Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Kiên Giang năm 2022 do UBND tỉnh tổ chức ngày 22-8 - Ảnh: C.CÔNG
Ông Thừa cho biết hiện nay cơ bản các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đầu tư vào Kiên Giang là nhìn vào bộ chỉ số PAR INDEX (nâng cao chỉ số cải cách hành chính), SIPAS (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) và PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh)… Các chỉ số này tốt và cơ chế thông thoáng, doanh nghiệp trong và ngoài nước mới lựa chọn vào địa phương đầu tư.
Đặc biệt, ngoài điều kiện vị trí địa lý, tự nhiên thuận lợi, Kiên Giang cần có thể chế tốt hơn gồm thời gian, trách nhiệm, quy trình thủ tục và công khai minh bạch thì doanh nghiệp sẽ đến nhiều hơn nữa.
"Thay mặt Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chúng tôi ghi nhận kết quả đạt được của Kiên Giang. Kiên Giang rất quyết tâm và hy vọng địa phương sẽ thành công. UBND tỉnh Kiên Giang cần có giải pháp, kế hoạch và tập trung mạnh vào việc quy trách nhiệm người đứng đầu với công tác hành chính vì con người là yếu tố quyết định", ông Thừa đề nghị.
Theo ông Phạm Minh Hùng - vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) kiêm chánh văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, kết quả PAR INDEX năm 2021 của Kiên Giang có 5/8 chỉ số thấp hơn giá trị trung bình của cả nước, trong đó có 3 chỉ số giảm sâu so với trung bình cả nước gồm: chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, cải cách tài chính công thấp và sự tác động của cải cách hành chính đến người dân và doanh nghiệp thấp.
Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2021, Kiên Giang đạt điểm số 59,73, xếp thứ 60 toàn quốc (thấp nhất trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long).
Ông Nguyễn Thanh Nhàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: C.CÔNG
Trao đổi tại hội nghị, Sở Nội vụ Kiên Giang cho biết qua 7 tháng đầu năm 2022, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, tỉnh đã hoàn thành 26/55 nhiệm vụ; thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đã hoàn thành 14/49 nhiệm vụ.
Kiên Giang xây dựng website hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận thông tin (đang hoạt động) và website cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh (đang vận hành thử, dự kiến cuối tháng 8-2022 sẽ chính thức hoạt động).
Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, tới đây Kiên Giang sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục, cắt giảm thời gian thực hiện để đảm bảo công việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh tiếp cận thông tin, minh bạch thông tin mà người dân và doanh nghiệp cần…
Ông Nhàn đề nghị Sở Thông tin và truyền thông tỉnh cần phải truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để người dân hiểu công tác thủ tục hành chính, hướng tới ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư địa phương được tốt hơn.
Cần tăng cường gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp
Ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký, trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, giám đốc Dự án chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - cho hay bên cạnh những mặt đạt được, Kiên Giang cần tích cực chủ động và sáng tạo để xây dựng một phương án, tổ chức thực thi các chương trình, giải pháp cải thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, tỉnh cần rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực từ kết quả điều tra PCI 2021, đặc biệt các lĩnh vực cần cải thiện.
Các cơ quan chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan, chính quyền và đăng tải đầy đủ thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, dự án đối tác công tư.
"Địa phương cần tiếp tục quan tâm các giải pháp tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp và đặc biệt tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ, cần xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương", ông Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận