30/11/2017 18:40 GMT+7

Khúc bi ca của loài rồng

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TTO - Khi bên nhau, hòa tan vào nhau, họ mang tâm thức của rồng, tìm về huyễn mộng nguồn gốc phương Đông xa xưa. Họ, hai cô gái người gốc Việt và gốc Nhật thấy mình là "rồng gió" và "rồng đất"...

Khúc bi ca của loài rồng - Ảnh 1.

Ảnh: Nữ Lâm

Nếu đọc trên bề mặt văn bản, có thể nghĩ đây chỉ là một câu chuyện tình có màu sắc buồn bã, bi thiết. 

Tình yêu nảy nở giữa hai cô gái gốc Á trong môi trường du học sinh tại Melbourne (Úc) có sắc thái âm u, dù được mô tả với nhiều quãng tưởng chừng ngọt ngào, quyến rũ.

Trước hết, là sự đồng điệu của hai tâm hồn cô đơn vừa muốn đào thoát khỏi những ràng buộc truyền thống vừa là cuộc kiếm tìm căn tính văn hóa. 

Hoa Pham là nhà tâm lý, tác giả của sáu tựa sách; nhận bằng tiến sĩ về nghệ thuật sáng tạo; là người sáng lập Peril Magazine - tạp chí trực tuyến cho người Úc gốc Á.

Cô là tác giả của tiểu thuyết Quicksilver (2000, giải Tác giả trẻ xuất sắc của The Sydney Morning Herald), The other shore (2014, giải The Viva La Novella) và cuốn sách thiếu nhi: No-one like me (1998), 49 ghosts (1998)...

Cô gái Nhật Midori mất cha và mẹ trong trận sóng thần ở Fukushima và phải đảm đương trách nhiệm chăm sóc cậu em ruột như người giám hộ không hơn không kém. 

Cô gái Việt (Âu Cô) tưởng đã âm thầm vượt ra khỏi sự đặt để và kỳ vọng của gia đình trong hôn nhân lại mỗi lúc một mất đi sự chủ động.

"Chính những cuộc đào thoát chung khiến chúng tôi trở nên đặc biệt". Và cũng chính những cuộc đào thoát khiến họ thâm nhập sâu hơn vào trong vương quốc mộng tưởng, mà ở đó họ có sự liên đới, đồng điệu. 

Rồng là biểu tượng văn hóa của tự do chứ không tạo ra những ràng buộc vô hình và phi lý trong truyền thống mà mỗi cá nhân mang mã gen phương Đông bị cài đặt, hay nói xa hơn, là áp đặt. Họ nhận ra và chia sẻ với nhau về sự tự do trong men say tình yêu đồng giới.

Lớn hơn mọi rung động xác thịt là sự gặp gỡ về khát khao tự do và cả về... những huyễn mộng.

Đối lập với cái thế giới mộng tưởng tự do đó là một thế giới hỗn loạn mà họ phải đối diện, thích ứng và phải vượt qua: thảm họa môi trường, khủng hoảng tâm lý trong đời sống hiện đại, bạo lực đến từ các thương tổn tinh thần... 

Vụ xả súng của chàng trai Trung Quốc vào đám bạn chung trường mà Midori lẽ ra cũng đã có thể là nạn nhân khiến cho không khí cuộc sống họ thêm bất an.

Và rồi cuộc hôn nhân được sắp xếp của gia đình Âu Cô đem lại một cái kết bi thương. Những đeo đuổi huyễn mộng về tự do đã bỏ lại phía sau lưng. 

Chuyển hóa những lựa chọn kết thúc bế tắc trở thành ý niệm giải thoát linh hoạt kiểu phương Đông lúc bấy giờ lại được tác giả vận dụng.

Trên nền hợp âm phóng khoáng và đầy suy tư như một bài thơ, những huyền thoại về loài rồng cứ tiếp tục lồng đan với khung cảnh đương đại dệt nên một không gian lấp lánh.

Cuốn sách mỏng, chôn giấu trong nó nhiều lớp mã văn hóa, cao hơn một chuyện tình buồn là khúc bi ca của loài rồng trong bối cảnh toàn cầu.

 "Chúng ta đã từng là chúng ta. Cho đến khi họ khiến chúng ta trở thành tôi và em" - hình như ẩn dưới sự chia lìa ấy là một tinh thần hài hòa phương Đông đã mất trong cuộc hiện sinh hỗn loạn của thế giới hiện đại.

Nhìn ở chiều kích này, cuốn tiểu thuyết của Hoa Pham là những đợt sóng tự vấn đầy day dứt.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên