18/10/2021 16:35 GMT+7

Không vay được đồng nào còn mất trắng hàng trăm triệu và bị thách báo công an

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Sau một cuộc gọi của người lạ mời cho vay với thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, nhiều người đã bị sập bẫy. Chỉ trong một ngày, người đi vay không nhận được đồng nào nhưng lại bị mất trắng đến hàng trăm triệu đồng, còn bị thách báo công an.

Không vay được đồng nào còn mất trắng hàng trăm triệu và bị thách báo công an - Ảnh 1.

Nhóm người đang viết đơn tố cáo bị lừa mất tiền do đầu tư trên ứng dụng online

Sáng sớm còn mơ ngủ, anh Thùy (thợ cơ khí, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số lạ, xưng là người của Công ty 24hPlus, nói chỉ cần làm theo hướng dẫn với vài thao tác đơn giản là đã có thể vay được tiền. Trong lúc dịch bệnh, gia đình túng thiếu, anh Thùy mừng rỡ làm theo, song mọi chuyện không dễ dàng.

"Làm hồ sơ mà liên tục báo lỗi, bắt mình nộp tiền vào. Nó xoay mình cả một ngày, đến tối ngớ ra mới biết mình bị lừa", anh Thùy chia sẻ. Với nhu cầu vay 10 triệu đồng, dù không nhận được bất kỳ đồng nào, nhưng chỉ trong vòng một ngày anh Thùy đã bị mất trắng 88 triệu đồng.

"Mất tiền, gia đình mình lao đao, hầu như ngày nào mình cũng bị ăn chửi. Thà tiền của mình, đằng này phần lớn là đi vay mượn để đập vào, đâm ra nợ thêm, thế mới khổ. Vì vụ này mà phải nghỉ việc để chạy vạy trả nợ", anh Thùy buồn nói, áp lực kinh tế càng đè nặng khi hai con nhỏ đã bước vào năm học mới.

Cũng rơi vào trường hợp trên, anh Huy (công nhân nhà máy gạch, Quảng Ninh) không khỏi buồn: "Tiền đi vay mượn anh em chứ có phải của mình đâu. Nó hủy kết bạn trên Zalo luôn rồi". Với nhu cầu vay 60 triệu đồng, anh Huy cũng không nhận được đồng nào nhưng mất trắng hơn 170 triệu đồng. Ngay khi biết mình bị lừa, anh Huy cũng bị người đi cho vay cắt đứt liên lạc, hủy kết bạn trên Zalo.

Hầu hết những người bị lừa đều bắt đầu từ việc bắt máy số điện thoại lạ, sau đó làm theo hướng dẫn qua Zalo.

Khách hàng sẽ tải ứng dụng tên Handy Cash về điện thoại, sau đó nhập thông tin và hứa hẹn sẽ được duyệt hạn mức vay từ 10 triệu đến 1 tỉ đồng, lãi suất chỉ 0,5%/tháng.

Sau đó khách hàng sẽ nhận được hợp đồng cho vay với số tiền cố định, và bị yêu cầu chuyển khoản trước 10% số tiền cần vay (chẳng hạn muốn vay 100 triệu thì phải chuyển 10 triệu) để chứng minh khả năng trả nợ, 5 phút sau sẽ hoàn trả. Tiếp đến, bên cho vay sẽ gửi cho khách hàng một mã để rút tiền. Tuy nhiên khách hàng bị báo rút tiền thất bại, với nhiều lý do khác nhau như cung cấp sai thông tin, hồ sơ đang gặp phải "lỗi cờ bạc"...

Lỡ chi tiền ra, khách hàng lại bị bên cho vay dọa phải chuyển thêm 50% để "giải băng tài khoản", nếu không dù khách hàng chưa thực sự nhận tiền nhưng vẫn phải trả nợ.

Theo tìm hiểu, chỉ cần từ sáng đến chiều, nhiều khách hàng đã liên tục chuyển tiền đến bên cho vay, người ít thì vài triệu, nhiều hơn thì 300-400 triệu đồng.

Về sự việc trên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện 24hPlus cho biết doanh nghiệp không trực tiếp cho vay, mà chỉ giới thiệu và hỗ trợ tư vấn cho khách hàng nào đủ điều kiện được vay tại các công ty tài chính.

24hPlus khẳng định công ty không có bất kỳ ứng dụng hoặc bất kỳ đường link cho vay nào, không thu bất kỳ khoản phí nào trong suốt quá trình tư vấn và hỗ trợ khách hàng, không yêu cầu khách hàng chuyển khoản cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Hiện nay doanh nghiệp đang phối hợp với cơ quan công an điều tra để làm rõ về vụ việc trên.

Ngày 10-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đang xác minh vụ việc của chị V.T.T.D. (TP Hạ Long) tố giác tội phạm vì bị kẻ lạ mặt (quen biết qua mạng Zalo, điền thông tin trên suissecredit88.com) lừa trên 1,1 tỉ đồng, khi đăng ký vay 300 triệu đồng.

Chiều 13-10, lãnh đạo Công an huyện Châu Thành (Tiền Giang) cũng cho biết đang điều tra vụ việc hàng loạt người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức vay tiền bằng ứng dụng hỗ trợ tài chính như "Mirae Asset", "Easy Ledger", "Bảo Gia"... với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trước đó xác nhận với Tuổi Trẻ Online, công ty tài chính Mirae Asset (MAFC) cho biết ứng dụng "Mirae Asset” được nêu phía trên (trùng với thương hiệu MAFC) là giả mạo. “Trong thực tế, công ty chúng tôi luôn thực hiện giao dịch minh bạch, rõ ràng với khách hàng và hoàn toàn không có thu bất kỳ chi phí nào khi khách hàng đăng ký vay”, MAFC khẳng định.


Tái diễn hàng loạt tin nhắn lừa đảo mạo danh ngân hàng Tái diễn hàng loạt tin nhắn lừa đảo mạo danh ngân hàng

TTO - Mấy ngày gần đây, nhiều người dùng lại tiếp tục nhận được tin nhắn mạo danh thương hiệu từ các ngân hàng thông báo biến động liên quan đến tài khoản của họ.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên