27/05/2023 14:25 GMT+7

Kinh doanh xổ số và người bán vé số dạo: Trả nợ dân nghèo

Loạt bài về thực trạng mưu sinh của người bán vé số miền Tây trên báo Tuổi Trẻ tuần qua thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả.

Các bài viết không chỉ cho thấy thực trạng nhiều người bán vé số dạo - một nghề chẳng đặng đừng phải chịu khổ với "luật ngầm" vé số, mà còn cho thấy mặt trái của ngành kinh tế xổ số và hàng loạt hệ lụy xã hội đi kèm.

Doanh thu xổ số kiến thiết của các tỉnh thành ngày càng tăng, chỉ riêng khu vực phía Nam trong quý 1-2023 đã thu về hơn 35.000 tỉ đồng, chiếm đến 30 - 40% trong tổng nguồn thu nội địa một số tỉnh. Không thể phủ nhận xổ số là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, là nguồn thu quan trọng của các địa phương. 

Chính quyền có thể sử dụng phần lớn từ nguồn thu xổ số để tái đầu tư cho các công trình y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội khác.

Nhưng đó chỉ là mặt tích cực. Mặt trái phía sau cần được nhận diện là vé số tuy tạo ra nguồn thu lớn nhưng đó là một ngành kinh doanh rủi ro, không phải cho chủ thể kinh doanh mà rủi ro bị đẩy sang cho xã hội gánh chịu.

Xổ số kiến thiết, dù được nhìn nhận dưới góc độ một ngành kinh doanh hay hiện tượng xã hội, đều bộc lộ tính hay mặt tốt - xấu của nó, không thể lạm dụng hay ngăn cấm cực đoan. Những con số tăng trưởng doanh thu và đóng góp lớn của nó tỉ lệ thuận với đội ngũ những người bán vé số dạo và tỉ lệ nghịch với chất lượng nhân lực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Khi mà khắp nơi từ thành thị tới nông thôn miền Tây đều thấy có quá nhiều người bán và người chơi vé số, nó tác động lớn đến sinh kế và đời sống người dân, thì vé số không còn đơn thuần là một trò chơi may rủi.

Đặt trò chơi may rủi này bên cạnh cái nghèo khó, mặt bằng dân trí của người dân miền Tây - một thị trường lớn của xổ số kiến thiết, là điều đáng để suy ngẫm. Một nghịch lý mà ai cũng thấy là những tỉnh nghèo, chỗ trũng về giáo dục lại có doanh thu cao và nguồn thu lớn từ nguồn thu xổ số. Đội ngũ những người bán vé số dạo thường đông ở những địa phương nghèo mà miền Tây là một điển hình. 

"Đi bán vé số dạo" là câu cửa miệng để chỉ cái nghề không ai muốn chọn khi không còn biết phải chọn việc làm nào khác. Nghề này cũng cứu rỗi nhiều người nghèo khó, túng quẫn, nhưng rõ ràng, để thoát nghèo không thể nào bằng con đường dựa vào trò chơi may rủi.

Trong khi vé số mang về lợi nhuận khủng cho các công ty, các đại lý, thì đội ngũ những người bán vé số dạo ở miền Tây cũng tăng lên và tiếp tục cảnh bấp bênh, nghèo khó. Dù là mắt xích quan trọng cuối cùng trong ngành kinh doanh xổ số, nhưng người bán vé số dạo không nằm trong danh mục ngành nghề nào, không hợp đồng lao động, không được thừa nhận là một tác nhân trong ngành, vì xét theo góc độ pháp lý, các công ty xổ số và đại lý chẳng phải chịu trách nhiệm ràng buộc gì với họ.

Con đường thoát nghèo căn cơ của mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương chắc chắn phải đến được từ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chứ không thể trông chờ vào doanh thu và lợi nhuận xổ số. Rõ ràng đang có một khoảng trống pháp lý, kinh tế hay dưới góc nhìn xã hội về người bán vé số dạo. 

Một bộ phận dân nghèo này dù chưa được thừa nhận là một "tác nhân" trong chuỗi giá trị kinh tế vé số thì cũng cần được xem là nhóm đối tượng xã hội yếu thế cần chăm lo. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty xổ số và đạo đức kinh doanh của các đại lý cần được đặt ra và phải thực thi. 

Đó không phải là sự ban ơn, mà chính là trả món nợ cho một bộ phận dân nghèo yếu thế thay vì để họ bấp bênh bên lề xã hội.

"Đã nhận bán vé số, lỡ đau yếu cũng ráng lết đi"'Đã nhận bán vé số, lỡ đau yếu cũng ráng lết đi'

Bà Đặng Thị Biệp, 67 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre), nói như vậy, bởi nếu không đi, ngày đó xem như cả nhà nhịn đói.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên