![]() |
Chiến sĩ rađa vạch nhiễu phục vụ các đơn vị phòng không thủ đô đánh thắng B-52 Ảnh tư liệu |
Song quyết tâm phát hiện, thông báo B-52 và các loại máy bay khác của các lực lượng phòng không đã đảm bảo cho tình huống không bị bất ngờ.
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Kịp thời
Theo đại tá Nghiêm Đình Tích (nguyên đài trưởng rađa P.35 - đại đội 45 - trung đoàn rađa 291 ngày ấy), vào ngày 18-12-1972, mức độ đánh phá của không quân Mỹ ở Quân khu 4 giảm đột ngột. Đặc biệt tất cả các đài rađa mở máy trực ban đều không bị nhiễu tích cực và không phát hiện được máy bay B-52. Thấy tình hình khác lạ, ban chỉ huy trung đoàn nhận định: đề phòng Mỹ sử dụng B-52 đánh lại Thanh Hóa, hết sức chú ý B-52 đánh ra Hà Nội. Nhận định đó được phổ biến ngay cho các cơ quan và đơn vị.
16g40, trên bản đồ thu mạng tình báo quốc gia B1 xuất hiện hai tốp máy bay tiêm kích F-111 từ Sầm Tơ (Lào) bay về phía Yên Bái. Chỉ huy trung đoàn nhất trí nhận định: có khả năng diễn ra tình huống đã dự kiến. Lập tức trung đoàn trưởng Đỗ Năm chỉ thị cho đại đội 16 là đơn vị đang mở máy trực ban trong phiên 18-20 giờ tập trung quan sát phát hiện mục tiêu, đặc biệt chú ý phát hiện B-52.
Trong khi đó, trên các màn hiện sóng rađa của đại đội 16 ở Nghệ An xuất hiện một số dải nhiễu mới. Do đã có kinh nghiệm chiến đấu, đại đội trưởng Trần An và chính trị viên Trịnh Đình Nham đã thống nhất nhận định tình hình và ra lệnh cho các đài rađa chống nhiễu phát hiện B-52. Trong giây lát, trắc thủ đài 843 Tô Trọng Huy và trắc thủ đài 514 Phạm Quốc Hùng khẳng định ngay đó là B-52 và báo cáo với đại đội trưởng: “Có khả năng B-52 đánh vào miền Bắc”. Báo cáo đó từ đại đội 45 qua sở chỉ huy trung đoàn lên tới tổng trạm rađa ở Hà Nội. Lúc đó là 19g10.
Nhận được báo cáo, tham mưu phó binh chủng báo cáo với tư lệnh quân chủng Lê Văn Tri: Đúng là B-52 đang vượt qua vĩ tuyến 20. Có khả năng B-52 đánh vào Hà Nội. Lập tức tư lệnh quân chủng ra lệnh cho các lực lượng phòng không - không quân chuẩn bị đánh B-52. Cũng trong giây phút đó, thủ đô Hà Nội và các tỉnh trên miền Bắc được lệnh báo động phòng không để nhân dân kịp thời xuống hầm trú ẩn.
Đường chì lịch sử
![]() |
Một góc phố Khâm Thiên sau khi Mỹ dội bom B-52 - Ảnh: Chu Chí Thành |
Báo vụ viên Nguyễn Thị Hường, binh nhì, trung đội 3, đại đội 3 - lữ đoàn thông tin 26, bây giờ ở tại phố Sơn Hòa (Hải Dương). Tháng 12-1972, trước ngày bước vào chiến dịch “mặt trận trên không 12 ngày đêm”, Hường vừa tròn 18 tuổi và được phân công là báo vụ viên chính thức của đơn vị, đảm bảo hướng tây - nam, một trong những hướng trọng yếu hồi đó (khi đó Hường mới tròn một tuổi quân).
Giờ đây, ở tuổi gần 60, bà Hường vẫn nhớ như in về phiên trực tham gia phục vụ chiến đấu tại sở chỉ huy quân chủng trong đêm 18-12-1972. Bà kể: “Phiên ban mới do đại đội 3 của tôi đảm nhiệm được bắt đầu từ 17 giờ 30 ngày 18-12-1972. Sau khi kiểm tra thật chu đáo mọi phương tiện đảm bảo cho phiên trực, tay phải cầm ba chiếc bút chì đỏ, xanh, đen (đỏ để đánh dấu đường bay của máy bay ta; xanh, đen đánh dấu đường bay máy bay Mỹ), tay trái hết chỉnh máy lại áp chặt thêm tai nghe, tôi cố tập trung hết thính lực về phương xa như để đón chờ những tín hiệu tình báo”.
Nhưng khi đó hướng mà báo vụ viên Hường được phụ trách lại không có mục tiêu, liếc nhanh sang các hướng khác vẫn không thấy động tĩnh gì. Trên không lúc này yên tĩnh đến lạ thường... Bỗng nhiên, như đã “sờ” được tín hiệu từ đài bạn, Hường dừng tay chỉnh máy, mở to mắt, tai lắng nghe từng tiếng“tịch, tè”, rồi đột nhiên dồn dập, tiếng rào của máy thu tăng dần không như những tín hiệu thường ngày.
Với linh cảm của mình, Hường nhận rõ mục tiêu đã xuất hiện dù khi đó tín hiệu còn rất mỏng manh. “Tôi tập trung nghe thật rõ từ khởi điểm, đầu tốp, số lượng, thời gian, kiểu loại đến độ cao mục tiêu. Rồi đối chiếu với tín hiệu đã qui ước, tôi biết từ trạm rađa cách đó hàng trăm cây số, đồng đội đã khẳng định kẻ thù mới xuất hiện: đó chính là B-52”, bà Hường kể.
Lập tức một đường chì xanh, nét đậm, đường bay thẳng hơn các loại “ép” và một “mũi” của nó đi dài hơn được báo vụ viên Hường đưa lên trên bảng tiêu đồ. Lúc này, cả sở chỉ huy sôi lên, lần này là B-52 nên sự sôi động lúc này mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sau vài giây như để thống nhất nhận định, tư lệnh quân chủng Lê Văn Tri ra lệnh: “Báo động B-52”, tiếp đó là lệnh “Tập trung tiêu diệt tốp B-52” của phó tư lệnh. Như đồng thời với các mệnh lệnh đó, cả Hà Nội dậy lên hiệu lệnh báo động chiến đấu. Lúc đó là 19 giờ 15. Những đường chì xanh, đậm nét trên bảng tiêu đồ, theo nhịp tay của Hường cứ kéo dài, kéo dài mãi từ hướng biên giới tây - nam đang lao thẳng về phía Hà Nội.
19g40 ngày 18-12-1972, Mỹ huy động 90 lượt máy bay B-52 và 135 lượt máy bay chiến thuật đánh liên tiếp ba đợt vào các sân bay Kép (Bắc Giang), Nội Bài, Gia Lâm (Hà Nội), Hòa Lạc (Hà Tây), Yên Bái, các khu vực huyện Đông Anh, Yên Viên, Đức Giang, cơ sở phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì. Cùng thời gian đó, Mỹ huy động 28 lượt máy bay của hải quân đánh vào thành phố Hải Phòng. 19g45, tiểu đoàn 78, trung đoàn 257 đã phóng những quả đạn đầu tiên mở màn cho trận đánh.
Đại tá Nghiêm Đình Tích nói: “Trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 (từ 18 đến 29-12), trung đoàn rađa 291 là trung đoàn duy nhất đã phát hiện B-52 từ xa, bảo đảm cho Tổ quốc không bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng. Vì vậy, các lực lượng phòng không ở khu vực Hà Nội đã chuyển cấp chiến đấu sớm, bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 ngay từ trận đầu, đêm đầu của chiến dịch”.
Kỳ 1: Đi trước, đón đầu B-52 Kỳ 2: Báo động B-52 sớm 35 phút Kỳ 3: Đọ sức Kỳ 4: Săn lùng "ngáo ộp" Kỳ 5: Tiếp cận xác B-52
____________________
Đánh B-52! Tất cả mới chỉ là trên lý thuyết và những bài luyện tập theo phương án. Còn bây giờ B-52 vào, sẽ đánh ra sao đây?
Kỳ tới: Đọ sức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận