02/04/2021 00:03 GMT+7

Không phải cua mặt quỷ mà là cua quạt gây ngộ độc lần đầu thấy ở Việt Nam

ĐÀO VIỆT HÀ (Viện Hải Dương học)
ĐÀO VIỆT HÀ (Viện Hải Dương học)

TTO - Một phòng thí nghiệm tại Viện Hải dương học (Nha Trang) vừa xác định được tên loài cua, bản chất độc tố trong các mẫu vật thu thập được trong vụ ngộ độc thực phẩm ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vừa qua, không phải cua mặt quỷ như nhiều báo thông tin.

Không phải cua mặt quỷ mà là cua quạt gây ngộ độc lần đầu thấy ở Việt Nam - Ảnh 1.

Cua quạt Demania renaudii có mẫu vật thu thập trong vụ ngộ độc thực phẩm tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) ngày 27-3-2021 - Ảnh: TRƯƠNG SĨ HẢI TRÌNH

Có 2 trong số 3 mẫu vật cua thu thập được trong vụ ngộ độc thực phẩm tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) ngày 27-3-2021 đã được chuyển đến Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam về an toàn thực phẩm và môi trường (khu vực miền Trung) tại Viện Hải dương học (Nha Trang) để xác định tên loài cua và bản chất độc tố.

Cả 2 mẫu vật đều được xác định là loài cua quạt Demania reynaudii thuộc họ Xanthidae (cua rạn Xanthid).

Loài cua quạt vừa xác định có hình dạng ngoài khá giống cua mặt quỷ nên đôi khi dễ gây nhầm lẫn, nhưng chúng đều có phân bố trong các rạn san hô tại vùng biển nhiệt đới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo tài liệu của thế giới, trong tổng số gần 300 loài cua quạt, có một số loài chứa độc tố saxitoxin (STX) hoặc độc tố tetrodotoxin (TTX), gây ngộ độc tử vong cho người nếu ăn phải.

Tại nước ta, trước đây đã từng ghi nhận một số trường hợp ngộ độc tử vong do ăn cua mặt quỷ Zosimus aeneus hoặc một số loài cua sống rạn san hô khác.

Kết quả phân tích độc tố đã xác định sự có mặt của độc tố TTX và dẫn suất Anhydro-TTX trong cả 2 mẫu vật cua quạt trong vụ ngộ độc tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) kể trên.

Với hàm lượng độc tố ghi nhận, chỉ cần ăn 2 con cua (khoảng 50-60g/con) đủ gây tử vong cho một người trưởng thành.

Độc tố tetrodotoxin (TTX) tấn công hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao do khóa kênh trao đổi ion natri trên màng tế bào thần kinh cơ, làm ngưng quá trình truyền dẫn tín hiệu thần kinh.

Do đặc tính bền nhiệt, bền axit, độc tố không bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi chế biến và có thể tồn tại cả trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.

Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện khoảng 30 phút sau khi ăn, bao gồm tê lưỡi, tê môi, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng bụng, buồn nôn, nôn mửa, nói khó, nuốt khó, mất cân bằng vận động (đi loạng choạng, lảo đảo) ...

Trường hợp nặng, nạn nhân co giật, sùi bọt mép, hôn mê và có thể tử vong do liệt cơ hô hấp.

Hiện nay không có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc kể trên nên giải pháp xử trí được đề xuất theo định hướng loại bỏ bớt độc tố trong cơ thể nạn nhân như kích nôn, súc rửa dạ dày hay uống dung dịch carbon hoạt tính và điều trị theo triệu chứng lâm sàng.

Đây là ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam về loài cua quạt Demania reynaudii chứa độc tố TTX gây ngộ độc thực phẩm, mặc dù loài này đã gây ra khá nhiều vụ ngộ độc tử vong tại một số quốc gia và lãnh thổ trong khu vực như Philippines, Đài Loan, Indonesia…

Ăn cua mặt quỷ, một người bị ngộ độc nguy kịch Ăn cua mặt quỷ, một người bị ngộ độc nguy kịch

TTO - Ngư dân 46 tuổi ở Thanh Hóa vừa được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ngộ độc nặng, ngừng tim sau khi ăn cua mặt quỷ.


ĐÀO VIỆT HÀ (Viện Hải Dương học)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên