16/06/2020 10:43 GMT+7

Không để mặt bằng 'xô đổ tiến độ'

T.DUNG - Đ.PHÚ
T.DUNG - Đ.PHÚ

TTO - Đó là một trong hai nguyên nhân chính, bên cạnh nguyên nhân thiếu vốn đã khiến cho nhiều dự án hạ tầng rơi vào cảnh làm mãi không xong.

Không để mặt bằng xô đổ tiến độ - Ảnh 1.

Chúng tôi cùng các sở ngành sẽ làm việc với nhau, xây dựng danh mục các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách phải được ưu tiên bố trí vốn thực hiện sớm để kiến nghị UBND TP.HCM có chính sách đầu tư, bố trí vốn phù hợp.

Ông Lương Minh Phúc (giám đốc Ban giao thông TP)

Xây một tháng, đền bù nhiều tháng

Vốn đã ít nhưng chuyện bồi thường giải tỏa mặt bằng quá chậm đã xô ngã các mốc về đích của các dự án giao thông. Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (gọi tắt là Ban giao thông), hiện có tới 43/75 dự án đang vướng mặt bằng, trong đó 8 dự án buộc phải tạm dừng như cầu Tăng Long, cầu Nam Lý (Q.9)...

Ban này cho biết có dự án thời gian xây dựng không nhiều nhưng do vướng mặt bằng đã làm tiến độ chậm tới 2-3 năm. Nếu có mặt bằng, dự án mở rộng đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) chỉ cần 3 tháng, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) thi công 6 tháng, hoàn thiện nút giao Mỹ Thủy (Q.2) cần 12-16 tháng thi công là xong.

Cầu Long Kiểng (Nhà Bè) giúp cải thiện việc đi lại của người dân, kết nối giao thông giữa TP.HCM với tỉnh Long An duyệt dự án suốt 20 năm nay đang vướng bồi thường tái định cư. "Người dân sẵn sàng giao đất, giao nền nhưng chúng ta chưa có đất tái định cư" - bà Nguyễn Thị Lệ, chủ tịch HĐND TP, nói trong cuộc họp mới đây.

Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban giao thông TP - cho biết vấn đề chậm giải phóng mặt bằng đã tồn tại từ nhiều năm nay. Hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư là do các quận huyện phụ trách. "Chúng tôi sẽ đề xuất UBND TP yêu cầu các quận huyện phải có cam kết thời hạn hoàn tất bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Nếu chậm trễ các địa phương phải trực tiếp chịu trách nhiệm" - ông Phúc nhấn mạnh.

Chốt mốc hoàn thành nhiều công trình trọng điểm

Trước tình trạng nhiều công trình giao thông đang làm chậm tiến độ, Sở GTVT đã đề nghị chủ đầu tư chốt thời hạn hoàn thành từng công trình trọng điểm. 

Dự án xây dựng hầm chui An Sương (Q.12 và Hóc Môn) với tổng mức đầu tư 514 tỉ đồng đã đưa vào sử dụng nhánh đường hầm N1 từ đường Trường Chinh đi quốc lộ 22 vào tháng 3-2018. Với nhánh N2 hướng từ quốc lộ 22 về đường Trường Chinh vào trung tâm TP theo kế hoạch sẽ làm xong trong 10 tháng tiếp theo. 

Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 5-2020, rào chắn vẫn "bọc" quanh nút giao An Sương. Hằng ngày lượng xe rất lớn từ bến xe An Sương nối đuôi nhau trộn vào dòng xe trên quốc lộ 22 hướng ra nút giao An Sương tỏa về trung tâm TP hoặc bọc theo quốc lộ. 

"Xe quá đông khiến người dân thường xuyên phải nhích từng chút ở nút giao vì ùn tắc" - ông Nguyễn Văn Sỹ, một người chạy xe ôm gần bến xe An Sương, nói.

Công trình cầu sắt An Phú Đông bắc qua sông Vàm Thuật dài 238m nối Q.Gò Vấp và Q.12 với tổng mức đầu tư 79,5 tỉ đồng cũng đang chậm so với kế hoạch dù không vướng mặt bằng. Dự án này có thời gian thi công từ tháng 2 đến ngày 1-8 nhưng hiện đang chậm 2 tháng so với kế hoạch. Ngoài các dự án nêu trên, theo Sở GTVT TP, nhiều dự án khác cũng có tiến độ rất chậm.

Sở này yêu cầu chủ đầu tư đối với nút giao An Sương phải hoàn thành thông xe nhánh hầm N2 trước ngày 15-7 và thi công hoàn thành công trình trước ngày 2-9. Còn tuyến Nguyễn Hữu Cảnh (từ Tôn Đức Thắng đến hầm chui trên đường Nguyễn Hữu Cảnh) hoàn thành trước 2-9, hệ thống thoát nước trên tuyến đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) hoàn thành trong tháng 10-2020. Với cầu sắt An Phú Đông, chủ đầu tư phải đeo bám quyết liệt yêu cầu và cho thông xe trước ngày 23-9.

Ông Lương Minh Phúc cho hay hiện sau dịch COVID-19 đơn vị đang tăng tốc triển khai nhiều mũi thi công, trong đó cố gắng đẩy nhanh dự án nâng cấp rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh). 

Theo ông Phúc, còn nhiều công trình giao thông như đường vành đai 2, 3, 4... cần sớm hoàn thành sẽ góp phần giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân, giải quyết ách tắc giao thông. Đồng thời, giao thông thuận tiện, kinh tế liên vùng sẽ phát triển nhanh chóng, khai thác hiệu quả tiềm năng của TP và các tỉnh lân cận.

Tận dụng cơ chế đặc thù về bồi thường tái định cư

Ông Nguyễn Văn Hồng, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP, cho biết việc bồi thường tái định cư phải toàn hệ thống chính trị vào cuộc chứ không đơn phương một ngành nào. TP đã trình cơ chế thí điểm cơ chế đặc thù về bồi thường tái định cư và Chính phủ đã cho phép TP triển khai.

"Hiện sở đang xây dựng cơ chế sau này không cần thẩm định giá và quy chế phối hợp bồi thường giải phóng mặt bằng, cả hai việc trên đang chờ TP ban hành" - ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, riêng về giá bồi thường đất liên quan tới trách nhiệm của 5 cơ quan thực hiện gồm quận huyện, tư vấn, Sở Tài nguyên - môi trường, Ban chỉ đạo bồi thường và Hội đồng thẩm định giá đất.

Ông Hồng đề nghị vai trò giải phóng mặt bằng quận huyện là chính nhưng chủ đầu tư các dự án giao thông chú ý chuẩn bị phương án tái định cư, vốn, chính sách bồi thường...

8 dự án giao thông quan trọng của TP.HCM sắp trình xem xét 8 dự án giao thông quan trọng của TP.HCM sắp trình xem xét

TTO - Ngày 4-6, HĐND TP.HCM tổ chức buổi giám sát tiến độ các công trình trọng điểm giao thông do Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP làm chủ đầu tư.

T.DUNG - Đ.PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên