
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - chủ nhiệm Ủy ban về người Việt ở nước ngoài TP.HCM (đứng) và nhà báo Nguyễn Đức Hiển - phó tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM (cạnh bên) chủ trì tọa đàm - Ảnh: Đ.T.
Ngày 22-4, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm: "Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM".
Kiều bào chú ý chính sách về quốc tịch
Chia sẻ tại tọa đàm, tiến sĩ Ngô Phẩm Trân - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan - cho biết bản thân bà trong thời gian trở về đất nước làm việc, đóng góp đã đạt được nhiều thành tích và vinh dự nhận nhiều bằng khen của TP.HCM và Trung ương.
Do đó bà Trân muốn xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên điều kiện để được trở lại quốc tịch theo quy định lại chưa rõ ràng, dẫn tới việc bà được hướng dẫn xin thôi quốc tịch nước ngoài để nhập quốc tịch Việt Nam.
Về việc trên, bà Trân chia sẻ quốc tịch ở nước sở tại đóng vai trò hết sức quan trọng đối với kiều bào trong việc tiếp cận các chính sách, đãi ngộ và cộng đồng doanh nghiệp ở nước đó, từ đó đóng góp từ xa cho TP.HCM.
"Một tháng tôi về nước 2, 3 lần để đưa doanh nghiệp nước ngoài vào tìm hiểu môi trường đầu tư tại TP.HCM, nhưng chỉ có thể dùng visa nên gặp nhiều hạn chế", bà Trân nói và bày tỏ mong muốn có những chính sách thoáng hơn trong việc cấp quốc tịch cho người Việt định cư ở nước ngoài.

Tiến sĩ Cao Vũ Minh trình bày tham luận - Ảnh: Đ.T.
Tiến sĩ Cao Vũ Minh - trưởng bộ môn luật hành chính - nhà nước, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM - cho biết đã có quy chế về song tịch (người mang 2 quốc tịch).
Theo Luật Quốc tịch năm 2008, một trong các điều kiện để người Việt Nam sống ở nước ngoài có thể xin quốc tịch Việt Nam gồm là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và có lợi cho Nhà nước Việt Nam.
Theo ông Minh, đối với 2 điều kiện có công lao đặc biệt và có lợi cho Nhà nước Việt Nam không quy định cụ thể như thế nào là công lao đặc biệt, như thế nào là có lợi cho Nhà nước, dẫn đến cơ quan chức năng "dè chừng" trong việc xác nhận hồ sơ xin cấp quốc tịch.
Cũng theo ông Minh, rất nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài (có quốc tịch Việt Nam) muốn gắn bó, muốn cống hiến, muốn phục vụ cho quê hương, đất nước. Do đó pháp luật cần tạo điều kiện cho họ có cơ hội trở thành viên chức.
Tuy không trực tiếp quy định không cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký dự tuyển viên chức, nhưng với quy định tại điểm a khoản 1 điều 22 Luật Viên chức thì "cánh cửa" trở thành viên chức dường như "đã đóng" đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
"Cần thừa nhận rằng chúng ta cần tranh thủ chất xám trí tuệ, kinh nghiệm, chuyên môn của người Việt sinh sống ở nước ngoài, vì đây là lực lượng có trình độ chuyên môn cao và nếu sử dụng họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho việc đào tạo nguồn lực", ông Minh trình bày.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung - phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM - chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: Đ.T.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở hiện hành đã "cởi mở" hơn với kiều bào
Từ kinh nghiệm thực tế giải quyết những vụ án tranh chấp tài sản liên quan đến Việt kiều, bà Nguyễn Thị Thùy Dung - phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM - nhìn nhận các quy định trước đây hạn chế nhiều quyền của người Việt định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay đã có Luật Nhà ở và Luật Đất đai đã có hiệu lực từ 1-7-2024.
Theo đó, tại điều 28 Luật Đất đai hiện hành có các quy định: "... người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao".
"Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự".
Bà Dung cho rằng với quy định pháp luật hiện nay đã thể hiện ý chí của Nhà nước nghĩ đến kiều bào với sự cởi mở, vì mục đích tạo điều kiện cho bà con kiều bào về Việt Nam sinh sống, phát triển cũng như đóng góp cho đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận