20/04/2012 08:45 GMT+7

Không tham nhiều mục tiêu

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 19-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh.

nMd162VJ.jpgPhóng to
Giải pháp ưu tiên của đề án tái cơ cấu trong giai đoạn 2012-2015 gồm có các giải pháp tái cơ cấu hệ thống tín dụng, trong đó trọng tâm là các ngân hàng thương mại - Ảnh: THANH ĐẠM

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng đề án không nên nêu nhiều mục tiêu, dài dòng mà chỉ cần nhấn mạnh hai mục tiêu chính: một là tái cơ cấu phải đáp ứng được kinh tế phát triển ổn định, bền vững; hai là phải tạo cơ cấu hợp lý về kinh tế ngành, vùng miền.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh, hệ thống giải pháp ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2012-2015 gồm có các giải pháp tái cơ cấu hệ thống tín dụng, trong đó trọng tâm là các ngân hàng thương mại kết hợp với tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc. Tái cơ cấu đầu tư nhà nước, trong đó tập trung các giải pháp khắc phục đầu tư dàn trải, đầu tư phân tán và không đồng bộ, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Ưu tiên đóng tàu, điện tử

Về giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông Vinh cho biết: hoàn thành cổ phần hóa và thoái vốn ở tất cả doanh nghiệp nhà nước không cần nắm 100% vốn hoặc tỉ lệ chi phối; ban hành quy chế thông tin áp dụng đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành thoái vốn ra khỏi các ngành, các hoạt động kinh doanh không thuộc ngành, nghề kinh doanh chính; áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh buộc các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động và cạnh tranh theo cơ chế thị trường; hình thành môi trường pháp lý về kinh doanh theo hướng bỏ rào cản, bãi bỏ các nội dung lạc hậu không phù hợp với thị trường hiện đại.

"Nhà nước chỉ làm những gì doanh nghiệp không làm được. Nhà nước xác lập thể chế. Đây phải là đột phá, phải xây dựng được thể chế kinh tế thị trường"

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Vẫn theo ông Vinh, giai đoạn 2012-2015 sẽ “huy động nhiều hơn đầu tư của tư nhân, hỗ trợ phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên. Rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy hoạch có liên quan đảm bảo kết hợp tái cơ cấu vùng kinh tế với cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ... Xây dựng các chương trình quốc gia hỗ trợ phát triển một số sản phẩm ưu tiên phát triển bao gồm: đóng tàu, điện tử, chế biến lương thực, thực phẩm, máy móc phục vụ nông nghiệp, gạo, cà phê, chè... cũng như các chương trình nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh”.

Lấy kinh tế thị trường làm chính

Thảo luận nội dung đề án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý đưa ra một đề án lớn như vậy cần xác định rõ ai, bộ phận nào làm những việc gì? Theo ông Hùng, những mục tiêu khác như đột phá nguồn nhân lực thì doanh nghiệp, xã hội cũng làm nhưng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo. Hạ tầng cũng vậy, Nhà nước cũng không đầu tư được cả, nhưng đầu tư đến đâu thì phải xác định. “Như vậy, trong đề án tái cơ cấu phải có các đề án cụ thể đi theo. Tính toán tổng nguồn lực như thế nào. Nước Nhật, nước Mỹ mỗi khi tái cơ cấu thì người ta đưa ra các gói chi kèm theo” - ông Hùng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Quan điểm cũng phải nêu rõ: đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại. Kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng phải lấy kinh tế thị trường làm chính, Nhà nước không can thiệp sâu. Nguồn lực, tài nguyên phải chuyển dịch từ nơi kém hiệu quả đến nơi hiệu quả hơn”.

“Năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng hơn 52% của Trung Quốc, 14% của Singapore và 9% của Mỹ” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu con số so sánh và cho rằng đề án phải nhấn mạnh vấn đề đột phá nguồn nhân lực. “Chất lượng nguồn lao động thấp thì khó tiếp cận được mục tiêu của tái cơ cấu. Hiện nay phần lớn lao động doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Nguồn nhân lực chất lượng cao phải là đột phá trong mười năm tới” - bà Mai đề nghị. Bà cũng cho rằng cần làm rõ nguồn lực để tái cơ cấu vì chi phí này rất quan trọng. Ở các nước, mỗi khi cải cách, vượt qua khủng hoảng kinh tế thì người ta có thể chi từ 5-10% GDP hoặc nhiều hơn.

Tiếp theo ý kiến bà Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng khẳng định muốn tăng năng suất lao động phải tính đến đổi mới công nghệ. Hiện nay việc ứng dụng công nghệ, nhập công nghệ vẫn là loại công nghệ ở mức trung bình và thấp. “Như vậy cần phải loại trừ công nghệ lạc hậu, công nghệ kém, quyết liệt đầu tư cho khoa học và ứng dụng công nghệ. Phải có quyết tâm chính trị lớn mới làm được” - ông Dũng nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị trực tuyến vào ngày 27-4 để lấy ý kiến về đề án này.

Phải khắc phục “bệnh thừa tiền”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng mấy năm qua trong nền kinh tế tồn tại “căn bệnh thừa tiền”, vì vậy tái cơ cấu thị trường tài chính phải tìm cách khắc phục. “Nền kinh tế thừa tiền thì gây ra lạm phát, doanh nghiệp thừa tiền hoạt động kém hiệu quả, gia đình thừa tiền cũng tiêu dùng kém hiệu quả...” - ông Hiển nói. Để khắc phục “căn bệnh” này, ông Hiển cho rằng phải sử dụng công cụ thuế và chính sách tiền tệ thật tốt, chuyển các nguồn lực, tài nguyên từ nơi sử dụng kém hiệu quả đến nơi sử dụng hiệu quả.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên