06/12/2015 10:04 GMT+7

Không thể làm phim "khách chẳng buồn xem, tốn đống tiền thuế của dân"

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
NGUYỄN ĐÔNG THỨC

TT - Khi đã được Nhà nước tài trợ làm phim, thì dù bất cứ thể loại nào cũng phải là phim hay, thu hút được đông đảo công chúng, chứ không thể phim làm xong mà rạp không muốn chiếu, khách chẳng buồn xem, tốn một đống tiền thuế của người dân!

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh: cái bắt tay lịch sử tư nhân sản xuất - Nhà nước đặt hàng đã gặt doanh thu khủng và gặt Bông sen vàng! - Ảnh: ĐPCC

“Có gì ghê gớm đâu, vậy mà hay!”

Vừa bước chân vào buổi chiếu đầu tiên, đã có người cất tiếng: “Chào mừng anh đến với ban dám khổ!” (ban giám khảo).

Nghĩ "khổ" cũng đúng. Sáu ngày rưỡi phải căng mắt coi 26 bộ phim truyện Việt Nam (6 phim video và 20 phim điện ảnh), khổ thật chứ!

Lại còn phải cân nhắc cẩn trọng, công bằng khách quan đánh giá, chấm điểm để trao giải cho những phim hay, cộng thêm việc phải chịu áp lực tứ phía, thì quả là một trọng trách nặng nề.

Về 6 phim video, cảm giác chung là… tại sao lại dám làm, dám đưa đi thi? Thật sự chỉ có một phim Đất lành (kịch bản: Nguyễn Thu Dung - đạo diễn: Đặng Thái Huyền) của Điện ảnh Quân đội là tương đối coi được. Còn ngoài ra, không biết mình đang coi… cái gì! Người ta đã mất bao nhiêu tiền để làm những “bộ phim” như thế?

Với 20 phim chiếu rạp đem dự thi (Bước khẽ đến hạnh phúc, Người trở về, Mỹ nhân, Trúng số, Quyên, Chàng trai năm ấy, Nước 2030, Lạc giới, Scandal - Hào quang trở lại, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Dịu dàng, Sống cùng lịch sử, Đường xuyên rừng, Trên đỉnh bình yên, Nhà tiên tri, Những đứa con của làng, Thầu Chín ở Xiêm, Đập cánh giữa không trung, Cuộc đời của Yến, Hương Ga) cho thấy đề tài đã khá đa dạng, cũng là một tín hiệu tốt lành.

Truyền thống, lịch sử, rồi hậu chiến, đương đại. Xã hội đen trong và ngoài nước, rồi showbiz, đồng tính. Bế tắc giới trẻ, rồi bi kịch phụ nữ nông thôn… Nhưng đa số phim làm… không tới, cách thể hiện cũ, không áp đặt, khiên cưỡng thì cũng phi lý, giả tạo, từ cốt truyện cho tới tình huống, tâm lý nhân vật…

Có cảm giác khoảng 1/4 không phải được làm để… bán vé mà làm theo đơn đặt hàng của các đơn vị, nhân dịp lễ lạt này nọ. Những phim này đều của các hãng nhà nước, chi phí tốn kém vì thường là đề tài chiến tranh, lịch sử, thực hiện theo lối mòn, khuôn khổ, nên ra rạp thường… không có người xem.

Biết vậy, nhưng hằng năm người ta vẫn canh dịp lễ để chia nhau các dự án làm và đem… đi thi, sau đó đem cất. Đọc thấy ở phần giới thiệu đầu phim những tên tuổi từng làm nên mấy bộ phim khá hay, lòng cũng khấp khởi, nhưng rồi những cảnh phim cứ trôi qua trước mắt trong ngỡ ngàng về sự cẩu thả, dễ dãi.

Giữa tất cả những bùng nhùng ấy, nổi lên một Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mượt mà, nhẹ nhõm, tươi tắn. Không cần chiêu trò câu khách, không cần diễn viên nổi tiếng. Một câu chuyện thường ngày về dăm thiếu niên ở một làng quê nghèo, những ước mơ và rung động đầu đời, những xấu tốt bình thường của mấy năm tháng hình thành nhân cách…

“Có gì ghê gớm đâu, vậy mà hay!”, có vị giám khảo bật thốt. Vài vị thì ngẩn ngơ không hiểu “tại sao phim như vậy sao lại đông người xem đến thế?”. Doanh thu phòng vé nay đã 78 tỉ đồng, có thể nói đây là lần đầu tiên một bộ phim được Cục Điện ảnh tài trợ (cho hãng phim tư nhân) có lãi.

Tín hiệu này liệu có giúp Cục Điện ảnh nhận ra đã đến lúc nên đổi mới việc dùng tiền nhà nước như thế nào cho hiệu quả?

Không nên chỉ tài trợ các hãng phim nhà nước làm phim về đề tài cách mạng, mà còn cần tài trợ những người làm phim tài giỏi, tử tế, làm những kịch bản hay có đề tài gắn liền với giới trẻ, với cuộc sống hôm nay.

Và điều quan trọng nhất là khi đã được Nhà nước tài trợ làm phim, thì dù bất cứ thể loại nào cũng phải là phim hay, thu hút được đông đảo công chúng, chứ không thể phim làm xong mà rạp không muốn chiếu, khách chẳng buồn xem, tốn một đống tiền thuế của người dân!

Đừng đánh giá sai, thấp khán giả nữa. Nhờ vào truyền hình cáp rồi Internet, dễ dàng thưởng thức bao nhiêu tác phẩm điện ảnh mới nhất của thế giới, người xem phim giờ đã tinh lắm, khó tính lắm. Nhưng thật sự họ vẫn ủng hộ phim Việt Nam, nếu được làm hay.

Đổi mới và khác biệt

Ở một góc nhìn khác, bộ phim Đập cánh giữa không trung là rất mới, rõ chất ngôn ngữ điện ảnh, nhưng quá trần trụi, mạnh bạo, bị cho là không phù hợp với tiêu chí của liên hoan phim này.

Thật ra điện ảnh Việt Nam đang rất cần một làn sóng mới về đạo diễn như nhiều nước đã có mới mong thay đổi được, mà trong đó Nguyễn Hoàng Điệp của bộ phim này có thể là một.

Trở lại với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, “tại sao phim như vậy sao lại đông người xem đến thế?”. Đó là một câu hỏi lớn dành cho các nhà làm phim trong năm mới 2016.

Có thể có nhiều lý do, nhưng với tôi, trước hết đó là sự khác biệt. Giữa một mớ hổ lốn phim hài nhảm nhí, phim ma tào lao, phim xì-tin vớ vẩn, phim lịch sử cũ chán… Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh như một ly nước mát rượi giữa trời trưa nắng gắt.

Sự khác biệt, đó là điều mà mọi người làm nghệ thuật cần tâm niệm. (Có ai nhớ Gái nhảy của Lê Hoàng từng làm “cháy” vé các phòng chiếu, đó cũng là nhờ sự khác biệt ở lúc ấy).

Chứ thấy bộ phim ăn khách quá, đua nhau chạy theo, mai mốt lại là hàng loạt những... "Tôi thấy cái này trên cái đó" thì thật là bi kịch!

* Phim Việt “đặt hàng” ngốn ngân sách tiền tỉ, thu về tiền triệu

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên