09/11/2016 10:30 GMT+7

Kinh nghiệm né đường chính, tránh kẹt xe tại TP.HCM

VÕ ANH TUẤN (TP.HCM)
VÕ ANH TUẤN (TP.HCM)

TTO - Quan sát hiện tượng kẹt xe ở các đô thị thì có thể thấy không phải tất cả các con đường, tất cả các nút giao thông của thành phố đều bị tắc nghẽn, mà chỉ một phần trong số đó bị ùn tắc.

Giao lộ ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) đông kín người di chuyển chiều tối 26-8 - Ảnh: HỮU KHOA
Giao lộ ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) đông kín người di chuyển chiều tối 26-8 - Ảnh: HỮU KHOA
“Trong điều kiện kẹt xe như ở TP.HCM, đường gần không hẳn là đi nhanh. Muốn đi nhanh, nếu vận dụng nguyên lý 80/20 thì phải chấp nhận đi xa hơn chút đỉnh

Nguyên lý 80/20 nói rằng trong nhiều sự kiện, khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra. Áp dụng vào giao thông, có thể phát biểu: 80% lượng xe di chuyển trên 20% mặt đường của thành phố.

Và nếu thành phố không có cơ sở hạ tầng tốt và thiếu một giải pháp giao thông hợp lý thì sự tập trung đó góp phần tạo ra kẹt xe trên diện rộng.

20% mặt đường có đến 80% lưu lượng xe thường là những con đường thẳng tuyến dài.

Tại TP.HCM, có thể điểm danh: từ nam sang bắc có đường Kinh Dương Vương - Hồng Bàng, Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh, 3 Tháng 2, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu...;

Từ đông sang tây có Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt, Âu Cơ, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, Hai Bà Trưng - Phan Đình Phùng... Vì tính chất trường tuyến mà những con đường ấy luôn đông xe, trong khi tuyến đường song song lại luôn thông thoáng hơn.

Ví dụ đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu cơ bản là song song nhau, một chiều, luôn đông đúc thì hai con đường song song xen giữa ba con đường ấy, lại hai chiều mà khá thông thoáng: đường Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm.

Tôi đã vận dụng nguyên lý 80/20 và thấy đã có thể giúp bản thân tránh được những đoạn đường thường bị kẹt xe.

Nguyên tắc chung là tránh đi đường lớn, đặc biệt là những con đường xuyên tâm (nếu tránh không được thì cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất). Áp dụng tương tự với các vòng xoay và giao lộ lớn.

Lấy ví dụ: khi đi từ ngã tư Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa về ngã sáu Cộng Hòa sẽ có ba tuyến đường lựa chọn thông thường. Một là đi Võ Thị Sáu - 3 Tháng 2 - Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai; hai là đi Võ Thị Sáu - 3 Tháng 2 - Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Thị Minh Khai;

Ba là đi Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy cả ba tuyến trên chỉ hơn 3km nhưng đều phải đi đoạn dài trên những con đường có lưu lượng lớn và hay kẹt xe là Võ Thị Sáu hoặc Nguyễn Đình Chiểu (dài hơn 1km).

Thay vì đi ba tuyến trên, tôi sẽ đi tuyến Võ Thị Sáu - Lê Quý Đôn - Tú Xương - Nguyễn Thông - Ngô Thời Nhiệm - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Văn Tần - Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Thị Minh Khai.

Như vậy, tôi chỉ phải đi đoạn ngắn trên con đường thường bị kẹt xe là Cách Mạng Tháng Tám (khoảng 360m) và Nguyễn Thị Minh Khai (khoảng 270m). Điều quan trọng là tuyến này không vướng vòng xoay ngã bảy Công Trường Dân Chủ và các giao lộ lớn.

Hoặc để đi từ chợ Cầu Ông Lãnh đến ngã ba Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai, tuyến thông thường là đi từ Nguyễn Thái Học - Cách Mạng Tháng Tám.

Tuyến này dài 5,1km nhưng kẹt xe ghê gớm, nhất là đoạn ngã sáu Phù Đổng đến Nguyễn Thị Minh Khai và đoạn đi qua chợ Hòa Hưng. Thay vào đó, nếu đi đường Trương Định - Hoàng Sa - Phạm Văn Hai chỉ dài hơn khoảng 1km nhưng đường khá thông thoáng.

VÕ ANH TUẤN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên