20/12/2023 15:00 GMT+7

Khung pháp lý cởi mở sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giáo dục Anh - Việt

“Việt Nam là một trong những quốc gia có khung pháp lý cởi mở nhất cho giáo dục xuyên quốc gia”, đó là khẳng định của ngài Steve Smith (Đại sứ Giáo dục quốc tế của Chính phủ Anh) tại diễn đàn ThinkTNE 2023.

Khung pháp lý cởi mở sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giáo dục Anh - Việt- Ảnh 1.

Ngài Steve Smith chia sẻ tại diễn đàn vừa qua

Ngài Steve Smith tin tưởng những cởi mở trong hành lang chính sách - pháp lý sẽ là động lực thúc đẩy các cơ hội hợp tác giáo dục Anh - Việt diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.

Các chương trình giáo dục xuyên quốc gia đến từ Anh được nhiều học viên Việt Nam quan tâm

Từ lâu, các chương trình giáo dục xuyên quốc gia (Transnational Education - TNE) đến từ Vương quốc Anh đã được đông đảo người học ở Việt Nam quan tâm. Báo cáo "Hướng tới môi trường giáo dục quốc tế cạnh tranh hơn tại Việt Nam" do Bộ Giáo dục và Đạo tạo, Đại sứ quán Anh và Hội đồng Anh thực hiện chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận giáo dục xuyên quốc gia của Anh mạnh mẽ nhất ở khu vực châu Á.

Cứ 4 chương trình liên kết đào tạo thì có một chương trình đến từ xứ sở sương mù. Thực tế đó đã đưa Anh lên hàng đầu trong danh sách các quốc gia triển khai giáo dục xuyên quốc gia nhiều nhất tại Việt Nam.

Lý giải về kết quả này, ngài Steve Smith cho rằng nguyên nhân chủ quan đến từ sức hút của nền giáo dục Anh: "Giáo dục Vương quốc Anh nổi tiếng thế giới vì tập trung vào khả năng tuyển dụng sau đại học và làm phong phú thêm trải nghiệm của sinh viên thông qua nguyên tắc "lấy người học làm trung tâm".

Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy nhiều cựu sinh viên đã có được công việc đầu tiên thành công hoặc có sự thăng tiến trong sự nghiệp và họ tin rằng việc đạt được bằng cấp ở Vương quốc Anh đã đóng góp không nhỏ vào những thành công đó".

Vai trò của khung pháp lý cởi mở

Về mặt khách quan, sự cởi mở của hành lang pháp lý đã đóng góp không nhỏ cho tiến trình phát triển của các chương trình giáo dục xuyên quốc gia đến từ Anh. Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 đã trao quyền tự chủ cao hơn cho các trường đại học đủ điều kiện trong việc phê duyệt chương trình liên kết đào tạo.

Đồng thời, Việt Nam cũng cấp phép hoạt động cho tổ chức kiểm định QAA (Tổ chức Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Đại học) của Anh vào năm 2022. Theo đánh giá của các chuyên gia Hội đồng Anh, môi trường hỗ trợ cho các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam đạt mức 3 - mức cao nhất, tức "có chính sách thuận lợi với những hạn chế tối thiểu", ngang bằng với các quốc gia phát triển hơn như Malaysia hay Singapore.

Nhờ những tác động tích cực đó, quá trình hợp tác giữa hai nền giáo dục diễn ra thuận lợi và ngày càng ghi nhận nhiều sáng kiến hoạt động hiệu quả, nhạy bén. Ngài Steve giải thích thêm: "Trong đại dịch COVID-19, nhiều trường đại học đã có cách làm đầy sáng tạo khi triển khai các khóa học mở trực tuyến, cho phép người học tiếp cận các khóa học từ hơn 20 trường đại học của Vương quốc Anh.

Đồng thời, họ cũng thiết kế các chứng chỉ vi mô cung cấp những kiến thức tiên tiến, hữu ích nhắm tới người lao động". Nhờ vậy, hoạt động giáo dục vẫn luôn thông suốt và hiệu quả ngay cả trong tình trạng giãn cách xã hội".

Vai trò quan trọng của Hội Đồng Anh

Mảng giáo dục đại học cũng ghi nhận vai trò to lớn của Hội đồng Anh thông qua Chương trình Hợp tác Đối tác Toàn cầu với các hoạt động cụ thể, thiết thực như triển khai các chương trình nâng cao năng lực giáo viên ngoại ngữ, trao học bổng cho du học sinh, hợp tác cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam tăng cường hệ thống đảm bảo chất lượng tại các trường đại học,...

Đặc biệt, nhân dịp kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh - Việt Nam, Hội đồng Anh tổ chức chương trình UK/Viet Nam Season 2023. Diễn đàn Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh - Việt Nam (ThinkTNE) cũng là một trong các hoạt động trọng tâm của chương trình, nhằm nhấn mạnh hơn nữa sự ưu tiên cho trụ cột giáo dục trong quan hệ hợp tác Anh - Việt.

Khung pháp lý cởi mở sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giáo dục Anh - Việt- Ảnh 2.

Diễn đàn thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo

"Theo số liệu năm 2021, có 7.125 sinh viên tại Việt Nam đang theo học các chương trình giáo dục đại học của Vương quốc Anh, trong đó 6.000 sinh viên đang theo học trực tiếp tại Việt Nam và số còn lại là theo hình thức học trực tuyến.

Cùng với các đối tác Việt Nam của mình, chúng tôi đánh giá đây sẽ là nền tảng đầy hứa hẹn để tiếp tục phát triển, mang lại một lựa chọn học tập toàn diện, công bằng với chi phí hợp lý và chất lượng tốt nhất cho người học" - Ngài Steve Smith cho biết thêm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên