10/05/2014 11:14 GMT+7

Kỳ 3: "Đại sứ một tay"

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Có một người dân quê Quảng Trị thân thể không còn toàn vẹn, nhiều năm nay đi khắp năm châu, đặt chân đến gần 30 quốc gia.

Ông đã nhiều lần tháp tùng lãnh đạo trong nước đến những cuộc hội đàm quốc tế quan trọng, từng gặp gỡ nhiều nhân vật tên tuổi, được cả nguyên thủ quốc gia tiếp kiến và trò chuyện riêng một cách thân tình. Ông là “đại sứ một tay” Phạm Quý Thí.

Kỳ 1: Một nghề nguy hiểm Kỳ 2: Xóm mồ côi, thôn góa phụ

padP8wkN.jpg
Ông Thí tại một hội nghị quốc tế về phòng chống bom mìn Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông Phạm Quý Thí 59 tuổi, ở làng Diên Sanh, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông là nông dân thứ thiệt một trăm phần trăm, vì ông gốc gác nhà nông, hiện đang làm nông và sống bằng chính nghề nông.

Chết đi sống lại

Trưa hè Quảng Trị nắng như nung, chúng tôi tìm đến nhà ông Thí “bom mìn” ở chính ngôi làng Diên Sanh. Ông Thí niềm nở đón khách với ấm nước chè xanh và hồi tưởng về cái ngày định mệnh mùa hè năm 1977.

Sau một tiếng nổ vang trời, anh thanh niên Phạm Quý Thí không còn biết gì nữa. Tỉnh dậy thấy thân mình đầy thương tích, bàn tay phải đã mất, anh chỉ muốn mình chết đi trong nỗi đắng cay, tuyệt vọng sau tai nạn bom mìn.

Nằm mấy tháng trời ở Bệnh viện trung ương Huế, một ý nghĩ đeo đẳng trong trí não chàng trai là rồi đây mình sẽ sống ra sao với quãng đời còn lại khi chính anh là trụ cột gia đình.

Ra viện anh lại về với cuộc đời một nông dân khi thương tật đầy mình và chỉ còn lại bàn tay trái. Những khó khăn ôm lấy buồn phiền trước cuộc đời mới của một phế nhân.

Ông kể lại tai họa thời trai trẻ bằng giọng điềm đạm của một người từng trải: ”Đã có lúc tôi tưởng mình không gượng dậy nổi, chỉ muốn chết đi cho xong.

Nhưng rồi tôi vẫn phải sống”. Những ngày dài sau tai ương thảm khốc, ông đã nghĩ ngợi rất nhiều về tương lai của mình, của gia đình. Nghị lực và tình yêu cuộc sống đã nâng đỡ ông đứng dậy, vượt qua những tháng ngày u ám để đi tiếp một cách đàng hoàng. Và chính ông đã viết nên điều kỳ diệu bằng bàn tay còn lại.

Quê ông là vùng lúa huyện Hải Lăng. Đối với những ai chân tay toàn vẹn, không bị thương tật thì công việc đồng áng đã vất vả sớm hôm, nói chi đến người khuyết tật từng chết đi sống lại như ông.

Phạm Quý Thí đã gieo, đã trồng, bón phân, trổ nước và gặt hái trên cánh đồng gắn bó ngàn đời nay với người dân quê.

Còn lại một tay thì làm theo cách của người một tay, làm bằng tay giả, chịu thương chịu khó vượt lên số phận. Vất vả, nhọc nhằn không kể xiết, từng ngày ông làm lụng không chỉ kiếm lấy bát cơm mà còn nung nấu một ý nghĩ mình không phải là người bỏ đi, mình vẫn còn có ích cho chính mình và gia đình.

Hơn hai năm sau ngày bị tai nạn, anh đã cưới một cô gái từ lâu khâm phục niềm tin khát sống và nghị lực vươn lên của chàng trai Phạm Quý Thí. Hôm vừa rồi trò chuyện với tôi, ông bảo: ”Anh thấy đó, nhà tôi ba mẫu ruộng chỉ mình tôi làm, thậm chí tôi còn thuê thêm ruộng để làm kiếm tiền nuôi con ăn học. Tôi bơi thuyền, xây nhà, tôi là thợ đụng, đụng việc gì làm việc nấy. Rồi làm cũng được hết”. Ba người con của ông đều tốt nghiệp đại học, công việc tử tế, có người còn làm cho doanh nghiệp nước ngoài.

Nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở đó, dù như vậy cũng đã khiến nhiều người cảm phục. Sau khi yên bề gia thất, ông lại tìm đến những người cùng cảnh ngộ.

Có những người sau khi bị tai nạn bom mìn sinh ra chán nản, nghĩ đời mình coi như bỏ đi, không chịu làm lụng, rượu chè, gây gổ. Ông Thí đã tìm cách chuyện trò, tâm sự để thuyết phục họ vươn lên. Những lời khuyên chí tình và tấm gương sống động của ông đã cảm hóa nhiều nạn nhân bom mìn ở làng quê Hải Thọ.

Ông Thí còn tích cực vận động mọi người thành lập Câu lạc bộ những người khuyết tật xã Hải Thọ năm 2004 với 65 thành viên. Đây là mô hình câu lạc bộ ra đời sớm nhất và hoạt động có hiệu quả ở vùng lúa Hải Lăng.

Đến năm 2008 ông tiếp tục vận động thành lập Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật huyện Hải Lăng. Những thành viên câu lạc bộ này say mê tập luyện và thi đấu nhiều môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền, bơi lội và giành nhiều giải cao của huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị.

vp5VYCHQ.jpg
Ông Thí (bìa trái) bên những người bạn cùng là tình nguyện viên quốc tế giúp nạn nhân bom mìn - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sứ giả quốc tế

Một người yêu đời và năng động như ông Phạm Quý Thí một ngày kia của năm 2008 đã đến với RENEW, dự án phi chính phủ của Mỹ nhằm giúp nạn nhân bom mìn.

Về sau ông còn tham gia sáng kiến “Người vận động” của Tổ chức Handicap International (tổ chức phi chính phủ ở Bỉ hoạt động trong lĩnh vực phòng ngừa và hạn chế hậu quả của khuyết tật) nhằm kêu gọi các quốc gia trên thế giới tham gia công ước chống bom chùm.

Ông Thí xung phong làm tình nguyện viên của Tổ chức RENEW với suy nghĩ giản dị: “Mình phải tuyên truyền, vận động bà con, đồng bào, nhất là trẻ em, tránh xa bom mìn vì đó thật sự là tai họa”.

Đó là thông điệp của một nạn nhân từng chịu bao đớn đau vì thảm họa bom mìn. Nhưng lúc đó ông cũng chỉ mới là sứ giả hòa bình của VN mà thôi. Một bước ngoặt trong đời đã đưa ông trở thành sứ giả quốc tế.

Cơ duyên này đến với ông trong một lần được ra thủ đô Hà Nội cùng với hơn 50 tình nguyện viên phòng chống bom mìn được tuyển chọn trong cả nước.

Tổ chức Handicap International có cuộc phỏng vấn khá đặc biệt để chọn lựa đại diện cho VN. Khi được hỏi câu đầu tiên: “Là nạn nhân bom mìn ông (bà) cần nhất điều gì?”, hầu hết ứng viên trả lời cần một đôi nạng, một chiếc xe lăn hay thậm chí cần được cộng đồng trợ giúp.

Đến lượt mình ông Thí trả lời: “Tôi cần được thay mặt nạn nhân bom mìn lên tiếng kêu gọi hòa bình, phòng tránh thảm họa bom mìn”.

“Vậy nếu được chọn làm tình nguyện viên, ông có cần trả lương hay yêu cầu gì khác nữa không?”, ông Thí đáp: “Tôi không yêu cầu gì cả”. “Vậy ông làm việc này vì ai?”, ông Thí đáp: “Tôi làm việc này vì nạn nhân bom mìn, trước hết là người dân của đất nước tôi”. Vậy là ông được tuyển chọn cho một sứ mệnh nhân đạo bất vụ lợi.

Cuộc đời của người nông dân Phạm Quý Thí từ năm 2008 trở đi gắn bó nhiều với những chuyến xuất ngoại thuyết trình về bom mìn. Sau những ngày chân lấm tay bùn, ông lại khăn gói đi xa đến với Indonesia, Libăng, Lào, Campuchia, Na Uy, Đức, Bắc Ireland, Zambia...

Danh sách các quốc gia cứ nối dài theo năm tháng đời người “đại sứ một tay”. Những buổi nói chuyện chân thực và sinh động của ông đã cuốn hút người nghe khắp năm châu, trong đó có nhiều quan chức của các quốc gia.

Năm 2008 ông Thí lần đầu xuất ngoại làm sứ giả phòng chống bom mìn, đem thông điệp đến với bạn bè quốc tế ở Na Uy.

Những nỗ lực không mệt mỏi của những tổ chức quốc tế và những con người như ông Thí đã góp phần đem lại sự công nhận của cộng đồng quốc tế: hơn 100 quốc gia ký vào hiệp ước chống bom chùm năm 2008 tại quốc gia Bắc Âu này.

Năm 2009, khi sang Campuchia nói chuyện về bom mìn, ông vinh dự được Thủ tướng Hunsen tiếp kiến riêng khoảng nửa tiếng đồng hồ.

Vị nguyên thủ quốc gia Campuchia đã nói rằng ông rất vui mừng khi có một diễn giả đến từ VN nói chuyện về phòng chống bom mìn ở một đất nước đang đối mặt với hậu quả chiến tranh nặng nề, nhất là vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh.

Hơn nữa, người này cũng chính là một nạn nhân chiến tranh. Một tiếng nói như thế sẽ giúp nhân dân Campuchia giảm thiểu tai nạn bom mìn. Thủ tướng Hunsen tặng ông Thí huy hiệu Vương quốc Campuchia. Kỷ vật quý này vẫn được trân trọng lưu giữ trong ngôi nhà ông Thí “bom mìn” ở làng quê Quảng Trị.

Chia tay ông Thí, tôi còn nghe văng vẳng bên tai lời người nông dân này: “Bốn mảnh bom bi vẫn còn nằm lại trong người tôi. Mỗi ngày trôi qua, tôi vẫn sống chung cùng bom mìn”. Những điều ông nói, những việc ông làm khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện của nhà Phật: tiếng vỗ của một bàn tay. Bằng tấm lòng và niềm tin, chỉ một bàn tay thôi nhưng tiếng vỗ của nó vẫn ngân vang trong đất trời!

_____________

Kỳ tới: “Sứ mệnh của nấm”

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên