27/05/2023 09:17 GMT+7

'Đã nhận bán vé số, lỡ đau yếu cũng ráng lết đi'

Bà Đặng Thị Biệp, 67 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre), nói như vậy, bởi nếu không đi, ngày đó xem như cả nhà nhịn đói.

Bà Đặng Thị Biệp (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) về nhà trọ chăm sóc con bệnh sau khi bán được 120 tờ vé số - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Bà Đặng Thị Biệp (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) về nhà trọ chăm sóc con bệnh sau khi bán được 120 tờ vé số - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Gia đình bà Biệp hiện không nhà, không ruộng đất. Chồng bà Biệp bị liệt hai chân, con gái bà bị bệnh tâm thần nên "tiền thuốc nhiều hơn tiền gạo". Bản thân bà Biệp mắc bệnh ung thư và nhiều bệnh khác, nhưng bà không dám nghỉ bán vé số một ngày nào.

"Trước đây, bán mỗi tờ vé số được khoảng 1.200 đồng thì cuộc sống cũng dễ thở hơn. Nhưng từ ngày người bỏ mối vé số cắt xuống chỉ còn 1.000 đồng/tờ thì cuộc sống chật vật lắm. Mỗi ngày bán được khoảng 100 tờ vé số thì coi như mất 20.000 đồng so với trước. Nhiêu đó cũng đủ mua gạo cho cả nhà ăn một ngày", bà Biệp nói.

Theo bà Biệp, dù hoa hồng bị cắt giảm thì còn có thể cố gắng bán nhiều hơn vài chục tấm để bù vào, nhưng nếu bị ôm vài chục tờ vì không bán kịp là coi như mất vốn.

Từ ngày có quy định không được trả lại vé số đã nhận, bà Biệp bán cả ngày lẫn đêm. Nhận vé mới từ 17h hằng ngày, sẩm tối bà đi một vòng khu vực các quán nhậu, nhà dân để bán đến khuya, khi nào chân bước không nổi nữa bà mới về nghỉ.

Sáng bà dậy sớm để bán hết số vé còn lại. Dù bán cả ngày lẫn đêm và đi rất nhiều nhưng bà chỉ dám lấy khoảng 100 - 120 tờ, vì rất sợ bị ôm.

Người bán vé số dạo ở vùng đô thị như Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) lại thêm những lo toan khác.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ xã Mỹ Phong (TP Mỹ Tho), cho biết trước đây đại lý cho lấy mỗi ngày 300 tờ. Sau này do sức khỏe không được tốt, chị phải trả vé số một vài lần, họ giảm từ từ và đến nay chị chỉ còn nhận được khoảng 150 tờ mỗi ngày.

"Đợt hè này, nhiều em học sinh nghỉ học cũng đi bán vé số. Lượng vé vốn đã ít ỏi nay phải chia cho nhiều người hơn nữa. Tôi lo không biết làm nghề gì để kiếm thêm tiền nuôi mấy đứa nhỏ", chị Hạnh than thở.

Đằng sau những con số báo cáo doanh thu của các công ty xổ số là những áp lực, những nỗi cơ cực và những giọt nước mắt của người bán vé số.

Phần bánh ngày càng bị teo tóp lại, người bán vé số dạo bị dồn vào thế khó nhưng không thể lên tiếng, vì họ không có bất kỳ một mối ràng buộc nào với các đại lý vé số và công ty xổ số.

Những người bán dạo chính là người đem về lợi nhuận cho các đại lý và công ty phát hành vé số, thế nhưng họ lại chịu thiệt thòi nhất.
(Bạn đọc tran****@gmail.com)

Lợi ích rơi vào tay ai?

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online bức xúc lên tiếng trước hiện trạng người bán vé số dạo không được trả lại những vé bán không kịp.

Bạn đọc banh****@gmail.com cho biết: "Ngày thứ bảy hằng tuần người bán dạo còn bị buộc phải bán thêm 1/3 lượng vé bình quân trong tuần. Ai từ chối sẽ bị cắt vé, nếu bán không hết thì tự ôm vé luôn".

Bạn đọc Tí Sửu kể khổ: "Một người trung bình ngày bán 150 tờ, được tiền công 150.000 đồng. Nếu phải ôm 5 tờ thôi thì số tiền thu được chỉ lo được tiền ăn qua bữa trong ngày, ốm đau bệnh tật, tiền thuê trọ... biết níu vào đâu!".

"Phải tăng quyền lợi cho người bán vé dạo và phải công khai khoản tăng này để họ biết, tránh nhập nhằng rồi lợi ích rơi vào tay các đại lý" - bạn đọc S.G. góp lời.

CÔNG DŨNG tổng hợp

Kết quả thăm dò bạn đọc Tuổi Trẻ Online đến chiều 26-5 - Đồ họa: T.ĐẠT

Kết quả thăm dò bạn đọc Tuổi Trẻ Online đến chiều 26-5 - Đồ họa: T.ĐẠT

Vé số dạo tạo doanh thu ngàn tỉVé số dạo tạo doanh thu ngàn tỉ

Những người bán vé số dạo là lực lượng chủ yếu tạo doanh thu hàng chục ngàn tỉ cho các công ty xổ số, nhưng mức chiết khấu họ nhận được quá ít.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên