16/01/2020 09:03 GMT+7

Kiều hối dồn dập đổ về đón Tết

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Các công ty kiều hối cho biết đang “chạy hết công suất” khi chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đến tết. Ngoài một số thị trường truyền thống, các thị trường xuất khẩu lao động như Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc... đang trở thành “điểm nóng” về kiều hối.

Kiều hối dồn dập đổ về đón Tết - Ảnh 1.

Giao dịch kiều hối tại ngân hàng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Lượng kiều hối chuyển về trong năm 2019 tiếp tục tăng 12% so với năm trước, duy trì mức tăng hơn 2 con số mỗi năm trong những năm gần đây, nguồn kiều hối cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, nhiều công ty kiều hối cho biết thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng, cần có chính sách để khơi thông thêm dòng chảy kiều hối.

Kiều hối cũng... tết sớm

Bà Đoàn Hồng Nhung - trưởng phòng chính sách sản phẩm bán lẻ của Vietcombank - cho biết do năm nay tết đến sớm nên mùa kiều hối bắt đầu từ tháng 12-2019. Mỗi ngày ngân hàng này chi trả bình quân 8 triệu USD cho khách hàng qua hai hình thức là trả vào tài khoản và chi bằng tiền mặt. Tổng lượng kiều hối chuyển về qua ngân hàng này trong năm 2019 vượt mức 2,5 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2018.

Ông Lê Thành Trung, phó tổng giám đốc HDBank, cũng cho biết từ cuối tháng 12-2019, số lượng món gửi và số lượng khách hàng nhận tiền kiều hối tại ngân hàng này tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường trong năm. Còn tính trong cả năm 2019, kiều hối chuyển về qua HDBank tăng gần 40%. Lượng kiều hối tăng chủ yếu từ thị trường Úc, trong khi thị trường Mỹ khá ổn định.

Tại Sacombank, lượng kiều hối chuyển về trong 3 tháng cuối năm 2019 tăng 30% so với các giai đoạn khác. "Doanh số kiều hối năm 2019 của Sacombank tăng trưởng ấn tượng, gấp đôi so với năm 2018 và tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. 

Lượng kiều hối chính vẫn từ Mỹ, Anh, Canada. Bên cạnh đó là lực lượng xuất khẩu lao động sang các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... cũng đóng góp ngày càng nhiều" - ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cho hay.

Tại Công ty kiều hối Đông Á, lượng kiều hối chuyển về trong tháng 12 đã tăng 12% so với bình quân các tháng năm 2019 và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. 

Một phần do yếu tố mùa vụ, một phần được kích cầu bởi chương trình khuyến mãi. Hiện tổng lượng giao dịch kiều hối tại Công ty kiều hối Đông Á đạt hơn 172.000 giao dịch/tháng.

Thị trường kiều hối những năm gần đây không chỉ đơn thuần là trợ cấp thân nhân mà còn đến từ đầu tư sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lao động. 

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, ngoài các khoản mang tính chất trợ cấp, một số hoạt động chuyển thu nhập về nước từ đội ngũ chuyên gia, các nhà đầu tư tại Singapore, Hong Kong cũng liên tục góp phần đưa các quốc gia này vào top các nước chuyển tiền về VN.

Chuộng nhận qua tài khoản

Ông Vũ Thành Trung - phó tổng giám đốc Công ty kiều hối Đông Á - cho biết một số thị trường xuất khẩu lao động như Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc đang trở thành điểm nóng của dòng kiều hối trong năm 2019. Dự kiến lượng kiều hối sẽ dần phát triển tại các thị trường này trong năm 2020. Một thuận lợi là năm qua tình hình thị trường lao động vẫn khá ổn định.

Theo bà Đoàn Hồng Nhung, doanh số kiều hối chuyển về các địa phương vốn nổi lên nhờ xuất khẩu lao động như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và một số tỉnh ven biển miền Trung vẫn tăng trưởng tốt trong mùa kiều hối năm nay. 

Tuy nhiên, theo các công ty kiều hối, do ảnh hưởng các chính sách giới hạn lượng tiền chuyển ra của các quốc gia nên lượng kiều hối chuyển về cũng chịu ảnh hưởng nhất định.

Một nét mới trong mùa kiều hối năm nay là lượng kiều hối chuyển về thông qua tài khoản tăng mạnh, có nơi tăng đến 75%. Nhiều người muốn nhận kiều hối qua tài khoản thay vì chi trả bằng tiền mặt tại nhà như trước do tỉ giá ổn định, không còn cách biệt giữa giá USD ngân hàng và USD tự do. Lượng người trưởng thành có tài khoản ngân hàng cũng tăng rất nhanh.

Các ngân hàng và công ty kiều hối cũng thay đổi để bắt nhịp xu thế mới. Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết Sacombank đã tích hợp hệ thống lập trình giao diện ứng dụng cho phép xác thực dữ liệu khách hàng một cách trực tuyến và bảo mật (API). 

Ngân hàng này đa dạng hóa phương thức chi trả kiều hối như chi tại quầy, qua tài khoản, tại nhà, ATM..., một mặt giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn, mặt khác giúp tiết giảm chi phí vận hành tối đa cho các đối tác. "Một giao dịch chuyển nhận kiều hối qua hệ thống Sacombank có thể hoàn tất chỉ trong thời gian 2 phút" - ông Tâm khẳng định.

Vietcombank cũng nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán nhằm cải thiện tốc độ chi trả, nâng cao tính minh bạch, hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc của các khoản thanh toán và giảm thiểu thời gian tra soát thông tin giao dịch. 

Với các khách hàng chuộng chi tại nhà, các ngân hàng và công ty kiều hối cũng sắp xếp nguồn nhân sự để đảm bảo các giao dịch chuyển về đều được chi trả nhanh chóng dù ngay mùa cao điểm.

16,7 tỉ USD

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về VN năm 2019 ở mức 16,7 tỉ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. VN đứng thứ 9 trong số các quốc gia nhận được nhiều kiều hối nhất trên thế giới trong năm 2019.

Riêng TP.HCM, theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, lượng kiều hối chuyển về trong năm 2019 đạt khoảng 5,3 tỉ USD, tăng khoảng 8%.

Đa dạng nguồn kiều hối về Việt Nam Đa dạng nguồn kiều hối về Việt Nam

TTO - Kiều hối chuyển về Việt Nam bắt đầu tăng mạnh. Kiều hối nay không chỉ từ Việt kiều, xuất khẩu lao động mà theo một số ngân hàng, còn từ đầu tư sản xuất kinh doanh ở nước ngoài.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên