi "du canh du cư". Anh hay nói với anh em làm báo ở Đà Lạt là anh đã tuôn chảy, yêu nghề nồng nàn, “xanh” lại trên "cánh đồng" Tuổi Trẻ.
Là người lướt đi trong nhiều báo, mãi là đời cộng tác viên, nhưng Nhất Hùng rất “chuyên nghiệp” về lòng tự trọng, hiếm có tòa soạn nào phải than phiền anh viết sai. Anh được người dân và những người làm báo thật sự trân quý; luôn là đàn anh tiếp lửa, truyền nghề cho những phóng viên mới vào nghề ở Đà Lạt, chịu khó giao du cà kê với họ. Nhất Hùng là người đưa tin (viết) lành nghề ở làng báo Lâm Đồng.
Phóng to |
Phóng viên tự do Nhất Hùng lội trong bùn đất khi đi tường thuật mưa bão sạt lở đèo Hòn Giao (giáp ranh giữa Lâm Đồng với Khánh Hòa) cho báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Võ Trang |
Một số người làm báo địa phương thường có tật tranh thủ “đi lấy quảng cáo” vào mỗi kỳ làm báo tết, nhưng Nhất Hùng không tận dụng lối làm báo như vậy, dù có những tòa soạn nhờ. Suốt hơn 30 năm cầm bút, và giữ được điều ấy cho đến ngày anh rời xa làng báo và cuộc đời vĩnh viễn.
Nhà báo này sống không cong, hành nghề cũng không cong, cũng không núp bóng phóng viên để tư lợi bao giờ. Không thuộc hẳn tòa soạn nào nhưng anh có kỷ luật riêng về đạo đức và tư cách nghề. Đây là một người sống thật sự bằng ngòi bút, duy nhất ngòi bút là phương kế. Dĩ nhiên Nhất Hùng phải “cày” ra tin bài mà sống, vì chiếc xe bánh mì của vợ anh trước trường học kia không thể gánh thảnh thơi một gia đình.
Không thuộc biên chế tờ báo nào, không có thẻ nhà báo, không ai phải trả hưu trí cho anh…, nhưng Nhất Hùng thành tâm bền bỉ đến cùng với nghề báo, đóng góp được thông tin hàng ngày cho đời sống cộng đồng suốt bao năm qua. Nhất Hùng làm báo kiểu “tay không bắt giặc” là vậy.
Nếu không kể tấm “thẻ nhà báo”, chỉ nói về tính chuyên nghiệp trong nghề viết báo và thực hiện được sứ mệnh của nhà báo, thì trường hợp Nhất Hùng thật đúng là… nhà báo.
Nhà báo Trần Nhất Hùng (bút danh Nhất Hùng, 58 tuổi, nguyên quán ở Tây Sơn, Bình Định) đột ngột ra đi vào lúc 8g20 ngày 9-7 tại nhà riêng ở khu chung cư Đặng Thái Thân (Đà Lạt). Nhất Hùng là nhà báo tự do, trong gần 10 năm trở lại đây anh là cộng tác viên thường xuyên cho báo Tuổi Trẻ. Lễ an táng nhà báo Nhất Hùng được tổ chức lúc 7g30 ngày 12-7 (12-6 âm lịch) tại nghĩa trang Du Sinh Đà Lạt. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ vô cùng thương tiếc và xin chia buồn cùng gia đình nhà báo Nhất Hùng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận