Những tranh cãi xung quanh nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô khiến những người trong ngành này giật mình: các doanh nghiệp FDI có thực muốn sản xuất ở VN hay chỉ chăm chăm xin nới điều kiện để tăng nhập khẩu?
Suốt hơn 20 năm qua, nhiều doanh nghiệp ôtô đang đề nghị nới điều kiện nhập khẩu, đã đề nghị và nhận được nhiều ưu đãi, từ thuế, đất đai, mặt bằng... Nhưng hầu hết các mục tiêu đặt ra cho ngành công nghiệp ôtô đều không đạt được.
Và khi thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về 0%, ngay lập tức có doanh nghiệp giảm sản xuất, lắp ráp ở VN khiến nhiều địa phương bị hụt thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng. Và họ tiếp tục đề nghị nới điều kiện để nhập khẩu.
Doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận là bình thường, vấn đề ở chỗ những cam kết gắn bó lâu dài ở VN có là thực? Câu hỏi này rất thực tế khi có nhà sản xuất hàng đầu đã định hướng nghiêng nhiều hơn về… đi buôn với tuyên bố dừng lắp ráp nhiều loại xe ăn khách ở VN, chuyển qua nhập nguyên chiếc.
Những điều kiện nhập khẩu đang bị một số doanh nghiệp FDI "kêu" là áp cho tất cả doanh nghiệp với mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Rõ ràng quy định chặt chẽ hơn thì thị trường ôtô sẽ được cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao hơn. Ngành sản xuất ôtô khi được đầu tư bài bản cũng sẽ mở ra kỳ vọng để xuất khẩu, cạnh tranh với các nước, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô phát triển, tăng tỉ lệ nội địa hóa, tăng việc làm...
Nghị định 116/2017 đúng là đang khiến nhiều loại ôtô nhập khẩu chưa về được VN, giá một số loại xe tăng. Nhưng về dài hạn thế nào? Giá xe trong một thời gian dài ngất ngưởng cao khi các doanh nghiệp FDI hoàn toàn chi phối thị trường VN.
Giá xe sản xuất trong nước chỉ giảm bền vững khi có cạnh tranh mạnh, tỉ lệ nội địa hóa tăng, đặc biệt là nếu VN có nền sản xuất ôtô tự chủ, xuất khẩu được ôtô như một số doanh nghiệp trong nước đang làm được, dù mới ở bước ban đầu.
Nếu nhìn lại, nhiều hàng hóa của VN cũng đang xuất khẩu sang các nước có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ và đều phải đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, nếu không sẽ không thể có cửa vào thị trường. Do đó, việc nhà nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu trên là điều hiển nhiên nếu muốn tham gia vào thị trường và cạnh tranh bình đẳng.
Với số dân khoảng 95,56 triệu người, dung lượng thị trường năm 2017 là trên 300.000 xe, dự kiến lên khoảng 550.000 xe vào năm 2019, nếu chỉ nhập khẩu, VN sẽ đối mặt bất ổn vĩ mô khi cần lượng ngoại tệ khổng lồ.
Vì vậy, VN cần có nền công nghiệp ôtô đúng nghĩa, có các doanh nghiệp phát triển và tự thân vận động, trên cơ sở các chính sách khuyến khích mà Chính phủ hiện đang làm.
Những yêu cầu đặt ra trong nghị định 116 chỉ là bước đầu để hướng tới ngành sản xuất ôtô chất lượng cao. Về lâu dài, cần phải có chính sách thuế phù hợp để thu hẹp dần khoảng cách giữa ôtô trong nước và nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất ôtô nội địa, giúp người tiêu dùng hưởng lợi nhiều hơn, dễ dàng tiếp cận ôtô hơn.
VŨ TẤN CÔNG (Chuyên gia cao cấp về công nghiệp và kinh doanh thương mại ôtô)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận