17/02/2011 11:31 GMT+7

Không thể chậm như rùa

 KHIẾT HƯNG
 KHIẾT HƯNG

TT - Một cuộc hội thảo quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành trong nước và các chuyên gia quốc tế vừa diễn ra để bàn giải pháp cứu rùa hồ Gươm nhưng rốt cuộc đã không có một giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra. Sức khỏe của cụ rùa vẫn bị đe dọa từng ngày cùng với những lo ngại về môi trường nước hồ Gươm - trung tâm của thủ đô - đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Loay hoay cứu cụ rùa

Sở dĩ cụ rùa nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân vì “cụ” gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy. Nếu bỏ qua yếu tố truyền thuyết đó thì việc bảo vệ rùa hồ Gươm vẫn hết sức cần thiết bởi đây là loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn. Từ chỗ có bốn cá thể, đến nay rùa hồ Gươm chỉ còn một cá thể nhưng đang bị đe dọa tuyệt chủng một cách nghiêm trọng.

Những ai yêu mến hồ Gươm và quan tâm đến rùa hồ Gươm đều rất sốt ruột chờ đợi những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để cứu rùa hồ Gươm và cứu môi trường nước hồ Gươm, vì hồ Gươm không chỉ là môi trường sống của rùa mà còn là biểu tượng của một thành phố hòa bình.

Từ lâu, rất nhiều cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường nước hồ Gươm và các yếu tố đe dọa tính mạng rùa hồ Gươm đã được đưa ra. Trong hai năm 1998-1999, một điều tra cho thấy dưới lòng hồ xuất hiện lớp bùn lắng dày từ 1,3-1,8m. Kết quả điều tra năm 2006 nhận thấy lớp bùn này đã tăng lên thêm từ 0,3-0,5m.

Đến các năm 2008-2009, khảo sát hóa lý và sinh học cho kết quả báo động hơn bởi mực nước hồ chỉ còn trung bình 1m và có xu hướng cạn dần. Các yếu tố môi trường tác động xấu đến sự bảo tồn của động, thực vật trong hồ ngày càng nhiều. Đặc biệt, hầu hết các loài tảo lam trong lòng hồ đều có tiềm năng gây độc. Hiện tượng cá chết, rùa nổi lên khỏi mặt nước do nước thiếu oxy thường xuyên xảy ra...

Cũng từ lâu, nhiều hoạt động nghiên cứu nhằm cứu vãn môi trường hồ Gươm và sức khỏe cụ rùa đã được triển khai. Năm 2004, hiện tượng rùa tai đỏ xuất hiện ở hồ Gươm đã được đưa ra bàn thảo nhưng hơn sáu năm sau, đến tận đầu năm nay, những cuộc họp bàn như thế vẫn diễn ra mà chưa đi đến một giải pháp khả thi nào. Ai cũng biết môi trường nước hồ Gươm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự sống còn của cụ rùa, vậy mà mọi chuyện vẫn cứ loay hoay.

Không thể phủ nhận những cố gắng của các cơ quan chức năng để bảo vệ sức khỏe cụ rùa và cải tạo môi trường hồ Gươm, song kết quả đạt được rõ ràng chưa như mong muốn. Một vị lãnh đạo TP Hà Nội thừa nhận có sự bối rối trong việc tìm ra giải pháp cải tạo môi trường hồ Gươm vì “liên quan đến hồ Gươm lúc nào cũng có các quan điểm trái chiều nhau”.

Tất nhiên, với những vấn đề cần giải quyết bằng giải pháp khoa học, lại ở một nơi trung tâm của thủ đô thì thận trọng là cần thiết. Nhưng thận trọng không có nghĩa là tiến hành theo kiểu “rùa bò”. Sức khỏe của cụ rùa, sự sống còn của hồ Gươm không thể chờ qua hết hội thảo này đến hội thảo khác, dự án này đến dự án khác mà không có được lời giải cuối cùng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Cụ rùa định lên bờCụ rùa hồ Gươm bị thươngXin hãy quý trọng cụ rùa!Tám đề xuất của “nhà rùa học”

 KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên