Phóng to |
Hành khách Tạ Văn Nam: “Cá chình sông anh ăn không, tôi cho luôn, tươi lắm!” - Ảnh: Lê Nam |
Nông sản không thiếu thứ gì
Tại cửa kiểm soát an ninh nhà ga Nội Bài 13g38 ngày 25-7-2013, hành khách Tạ Văn Nam ở Bắc Giang vội vã bước qua cổng soi chiếu. Chuyến bay VN 243 Hãng hàng không Vietnam Airlines Hà Nội - TP.HCM của Nam bắt đầu cho khách lên máy bay từ 8 phút trước.
Dù không có tiếng bíp nào phát ra từ chiếc cổng từ này nhưng anh vẫn bị nữ nhân viên an ninh Lương Thị Chín gọi lại, yêu cầu mở túi hành lý xách tay vì nghi có đồ cấm mang lên khoang hành khách.
Nam ngạc nhiên, nhưng vẫn mang túi xách đến bàn inox và mở túi hành lý dưới sự giám sát của nhân viên an ninh. Một chiếc màn tuyn màu trắng, rồi một túi trà, dưới đáy túi xách là một bịch nilông màu đen gói cẩn thận.
“Anh mở túi nilông này ra, bên trong là cái gì?”, ông Tạ Tuấn Anh, tổ phó ca trực ngày hôm đó, gặng hỏi. “Cá chình sông, quà quê gửi vào miền Nam ấy mà, tôi đã ướp đá và gói rất cẩn thận, không chảy nước đâu”- Nam trả lời, tay lôi bọc cá ra ngoài. Bên trong túi nilông là một đống cá chình tươi rói, được ướp đá cứng ngắc...
“Đồ này anh phải quay lại gửi theo dạng hành lý ký gửi theo chuyến bay, chứ không mang theo hành lý xách tay lên khoang hành khách được” - ông Tạ Tuấn Anh giải thích.
“Ra gửi à?”, Nam lấn cấn hồi lâu rồi đột nhiên hỏi: “Anh có ăn không, tôi cho luôn, tươi lắm!”. Anh nhân viên an ninh từ chối. “Cho người ta có lấy không nhỉ?” - Nam lại hỏi. Anh nhân viên an ninh bảo Nam bỏ vào thùng rác trước mặt. “Bỏ vào thùng rác à? Ngon lắm đấy” - Nam vừa tiếc nuối cho bịch cá vào thùng rác vừa lẩm bẩm.
Ông Tạ Tuấn Anh cho biết trường hợp như Nam nhiều lắm. Hành khách về quê chơi được người thân cho lúc thì gà vịt, lúc thì cá tươi, mắm, muối, tương, cà..., thậm chí có người mang theo cả con gà còn sống kêu cục tác.
Tỉ lệ bà con nông dân đi máy bay ngày càng tăng thì tỉ lệ nông sản, gia cầm mang theo hành lý xách tay càng tăng. “Ôi thôi đủ cả, nông sản vùng quê có gì, thùng rác an ninh chúng tôi có thứ đó” - ông Tuấn Anh cười nói.
Vừa nói xong, cổng kiểm tra an ninh này lại có ba mẹ con hành khách bay chặng Hà Nội - Đà Nẵng cũng được yêu cầu mở túi hành lý xách tay ra vì bên trong có vật cấm. “Trong này có mít và thịt”, chị nọ nói và mở balô ra.
Bên trong balô là một hộp xốp dán băng keo cẩn thận, bên dưới là hai cái kéo và một con dao nhỏ. Có tổng cộng ba con gà đã làm thịt sạch sẽ và rất nhiều múi mít đã tách hết hột. Sau khi được giải thích, bà mẹ buộc phải quay ra ngoài làm thủ tục gửi hành lý theo chuyến bay.
Cục Hàng không VN, các hãng hàng không đã có nhiều thông báo, tờ rơi khuyến cáo hành khách không được mang theo hành lý xách tay những vật phẩm tươi sống, có mùi...mà phải đóng kín, theo quy chuẩn và gửi theo hành lý ký gửi.
Chỉ vào hai hàng người đang đứng xếp hàng, ông Tuấn Anh cho biết vào mùa cao điểm hàng người này dài ra tận mãi phía ngoài. “Khi đó cái thùng trong suốt đựng các vật dụng cứng, sắc nhọn... này chỉ hai ngày là đầy ngập”.
Nói rồi ông Tuấn Anh chỉ vào chiếc thùng cao chừng 1m, ngang 4-5 tấc để gần đó nào là dao, kéo, kìm, tuốcnơvít, dao rọc giấy, kim đan, kìm bấm móng tay, lưỡi lam, kéo cắt chỉ, dao bấm... Có cái còn cả bảng giá, có cái đã khá mòn.
Thùng rác có nilông cạnh đó, theo ông Tuấn Anh, là đựng chất lỏng, thường là nước uống khách mang theo. Chỉ đứng đó gần 15 phút chiếc thùng rác đã đầy, nước ở đáy thùng đẩy những chai nước suối rỗng nổi lên bồng bềnh.
Khách mang dao theo hành lý xách tay rất nhiều. Chỉ 20 phút trong một buổi sáng, chưa vào giờ cao điểm, có mặt ở cổng an ninh nội địa sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi ghi nhận 10 trường hợp khách mang các loại dao bên trong hành lý xách tay.
Trong số đó có hai trường hợp đáng ngạc nhiên là bà mẹ bế em bé và đặt con dao nhỏ bên trong quần áo em bé để... trừ tà. Ông Trần Tất Đạt, đội phó đội an ninh soi chiếu quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết cao điểm đông khách nhất là từ 5g đến trước 7g sáng với hơn 3.000 lượt hành khách qua chín cửa kiểm soát an ninh tại đây và lượng dao, vật cấm phải giữ lại rất nhiều.
Còn đây là thịt gà và mít - Ảnh: Lê Nam |
Làm mọi cách để qua...
Ông Phạm Văn Bình, đội trưởng đội an ninh soi chiếu Trung tâm an ninh sân bay Nội Bài, cho biết thùng đựng đồ sắc nhọn nhiều lắm, mỗi tháng phải tiêu hủy vài chục ký, nhưng vào khoảng thời điểm tết chỉ hai ngày là phải thay một thùng vì quá đầy.
Cuối năm ngoái có quy định cấm mang bật lửa lên máy bay, dẫn đến việc nhiều ông nghiện thuốc cố tìm mọi cách giấu bật lửa mang vào khu vực hạn chế.
Ông Phạm Văn Bình kể có người mang 3-5 cái với hi vọng tịch thu cái này thì còn cái khác. Họ tranh thủ nhét vào các ngóc ngách bên trong hành lý xách tay, để lẫn trong đồ dùng cá nhân, nhét vào túi quần, túi áo nhưng cũng không thoát khỏi máy soi chiếu.
Có ông sau khi các chỗ giấu đều bị phát hiện bèn bảo là ra ngoài gửi theo hành lý. Đi một lát rồi quay vào, nhân viên an ninh hỏi còn cái gì mà máy vẫn kêu thì ông khách này khăng khăng bảo gửi rồi, nhưng khi hỏi biên lai hành lý gửi đâu thì chẳng có, rồi tự tay cởi giày lấy bật lửa ra.
Theo các nhân viên an ninh, những trường hợp này chủ yếu vẫn là nhắc nhở, nhưng nếu cố ý thì phải lập biên bản vi phạm hành chính.
Ông Bình kể có lần khách đến sát giờ máy bay đóng cửa, nhưng trong hành lý xách tay có dao xếp của Thụy Sĩ rất đắt tiền. Không thể gửi hành lý theo máy bay vì quá trễ, ông này quay ra và nhét vào vớ (tất) nhưng máy kêu bíp bíp thế là lại quay ra.
Lần này máy vẫn kêu, nhân viên an ninh hỏi thẻ gửi hành lý đâu, ông khách bảo là gửi ở quầy bán hàng ở ngoài, khi nào bay ra Hà Nội sẽ lấy lại. Nhưng khi dùng máy rà soát sát người thì máy lại kêu bíp bíp. “Lúc này chúng tôi đành phải khám xét toàn thân và lập biên bản - ông Bình kể lại - Đã có người bị Cục Hàng không cấm bay trong sáu tháng vì hành vi này sau khi đã đóng tiền phạt”.
Có những hành khách, đặc biệt là các cụ già ở quê vào Nam thăm con cháu, mang theo nữ trang và tiền bạc, nhưng nghe người ta nói đi qua cổng từ sẽ bị khám xét và tịch thu nên giấu sâu vào tận bên trong người. Nhiều ông bà ở dưới quần có một cục to tướng phập phồng dưới vải, buộc nhân viên an ninh phải kiểm tra tại chỗ.
Nữ nhân viên an ninh Lương Thị Chín kể có nhiều cụ nhìn mặt cứ lo lắng, hỏi để cái gì ở “vị trí đó” thì nói không có gì, đến khi đưa vào phòng kín bên trong kiểm tra mới phát hiện là nhẫn, dây chuyền và cả tiền... nhét tận đáy quần lót vì sợ mất. Ông Trần Tất Đạt cho biết có những cụ còn may thành cái túi nhỏ giấu sâu trong người chỉ để những vật dụng này mà thôi.
_______________
Kỳ tới:Chim sắt đụng chim trời
Kỳ 1: Thần khẩu hại xác phàm Kỳ 2: “Đây là chuyến bay không hút thuốc...” Kỳ 3: Những tình huống “có một không hai” trên máy bay Kỳ 4: Mở cửa thoát hiểm “đi cho nhanh”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận