12/09/2013 04:05 GMT+7

Kỳ cuối: Sẽ có "chợ việc làm" cho doanh nghiệp Nhật

ĐẶNG ĐẠI - HỒ VĂN thực hiện
ĐẶNG ĐẠI - HỒ VĂN thực hiện

TT - Hậu xuất khẩu lao động (XKLĐ) là chính sách về tận dụng nguồn lực hoặc tạo công ăn việc làm cho người đi XKLĐ trở về. Sau một thời gian dài bỏ quên, gần đây Bộ LĐ-TB&XH đã có những quan tâm bước đầu, mở các phiên giao dịch việc làm cho người đi XKLĐ và doanh nghiệp nước ngoài tại VN.

Những người cốt cánLao động giỏi trở về từ Nhật - Kỳ 2: Khai thác nguồn lực quý

V5izGnm4.jpgPhóng to
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa - Ảnh: Đ.Đ.

Tại hội thảo quốc tế về Nâng cao chất lượng phái cử, tiếp nhận thực tập sinh đi Nhật tổ chức tại TP.HCM hôm 10-9, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, về hậu XKLĐ.

* Thưa ông, có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc... tại VN nhưng có rất ít LĐXK từ các nước này trở về làm việc ở đó. Đó là sự lãng phí nguồn lực khá lớn và thưa ông, do đâu, có phải Nhà nước không quan tâm?

"Vừa rồi Cục Lao động ngoài nước đã tổ chức các phiên giao dịch tại Đồng Nai và Bắc Ninh để kết nối lao động trở về từ Hàn Quốc với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Sắp tới sẽ tổ chức cho lao động trở về từ Nhật và doanh nghiệp Nhật tại VN. Đến năm 2014 sẽ đưa nội dung này thành mục tiêu của chương trình quốc gia về việc làm và sẽ tổ chức định kỳ hơn"

Ông Nguyễn Thanh Hòa(thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH)

- Trước đây việc tận dụng nguồn lực người đi XKLĐ trở về chưa được quan tâm lắm. Về sau cũng được quan tâm hơn nhưng chưa đúng mức, chưa có những chính sách cụ thể.

Còn hiện nay đã có quan tâm cụ thể hơn. Đó là trong chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm có thể hiện nội dung là phải xây dựng cho được một cơ sở dữ liệu về các lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về. Từ đó kết nối với các địa phương, nhất là hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm trong nước, để tìm việc làm cho họ.

Ngoài ra, hiện Bộ LĐ-TB&XH cũng đang thí điểm tổ chức đào tạo cho những lao động về từ Hàn Quốc có nguyện vọng tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp (ví dụ đi làm cơ khí Hàn Quốc nhưng trở về vùng quê không có nghề ấy thì họ được đào tạo để chuyển sang nghề khác phù hợp), giúp người lao động tự tạo việc làm, tự mở doanh nghiệp... Bộ cũng phối hợp với phía Nhật Bản tổ chức các lớp khởi sự doanh nghiệp cho những người đi Nhật về lập công ty nhỏ, tự tạo việc làm...

Vừa rồi Cục Lao động ngoài nước đã tổ chức các phiên giao dịch tại Đồng Nai và Bắc Ninh để kết nối lao động trở về từ Hàn Quốc với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Sắp tới sẽ tổ chức cho lao động trở về từ Nhật và doanh nghiệp Nhật tại VN. Đến năm 2014 sẽ đưa nội dung này thành mục tiêu của chương trình quốc gia về việc làm và sẽ tổ chức định kỳ hơn.

* Bộ LĐ-TB&XH đánh giá như thế nào về nguồn lao động trở về từ nước ngoài sau XKLĐ, thưa ông?

- Lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về có kỹ năng tốt hơn, nhất là những người trở về từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài kỹ năng, tác phong làm việc và ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp cũng tốt hơn.

Bình quân hằng năm nước ta có 80.000-90.000 lao động đi XKLĐ và số trở về cũng chừng ấy. Phần lớn trở về làm việc ở quê nhà, có chút vốn và tự tạo việc làm hoặc mở công ty nhỏ tạo việc làm thêm cho người khác. Đây là hình thức bộ khuyến khích nhất vì giúp bỏ vốn vào xã hội, tạo ra công việc làm và khơi gợi tính chủ động của lao động, giúp họ trở thành ông chủ. Số khác tự tìm việc làm hoặc thông qua các dịch vụ việc làm tìm việc phù hợp.

* Thưa ông, ông Masumi Higuma - trưởng đại diện của Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản tại VN - nhận định rằng: “Tại sao lao động (VN) ra nước ngoài làm việc luôn tìm cách trốn ở lại? Đó chính là vấn đề của hậu XKLĐ”. Ông đánh giá thế nào về nhận định trên?

- Phải nhìn nhận rằng thời gian vừa qua chúng ta chưa quan tâm đúng mức về chính sách hậu XKLĐ. Nhưng cũng có lý do khác. Ví dụ làm việc ở Nhật, Hàn lương tháng cả ngàn USD, còn về VN thu nhập mỗi tháng vài ba triệu đồng, thế nên họ so sánh đơn giản và tìm cách trốn ở lại. Nhiều người nhận thức chưa tới, thấy ở nước ngoài lương cao, hết hợp đồng trốn ở lại kiếm thêm. Điều này gây hại rất lớn cho thị trường XKLĐ mà việc Hàn Quốc đang đóng cửa với ta trong lĩnh vực này là một ví dụ.

Mặt khác, phần lớn người đi XKLĐ đều ở vùng nông thôn. Khi trở về vùng quê họ không có nhà máy, xí nghiệp để làm việc nên người ta cũng băn khoăn. Đấy cũng chính là vấn đề của hậu XKLĐ.

Nói nhiều thứ nhưng tóm lại: chúng ta mong muốn nhiều vào hiệu quả chương trình hậu XKLĐ, nhưng chúng ta phải kiên trì vì hiệu quả này là một quá trình chứ không thể đạt và thấy tức thì.

* Ở TP.HCM Công ty Esuhai - một công ty tư nhân chuyên về đào tạo và XKLĐ - đã tuyển dụng lao động từng đi Nhật để cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật và được đối tác Nhật rất ủng hộ. Ông đánh giá vai trò các công ty tư nhân tham gia lĩnh vực này như thế nào?

- Esuhai làm tốt mấy việc như sau: cổ súy việc đào tạo lao động bài bản trước khi cho đi XKLĐ, phái cử được nhiều lao động qua Nhật chất lượng cao, chi phí dịch vụ phù hợp. Thêm nữa, họ có mối quan hệ rất tốt với các doanh nghiệp Nhật đầu tư ở VN. Nhờ đó, họ kết nối được việc chuẩn bị được nguồn đưa đi và nguồn lao động trở về. Đó là mô hình khép kín rất hay.

Trong lĩnh vực XKLĐ và hậu XKLĐ, bộ đánh giá rất cao vai trò và hiệu quả của các công ty tư nhân. Hiện nay tư nhân tham gia XKLĐ ngày càng nhiều và thực tiễn cho thấy họ làm rất hiệu quả trong khi số lượng các doanh nghiệp nhà nước trong XKLĐ ngày càng ít. Tôi cũng cho rằng lĩnh vực này phù hợp với doanh nghiệp tư nhân bởi họ năng động và dịch vụ này không cần vốn lớn. Nhà nước khuyến khích tư nhân bởi tạo ra một chỗ làm mới - trong nước hoặc nước ngoài - đều có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế, xã hội và an sinh cho người dân.

ĐẶNG ĐẠI - HỒ VĂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên