31/08/2024 13:38 GMT+7

Không nên định hướng cho con theo kiểu 'nghề nào giàu hơn'

Nhiều cha mẹ hiện nay tư vấn chọn nghề cho con theo tiêu chí nghề nào giàu hơn, nghề nào tốt hơn. Theo GS Phan Văn Trường, đó là một sai lầm của cha mẹ khiến tương lai con cái nhiều bất ổn.

Không nên định hướng cho con theo kiểu 'nghề nào giàu hơn' - Ảnh 1.

GS Phan Văn Trường (hàng đầu, thứ tư từ trái qua) trong buổi tọa đàm "Giáo dục trong thời đại mới" với học sinh, phụ huynh khối 10, Trường THPT Lê Quý Đôn ngày 30-8 - Ảnh: MỸ DUNG

Trong buổi nói chuyện với học sinh, phụ huynh đón chào học sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM chiều tối 30-8, GS Phan Văn Trường - cố vấn thường trực Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990 - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.

Theo GS Phan Văn Trường, vấn nạn hiện nay cha mẹ đang hướng dẫn chọn nghề cho con theo kiểu dàn hàng ngang để so sánh nghề này với nghề khác, xem nghề nào "đỉnh" nhất, nghề nào kiếm được nhiều tiền hơn. 

Vị giáo sư từng được Chủ tịch nước Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục (vào năm 2010) nhấn mạnh rằng việc hướng dẫn trẻ lựa chọn nghề nghiệp theo hướng như vậy là sai và trẻ sẽ khó thành công trong công việc và cuộc sống sau này.

Cũng vì quan điểm nghề nào giàu hơn, nghề này hơn nghề khác, cha mẹ nhiều khi sẽ lựa chọn môn học cho con (ở bậc THPT theo chương trình 2018) dựa vào "định hướng" nghề nghiệp theo hướng như vậy. Khiến cho đứa trẻ học mà không yêu thích, không đam mê, không cảm hứng. Sau này trẻ sẽ chật vật trong nghề nghiệp của mình.

"Không phải bác sĩ sẽ kiếm nhiều tiền hơn kỹ sư. Không phải luật sư sẽ kiếm nhiều tiền hơn giáo viên… Tất cả những kiểu so sánh đó là cái nhìn phiến diện trong thời đại ngày nay. 

Việc chọn nghề, chọn ngành cho con cần phải dựa theo đam mê, sở thích của học sinh đó", GS Phan Văn Trường nhấn mạnh.

Theo GS Phan Văn Trường, tư duy chọn nghề theo bằng cấp là một tư duy cũ, cha mẹ cần sớm thay đổi. Bởi vì, hiện nay, việc trả lương cho một người, con người kiếm được tiền qua công việc không chỉ dựa vào bằng cấp hay tên gọi của nghề mà họ đảm nhận. 

"Một người có sở thích, có năng khiếu ca hát, không thích làm bác sĩ. Nhưng ba mẹ cứ "ép" con theo học bác sĩ vì cho rằng làm bác sĩ mới tốt, mới hay. Sau này, đứa trẻ đó học bác sĩ theo định hướng của cha mẹ và trở thành một bác sĩ dở sẽ tệ hơn rất nhiều nếu người đó theo đuổi đam mê ca hát. 

Khi nghề nghiệp là đam mê, là sở thích của mỗi cá nhân, người đó sẽ học hỏi suốt đời, khiến họ sẽ dễ thành công hơn với nghề họ chọn", GS Trường lý giải.

Vì thế, ông khuyên phụ huynh hãy giúp con tìm ra sở thích, đam mê của bản thân và khuyến khích con theo đuổi con đường đó. Con đường của đam mê trong công việc, nghề nghiệp mới là con đường dẫn đến những chân trời tốt đẹp cho tương lai đứa trẻ. 

Nhiều phụ huynh đang hiểu sai về định hướng tương lai cho học sinh

Nói chuyện với học sinh, phụ huynh ở nhiều nơi khác nhau, GS Phan Văn Trường cho biết nhiều phụ huynh hiện nay hiểu sai về định hướng tương lai cho các em học sinh. Nguyên nhân là họ lo quá cho con, lắm lúc họ rơi vào tình huống làm nhiều quá, không có đất cho học sinh tự làm, tự học, tự suy nghĩ và "được làm những gì mình thích".

Bác sĩ hay Luật sư, nghề nào giàu hơn? - Ảnh 3.Điểm chuẩn Trường đại học Bách khoa Hà Nội: Ngành CNTT lấy cao nhất, 28,29 điểm

TTO - Chiều 15-9, Trường đại học Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn đại học chính quy năm 2022. Ngành công nghệ thông tin có mức điểm chuẩn cao nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên