Ông Nguyễn Văn Trí tự hào cầm trên tay khuôn hộp đựng pin cung cấp cho hãng xe điện nổi tiếng Tesla - Ảnh: CÔNG TRUNG
Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề cơ khí chính xác tạo khuôn mẫu, có khách hàng quen thuộc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng tôi tiếp tục mở rộng sang thị trường Mỹ, châu Âu và nhìn thấy cơ hội lớn để dần cởi bỏ lời buồn "Việt Nam không làm nổi con ốc vít".
Khoản nợ khổng lồ
Năm 1994, cơ quan tinh giản biên chế, tôi chuyển ra lập công ty mang tên Lập Phúc, mày mò sửa chữa máy móc cho cơ sở tư nhân. Lúc còn làm việc tại công ty cũ, tôi học được sự chuyên nghiệp của đối tác Nhật. Với nền móng về sự chuẩn chỉ của cơ khí, tôi từng bước lập nghiệp với nghề khuôn mẫu.
Thị trường rất cần nhưng thời điểm đó (giai đoạn 1994 - 2000), lĩnh vực này đa số do người Hoa làm, cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu không nhanh bắt nhịp với công nghệ, chỉ kinh nghiệm không chưa đủ.
Cơ khí là nghề thâm dụng vốn cao, biên lợi nhuận thấp. Nhưng tôi liều vay mượn của anh em, bà con tới 120.000 USD mua một máy phay CNC, đây là một trong những máy phay hiện đại đầu tiên nhập về Việt Nam thời điểm đó. Song đó là khoản nợ khổng lồ.
Khi tạo ra sản phẩm tốt, "tiếng lành đồn xa", chỉ vài năm sau tôi trả hết khoản nợ mua máy. Khách hàng đầu tiên là Suzuki và sau đó là các đối tác Nhật như Sanyo, Panasonic...
Trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Trung Quốc có vị trí cao hơn so với doanh nghiệp Việt vì họ làm nghề lâu đời.
Dù sản phẩm của mình không hề thua kém về chất lượng, nhưng nếu lựa chọn giữa hai doanh nghiệp làm khuôn mẫu, cùng giá thành, phần lớn khách hàng sẽ chọn doanh nghiệp Trung Quốc. Để cạnh tranh, tôi xác định phải làm giá rẻ hơn Trung Quốc nhưng chất lượng Nhật.
Có người hỏi lúc đó sao làm được khi vốn ít? Đúng vậy. Nhưng một sản phẩm có nhiều công đoạn. Những khâu nào có thể sửa chữa, công đoạn nào cần trang thiết bị mới đạt chuẩn thì phải đầu tư. Uyển chuyển được từng công đoạn nên tiết kiệm chi phí, đảm bảo chuẩn chất lượng.
Nếu như trước đây sự e ngại cạnh tranh với Trung Quốc, hiện nay đã khác. Doanh nghiệp làm bài bản có chiến lược vẫn chớp được thời cơ, làm tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Trí
Cơ hội lẫn thách thức luôn đồng hành
Có đất rộng ở quận 7, TP.HCM có người nói sao không kinh doanh văn phòng hoặc bất động sản, sẽ không khó có thêm vài triệu đô thay vì miệt mài đầu tư xây dựng nhà máy, vốn cao, rủi ro lớn?
Thật ra, trong hai năm dịch bệnh, làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng rõ nét hơn nhưng công ty chúng tôi luôn "sáng đèn" nhận đơn hàng từ Mỹ như hãng xe Tesla, GM Motor, ắc quy GS...
Với hai tòa nhà xây mới, công ty đã đầu tư máy móc hơn 100 tỉ đồng để tăng quy mô sản xuất các đơn hàng như khuôn cản nhựa, hộp đựng cầu chì xe điện Tesla...
Đơn hàng Mỹ của công ty đã chiếm 60% đơn hàng. Các doanh nghiệp FDI, Panasonic, Tân Á Đại Thành đặt hàng các loại khuôn.
Cơ khí nói ra nghe khô khan máy móc, dầu nhớt, bụi bặm chứ thật ra giờ máy móc làm chủ yếu. Khi làm chủ được khoa học công nghệ sản xuất khuôn mẫu, không lo ngại doanh nghiệp khác cạnh tranh vượt qua.
Trong cơ khí, để đầu tư phải thực sự yêu nghề và không nên quá toan tính. Khi đầu tư một cái máy 10 tỉ đồng, nếu làm không hiệu quả bán lại 3 tỉ không ai mua. Do vậy xác định đầu tư phải tính toán làm sao để khai thác nó hiệu quả nhất.
Dù vậy, việc đầu tư vào cơ khí trong thời gian gần đây khá sôi nổi, có sức lan tỏa. Nhưng vẫn cần thêm hỗ trợ thực tế để làn sóng này bám trụ được với nghề, phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận