01/05/2014 11:50 GMT+7

Kỳ cuối: Xây dựng 20 nhà bán lẻ hàng đầu

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đinh Mỹ Loan - chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ - khẳng định bằng mọi cách phải hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ VN, bởi “nắm được ngành công nghiệp bán lẻ tức là nắm được ngành sản xuất”.

Kỳ 1: Cửa hàng “ngoại” mọc như nấm Kỳ 2: Bung tiền “nuốt chửng”... Kỳ 3: “Không thay đổi, doanh nghiệp sẽ chết”

fbdLMV9K.jpgPhóng to
Bà Đinh Mỹ Loan Ảnh: VIỆT DŨNG

Bà Loan nói:

- Nhìn ở góc cạnh nào đó đúng là thấy các thương hiệu ngoại trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ như Big C, Metro... tràn ngập, ngày càng phình ra. Đó là chưa kể đến những cửa hàng tiện dụng, những chuỗi cửa hàng như Mango, PlayBoy... cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các con phố. Tuy nhiên, tôi không cho rằng thị trường bán lẻ của VN đang bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “lũng đoạn” hay “thâu tóm”.

"Nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ trong nước bởi tổng thể, nắm được ngành công nghiệp bán lẻ sẽ nắm được cả nền sản xuất"

Đinh Mỹ Loan

Các doanh nghiệp trong nước đã vươn lên rất mạnh mẽ. VN hiện có hơn 1.000 cơ sở bán lẻ hiện đại (kể cả siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh).

Trong những năm qua các nhà bán lẻ VN đã nỗ lực mở rộng hệ thống bán lẻ và tăng chất lượng dịch vụ trong cả hệ thống bán lẻ hiện đại lẫn truyền thống, khẳng định chỗ đứng như: Co.op Mart, Phú Thái, Nguyễn Kim, Kangaroo, Trần Anh, Hapro mart...

Tuy nhiên, phải công nhận các doanh nghiệp VN đang trong cuộc chiến không cân sức khi các doanh nghiệp ngoại đều là các đối thủ có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, công nghệ và thương hiệu hơn hẳn các nhà bán lẻ nội địa. Do vậy nhà bán lẻ nội địa trụ vững và tiếp tục phát triển được đó thật sự là quyết tâm đáng ghi nhận.

* Nhiều chuyên gia cho rằng VN đã mở cửa thị trường bán lẻ quá sớm so với lộ trình cam kết WTO?

- Đúng là theo cam kết, sau năm 2009 VN mới có những doanh nghiệp vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Nhưng thực tế ngay từ trước đó đã có doanh nghiệp 100% vốn ngoại được hoạt động ở VN rồi.

Đây là áp lực cạnh tranh không nhỏ. Điều này đặt ra vấn đề doanh nghiệp phải nỗ lực hơn và theo tôi, cơ quan nhà nước cũng cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, ít nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp VN được bình đẳng trong tiếp cận đất đai, có môi trường cạnh tranh bình đẳng...

Cần thực thi nghiêm các quy định, tránh các nhà phân phối ngoại bán cả hàng họ không được phân phối, hay những thương hiệu bán sỉ lớn vẫn lách được quy định, vô tư đi bán lẻ...

* Các doanh nghiệp cho rằng các nhà bán lẻ VN đang bị thiệt thòi trên chính “sân nhà”?

- Về mặt chính sách thì không, nhưng trên thực tế thì có, nhất là những khó khăn trong tiếp cận mặt bằng. Nhiều khi quy hoạch có tình trạng “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”.

Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thường được đón tiếp, cung cấp thông tin sớm và nhanh hơn các quy hoạch. Trong khi đó, ngay cả khi có thông tin, doanh nghiệp trong nước muốn tiếp cận đất đai cũng khó hơn.

Nhiều địa phương thích các siêu thị lớn như Metro, Big C... ở địa phương mình, vì ngoài việc họ thuê đất nhiều hơn, địa phương còn được tiếng thu hút đầu tư nước ngoài... Và đáng lẽ những siêu thị lớn như Metro phải ở ngoại thành thì nhiều nơi đặt giữa nội thành, ảnh hưởng đến các siêu thị nhỏ khác.

Hay doanh nghiệp ngoại được cấp phép bán sỉ nhưng thực tế họ lại bán lẻ, cạnh tranh trực tiếp với các siêu thị nhỏ mà không bị xử lý thích đáng.

* VN có quy định nhà đầu tư nước ngoài mở cửa hàng thứ hai trở đi phải đánh giá nhu cầu kinh tế. Nhưng họ đang lách, cửa hàng thứ hai cho người khác đứng tên, coi như nhượng quyền thương mại?

- Có lẽ câu hỏi này nên đặt vấn đề với cơ quan quản lý nhà nước. Nhìn có thể biết họ lách, nhưng họ có thể nói là nhượng quyền. Đó có thể là kẽ hở, cần theo dõi, nghiên cứu có giải pháp phù hợp.

* Có vẻ như để phát triển ngành công nghiệp bán lẻ VN, chúng ta thấy rõ mong muốn của các nhà làm chính sách, nhưng các biện pháp cụ thể lại chưa rõ và đủ mạnh?

- Hiệp hội chúng tôi cho rằng để phát triển ngành công nghiệp bán lẻ VN cần có một chiến lược và định hướng phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở nghiên cứu toàn diện về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, các chính sách ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong ngành; hiện trạng và triển vọng thị trường; định hướng phát triển tương lai của ngành; định hướng về mô hình cạnh tranh, công nghệ...

Một điều quan trọng nữa là vấn đề thực thi mọi chính sách - pháp luật tốt đẹp sẽ bị vô hiệu hóa nếu thực hiện không nghiêm, không hiệu quả.

* Vậy theo bà, VN nên có chính sách hỗ trợ gì, bởi nhiều người cho rằng không thể hỗ trợ vì có thể vi phạm thỏa thuận WTO?

- Nhà nước đã có một số chính sách phát triển hệ thống phân phối, bao gồm cả truyền thống và hiện đại, đặc biệt phát triển hạ tầng thương mại nói chung và bán lẻ nói riêng.

Đây được coi là một trong các ưu tiên của Chính phủ thông qua các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ và phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp dịch vụ tiềm năng này.

Còn rất nhiều điều Nhà nước có thể làm để hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ mà không trái với cam kết WTO. Đó là hỗ trợ về mặt thông tin về thị trường, nghiên cứu, điều tra về thị trường, xu hướng tiêu dùng.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng và phát triển các thương hiệu bán lẻ VN... Tuy nhiên hiện nay những hỗ trợ này chưa thực hiện tốt và cần được làm tốt hơn.

Mở toang cửa...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ VN cho hay một số chính sách trong lĩnh vực bán lẻ hiện nay đang có hướng rất thoáng cho cả nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, theo thông tư số 08 của Bộ Công thương ngày 22-4-2013, nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 tại khu vực đã được tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng thì không phải thực hiện việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) bao gồm: số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư và quy mô của địa bàn cấp quận, huyện nơi dự kiến đặt cơ sở bán lẻ...

Với việc mở toang cửa, cho phép doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thoải mái thành lập các cơ sở bán lẻ một cách dễ dãi, không có kiểm soát sẽ dần bóp chết ngành bán lẻ VN.

D.TUẤN

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên