![Kịch bản '7 ngày xây dựng lòng tin' của đường dây lừa đảo dùng người Việt lừa người Việt - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/nguyen-quang-phuong-17396001731931179995193.png)
Nguyễn Quang Phương tại cơ quan công an - Ảnh: Công an cung cấp
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh mới đây phối hợp các đơn vị Bộ Công an, công an các nước Philippines, Campuchia và lực lượng công an, biên phòng tỉnh Tây Ninh bắt giữ 30 nghi phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại thủ đô Phnom Penh.
Lời khai của nghi phạm trong đường dây lừa nhiều phụ nữ, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng
Đồng thời phối hợp với Đồn Công an cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Nội Bài bắt giữ thêm 26 nghi phạm khác, khi những người này đang nhập cảnh vào Việt Nam.
Đây là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin trên ứng dụng UNISAT và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok, hoạt động tinh vi, xuyên quốc gia, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhiều nạn nhân với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.
"7 ngày xây dựng lòng tin" để lừa đảo
Theo lời khai của Nguyễn Quang Phương (30 tuổi, ngụ tỉnh Bắc Giang) tại cơ quan điều tra, đầu năm 2024 Phương gia nhập một tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia có trụ sở tại thủ đô Manila, Philippines. Tại đây, Phương được chủ người Trung Quốc chỉ đạo cho quản lý người Việt Nam đào tạo, hướng dẫn các kịch bản lừa đảo chi tiết.
Phương sử dụng các tài khoản Facebook ảo, khoác lên mình vỏ bọc doanh nhân thành đạt để tiếp cận những người phụ nữ trung niên Việt Nam - thường là những người đơn thân, thiếu thốn tình cảm theo kịch bản “7 ngày xây dựng lòng tin”, nhằm mục đích lôi kéo đầu tư tiền điện tử để lừa đảo.
Theo đó, ngày đầu tiên nhóm nghi phạm tìm kiếm “con mồi” để nhắn tin làm quen, trao đổi nói chuyện để tìm hiểu sở thích và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến gia đình của khách. Ngày thứ hai, những kẻ lừa đảo liên tục nhắn tin gửi lời chúc đến khách vào buổi sáng, trưa và tối.
Tiếp đó chúng gửi cho khách những bức ảnh của bản thân dưới vỏ bọc là những doanh nhân thành đạt đang làm việc ở nước ngoài.
Khi đã lấy được lòng tin của khách, những kẻ lừa đảo chuyển sang giai đoạn yêu đương bằng cách nói chuyện nhiều hơn với khách, quan tâm đến sức khỏe, ăn uống của khách, cho đến khi khách đã tin tưởng tuyệt đối thì chúng rủ khách tham gia chung vào một công việc để cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Giai đoạn này, nếu khách đồng ý thì những kẻ lừa đảo sẽ báo cáo với cấp trên là người Trung Quốc để đưa ra các gói cho khách đầu tư. Khi khách đã đổ tiền vào đầu tư, bằng nhiều cách khác nhau, chúng sẽ thông báo cho khách đang bị sai sót về thông tin để khách không rút được tiền và bị chiếm đoạt tài sản.
![Kịch bản '7 ngày xây dựng lòng tin' của đường dây lừa đảo dùng người Việt lừa người Việt - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/base64-1739603685604929130149.jpeg)
Nhóm nghi phạm trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa bị công an bắt giữ - Ảnh: Công an cung cấp
Chiêu lôi kéo khách hàng đầu tư số tiền ngày càng lớn
Để lừa đảo khách hàng số tiền lớn, khi khách hàng đổ tiền đầu tư lần đầu tiên sẽ được trả một khoản lợi nhuận, khách hàng tin tưởng và nhận thấy có lãi sẽ tiếp tục đầu tư số tiền tiếp theo lớn hơn số tiền ban đầu.
Theo đó, mức đầu tiên những kẻ lừa đảo sẽ kêu gọi khách hàng đầu tư với số tiền 500 USD và hưởng lợi nhuận 30% tổng số tiền đã bỏ ra. Số lợi nhuận này sẽ được gửi về tài khoản của khách hàng để chiếm lòng tin.
Khi khách hàng đã tin tưởng, nhóm lừa đảo hướng dẫn khách hàng nâng gói VIP đầu tư với số tiền 5.000 USD và hưởng mức lợi nhuận 30%, số lợi nhuận của lần đầu tư này vẫn tiếp tục được chuyển vào tài khoản của khách hàng.
Sau đó, nhóm lừa đảo tiếp tục hướng dẫn khách hàng các khoản đầu tư lớn hơn, cho đến khi khách hàng không còn đủ tiền để đầu tư thì nhóm này sẽ báo cáo với cấp trên để theo dõi và ra quyết định “giết khách” bằng cách chặn liên lạc, khóa tài khoản giao dịch, chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nạn nhân rồi biến mất.
Theo Nguyễn Quang Phương, khi bước chân vào công ty và được đào tạo thì bản thân đã nhận ra mình đang được hướng dẫn cách thức để lừa đảo. Do đó, Phương đã một số lần xin về nước, song thời điểm đó Phương chưa tiếp cận được khách hàng nào nên việc xin về rất khó khăn.
“Nếu đã gia nhập vào công ty và không tiếp cận được khách hàng nào thì khi muốn về nước phải đền bù cho công ty một khoản tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Số tiền này quá lớn, bọn em cũng không có khả năng đền bù nên buộc phải tiếp tục làm để công ty giảm tiền bù, mong sớm nhận lại hộ chiếu về nước” - Phương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận