30/04/2014 08:50 GMT+7

"Không thay đổi, doanh nghiệp sẽ chết"

LÊ SƠN - DŨNG TUẤN
LÊ SƠN - DŨNG TUẤN

TT - Đó là khẳng định của bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, về thực trạng doanh nghiệp và nhà bán lẻ trong nước ngày càng thu hẹp ngay trên chính sân nhà hiện nay. Bà Hạnh nói:

Kỳ 1: Cửa hàng “ngoại” mọc như nấm Kỳ 2: Bung tiền “nuốt chửng”...

gfB3MUUJ.jpgPhóng to
Các nhà bán lẻ trong nước kêu không được đối xử công bằng với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài - Ảnh: T.T.D.

- Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc đưa hàng hóa vào siêu thị như đi vào mê cung, vô cùng khó khăn với nhiều điều khoản phức tạp và chiết khấu cao. Do đó, không ít doanh nghiệp không chịu được nên từ bỏ và các thương hiệu nước ngoài ngay lập tức chiếm chỗ, hàng hóa Việt mất dần vị trí trên kệ hàng.

* Nhiều nhà kinh doanh bán lẻ trong nước cho rằng không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp nước ngoài do không đủ tiềm lực về vốn?

- Quả thật, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước không thể so sánh về tiềm lực vốn với các tập đoàn bán lẻ lớn như Metro, Lotte... Nhờ nguồn vốn dồi dào, các tập đoàn nước ngoài có khả năng xoay vòng nhanh, thậm chí chấp nhận thua lỗ ban đầu để chiếm lĩnh thị trường lâu dài. Tuy nhiên, vốn chỉ là một yếu tố, trình độ quản trị điều hành và công nghệ yếu kém cũng là những yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp trong nước không đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài.

Trong khi đó, các chính sách của chúng ta hiện nay cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong việc tìm mặt bằng, địa điểm đầu tư tại các tỉnh, rồi cơ chế thủ tục cũng thông thoáng... Ngược lại, doanh nghiệp trong nước gặp bất lợi hơn về việc tìm mặt bằng kinh doanh, ngay cả cơ chế thủ tục cũng rườm rà và khó khăn hơn so với nhà bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, theo tôi, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa cũng phải xem lại hệ thống đầu tư sao cho phù hợp, không nên chạy theo số lượng mà cần tập trung vào chất lượng. Thấy họ ồ ạt mở siêu thị, mình không có lực mà chạy theo để làm gì.

* Với việc thị trường bán lẻ đang dần rơi vào tay các “đại gia” nước ngoài thì những hệ lụy doanh nghiệp gặp phải là gì?

- Nếu tình trạng này không được cải thiện, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ cực kỳ khó khăn. Về nguyên tắc, phân phối quyết định sản xuất. Trong khi chúng ta phân phối không được thì sản xuất sống làm sao nổi. Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ra nhưng không bán được, không cạnh tranh được, không thể đứng trên kệ siêu thị được thì sẽ mất thị phần. Khi mất thị phần sẽ dẫn tới mất khả năng sản xuất, doanh nghiệp teo tóp mà chết. Đó là bức tranh thực tế nhất của doanh nghiệp khi bị mất thị trường.

* Nhưng hàng hóa không vào siêu thị cũng có lỗi của nhà sản xuất, thưa bà?

- Đúng vậy. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt yếu kém về máy móc, công nghệ và cả trình độ quản trị, dẫn đến chất lượng sản phẩm thiếu ổn định, giá cả không cạnh tranh... Những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm vào siêu thị, chưa kể tâm lý “bị làm khó” nên nản lòng.

Đặc biệt, sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không còn được những chính sách ưu đãi khiến hàng Việt ngày càng thất thế. Không những vậy, các hệ thống bán lẻ không thể mãi ủng hộ hàng Việt nếu không đem lại lợi nhuận, nhất là các hệ thống bán lẻ nước ngoài. Từ đó dẫn tới hàng Việt xuất hiện ngày càng khó khăn hơn, khốc liệt trên thị trường. Để cải thiện tình hình này không dễ, nhưng tôi cho rằng nếu doanh nghiệp quyết tâm thay đổi sẽ làm được. Trước hết, nhà sản xuất phải đổi mới để sản phẩm có tính cạnh tranh hơn, cần thắt chặt chi phí, đổi mới trong quản trị... để sản xuất những sản phẩm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh.

* Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cho rằng không thể cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài, kể cả hàng giá rẻ của Trung Quốc nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

- Để doanh nghiệp trong nước có thể tìm được chỗ đứng tại thị trường nội địa, theo tôi, không thể không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tin vui cho doanh nghiệp là mới sáng 29-4, Chính phủ đã thông qua dự thảo phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”. Tôi hi vọng những chính sách này sẽ sớm được đưa vào thực tế, tạo bệ phóng cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt các nhà sản xuất hàng hóa.

Chúng ta bước vào WTO, các doanh nghiệp Việt phải tuân thủ luật chơi. Chúng ta không kỳ thị sự ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài nhưng cũng cần phải đối xử công bằng với doanh nghiệp trong nước. Đó là phải kiểm soát và đảm bảo các doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ các quy định về chi phí quảng cáo tối đa, ngăn chặn độc quyền bán lẻ... Có một thực tế là hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng nhập lậu, hàng giả hiện đang tràn ngập thị trường, đòi hỏi những hành động quyết liệt từ cơ quan quản lý.

* Ông Võ Văn Quyền(vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương):

Tiếp tục kiểm soát thị trường bán lẻ theo lộ trình mở cửa

Tôi khẳng định VN chưa mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, mà vẫn quản lý thị trường này theo đúng lộ trình theo cam kết với WTO. Theo đó, từ khi VN vào WTO năm 2007, các doanh nghiệp nước ngoài có quyền đầu tư vào mở cơ sở bán lẻ tại VN nhưng vốn không quá 49%. Từ sau năm 2010, doanh nghiệp FDI được mở cơ sở bán lẻ 100% vốn nước ngoài, nhưng có những điều kiện kiểm soát nhất định. Chẳng hạn, các nhà phân phối, bán lẻ nước ngoài có quyền mở cơ sở đầu tiên nhưng đến cửa hàng thứ hai trở đi, các cơ quan nhà nước sẽ đi kiểm tra địa điểm họ định mở để xem có các siêu thị khác hay chưa, dung lượng thị trường như thế nào trước khi cấp phép. Các cửa hàng tiện lợi cũng phải tuân thủ theo quy hoạch và đúng lộ trình mở cửa của VN. Trong thời gian tới, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... của nhà đầu tư nước ngoài vẫn được quản lý theo lộ trình cam kết với WTO. Đây là giải pháp quản lý nhằm đảm bảo thị trường phát triển hài hòa.

Với các cửa hàng tiện lợi mác ngoại ở TP.HCM, cần phân biệt đó là cửa hàng của doanh nghiệp ngoại hay cửa hàng nhượng quyền. Nếu là cửa hàng nhượng quyền thì đó là doanh nghiệp VN trực tiếp kinh doanh, chỉ nhận nhượng quyền và dùng nhãn hiệu ngoại. Loại hình này hiện VN không có quy định hạn chế vì đây vẫn được xem như hình thức giúp chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, phát triển thị trường...

* Bà NGUYỄN ÁNH HỒNG (tổng giám đốc hệ thống siêu thị Maximark):

Doanh nghiệp nội thất thế vì thiếu vốn

Tôi cho rằng về quản lý điều hành, doanh nghiệp trong nước không thua kém gì nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng tiềm lực vốn không có, lại không được hỗ trợ thì dù có cố gắng doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.

Chẳng hạn, họ sẵn sàng chịu lỗ một vài năm ở một số khu vực, điều đó không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động kinh doanh chung. Ngược lại, doanh nghiệp trong nước mà rơi vào trường hợp này chỉ có đóng cửa. Doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần muốn là có ngay mặt bằng đẹp, một yếu tố quyết định đến thành công của hoạt động kinh doanh bán lẻ, do họ có nhiều tiền. Trong khi đó, doanh nghiệp VN phải đi vay mượn khắp nơi, làm sao kiếm mặt bằng tốt được. Ngay cả lãi suất ưu đãi (bình ổn) khoảng 6% như hiện nay, dù thấp so với mặt bằng lãi suất chung nhưng vay 1 - 2 tỉ đồng thì có thể chấp nhận được, chứ vay vài chục tỉ thì chưa mở siêu thị doanh nghiệp đã không chịu nổi lãi vay, vì lấy đâu ra nguồn để trả lãi.

Điều nghịch lý là cơ chế của Nhà nước dành cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là như nhau, không có gì khác biệt, không có “hàng rào kỹ thuật” hay cơ chế gì tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước cả. Chưa kể hiện nay đã có quy định bảo vệ, chống bán phá giá, chống độc quyền nhưng không thấy thực thi, kiểm tra, kiểm soát. Điều đó rất bất lợi cho cạnh tranh nói chung.

LÊ SƠN - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên