Những vụ kẹt xe ngay khu vực trung tâm thành phố lúc tan sở làm ngày càng trầm trọng, như thứ sáu tuần trước, luôn ám ảnh người dân.
Phần lớn những con đường huyết mạch để thoát ra khỏi trung tâm thành phố như Trường Sa, Lê Văn Sỹ, Cộng Hòa, Pasteur... đều kẹt cứng. Những cầu vượt bằng sắt một thời được ca tụng là giải pháp chống kẹt xe nay nhạt nhòa trước các điểm kẹt mới như cầu Lê Văn Sỹ, ngã giao Hoàng Sa - rạch Bùng Binh - Trương Định; các ngã tư cắt ngang đường Pasteur...
Chưa rõ những cảnh con trông cha mẹ, vợ ngóng chồng, mọi người về nhà trễ giờ... do phải chôn chân giữa đường được cơ quan chức năng báo cáo là “kẹt xe” hay “ùn tắc”? Nhưng với người dân, họ gọi điện báo nhau “đang kẹt xe kinh hoàng”.
Anh tài xế taxi căng thẳng vì xe đứng bánh kéo dài, xem như mất sở hụi. Các cửa hàng dọc đường thở dài vì khách hàng đang kẹt cứng giữa đường, chẳng ai ghé vào mua bán. Người đi làm về bất lực giữa dòng xe ngày càng dài.
Cũng thương cho những anh dân phòng, công an phường, cảnh sát giao thông loay hoay, chẳng biết điều tiết thế nào để khơi thông dòng xe.
Một Sài Gòn gần như bất động khi kẹt xe.
Người chịu cảnh kẹt xe trách móc ông giao thông, ai lại làm mấy cái ngã tư ngay dưới chân cầu (như cầu Lê Văn Sỹ). Hay chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì giải tỏa thêm mấy căn nhà để mở rộng các giao lộ cho thông thoáng, chứ như hiện nay có khác nào nút cổ chai, sao mà không kẹt...
Và trong cảnh chết cứng ấy, mọi luật lệ, nguyên tắc đã bị phá vỡ. Người đi xe máy leo lên lề đường để tận dụng mọi khoảng hở để thoát đi. Ôtô tràn vào làn đường xe máy. Đèn xanh cũng như đèn đỏ, có khoảng trống phía trước là có xe lấp vào.
Chẳng ai nhường ai, xe này chặn đường thoát của xe kia, làm dòng xe đứng bánh thêm dài ra.
Nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, tranh cãi tới lui, chẳng biết gỡ từ đâu, hạ tầng giao thông hay văn hóa giao thông. Cũng không thể trông chờ giải pháp nhiều năm để chống kẹt xe.
Với đường sá như hiện nay, người Sài Gòn chỉ mong rằng trong giờ cao điểm, tại các ngã tư có thêm nhiều người điều phối giao thông, có bộ đàm có thể liên lạc để điều phối “cắt” hay “cho đi”.
Tất nhiên, cơ quan chức năng nói họ đã huy động cả dân phòng, công an địa phương ra đường. Thế nhưng với địa hình ngã tư nối ngã tư ở khu vực trung tâm Sài Gòn thì chỉ cần một ngã tư bị chặn lại do xe đi trước chưa thoát ra, còn nằm ở giao lộ chặn đường đi của dòng xe ở chiều kia là xảy ra kẹt xe.
Lâu nay, cơ quan chức năng tập trung ở các giao lộ lớn. Hãy chịu khó huy động thêm người chốt ở các ngã tư lớn bé, có mặt sớm hơn và thường trực để xử lý ngay các vụ ùn ứ, tức phòng ngừa xảy ra kẹt xe hơn là dồn ứ rồi mới cử người đến điều phối.
Rồi nghiên cứu phân luồng lại ở những điểm kẹt xe mới, không thể để tại những giao lộ có quá nhiều hướng đi cắt qua cắt lại, nhìn còn rối nói chi là chạy xe.
Người Sài Gòn không kỳ vọng xóa được kẹt xe, nhưng cơ quan có trách nhiệm cũng đừng để họ phải “cầu trời đừng kẹt xe”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận