12/05/2014 07:00 GMT+7

Không để dịch chồng dịch

LAN ANH
LAN ANH

TT - Tại cuộc làm việc với Bộ Y tế sáng 11-5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu: phải nỗ lực không để dịch chồng dịch.

Đề phòng dịch bệnh mùa hèDịch tay chân miệng có thể quay lại

0oww0OGX.jpg
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại phòng cấp cứu khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Trong khi đó đã có thêm hai bệnh nhi mắc sởi tử vong, nâng tổng số tử vong do sởi từ đầu mùa dịch lên 138 trẻ. Cả sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng đều đang có dấu hiệu gia tăng, riêng bệnh tay chân miệng đang có khoảng 1.000 ca mắc mới/tuần.

Bất thường số bệnh nhân nhiễm chéo

"Ngành y tế phải chủ động cung cấp thông tin, truyền thông đi trước một bước một cách trung thực để tạo niềm tin cho người dân, xã hội từ đó phòng dịch hiệu quả"

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay số mắc sởi vào viện vẫn tiếp tục tăng, trung bình 30-40 bệnh nhân mới/ngày, mặc dù Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã vào hè, thời điểm được mong đợi có thể giúp giảm số bệnh nhân sởi nhờ thời tiết. Bên cạnh đó, ngày 10-5 có thêm hai bệnh nhi tử vong, nâng tổng số tử vong liên quan đến sởi từ đầu mùa dịch lên 138 ca, trong đó riêng trong tuần vừa qua là bốn ca. So với đỉnh dịch tháng tư vừa qua, số mắc mới sởi và tử vong đều đã giảm, nhưng nguy cơ mắc bệnh vẫn còn nhiều.

Đáng nói là số bệnh nhân sởi nhiễm chéo trong bệnh viện hoàn toàn không được Bộ Y tế cập nhật khoảng 20 ngày nay. Khi đi kiểm tra công tác chống dịch sởi tại Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa... thời gian qua, các thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Viết Tiến cũng nhìn nhận không chỉ tuyến T.Ư mà các bệnh viện sản - nhi địa phương cũng có nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh sởi. Đặc biệt ở khu vực điều trị bệnh nhân nặng tại khoa hồi sức cấp cứu, bệnh nhân sởi nằm chung với các nhóm bệnh nhân khác, đặc trưng bệnh lây qua đường hô hấp trong khi các phòng đều thông thoáng và có nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân qua lại liên tục dễ làm lây chéo bệnh sởi.

Có nguy cơ lây chéo tại bệnh viện thấp hơn bệnh sởi nhưng các chuyên gia y tế cũng cảnh báo tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, nhất là trong điều kiện phòng bệnh chật chội và nóng nực trong mùa hè. Hiện mỗi tuần cả nước ghi nhận 1.000 ca bệnh tay chân miệng mới, số mắc sẽ còn tăng, đặc biệt giai đoạn tháng 9-11 tới đây.

Không chủ quan với dịch sởi

Không để dịch chồng dịch, đây là yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Nhưng tình hình hiện cho thấy dịch đã chồng dịch, dịch sởi chưa dập xong thì dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng đã nổi lên và đều có nguy cơ gia tăng vì đây là “năm chu kỳ” của hai dịch này, theo lý giải của Bộ Y tế. Với dịch sởi, hiện 62/63 tỉnh thành (ngoại trừ tỉnh Bắc Kạn) chưa có bệnh nhân dương tính với sởi, nhưng kể cả Bắc Kạn cũng đã có ca sốt phát ban nghi sởi. Với dịch tay chân miệng, nhóm có số mắc gia tăng so với cùng kỳ năm 2013 gồm TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kon Tum, Đắk Lắk, Cà Mau cũng đều là những địa phương có dịch sởi, đặc biệt là TP.HCM với số mắc sởi ở tốp đầu cả nước.

Tại cuộc làm việc với Bộ Y tế sáng 11-5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế tuyệt đối không chủ quan với dịch sởi, do số mắc mới đã giảm so với tháng 4 nhưng mới giảm về tốc độ lây nhiễm, số bệnh nhân mới và bệnh nhân tử vong vẫn còn. Phó thủ tướng cũng lưu ý còn khoảng trống ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm ngừa và không có miễn dịch từ mẹ. Đồng thời lưu ý ngành y tế so sánh danh mục 30 loại văcxin phòng bệnh đã có trên thị trường và 11 văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở VN xem loại nào cần thiết, có ý nghĩa trong phòng bệnh cho số đông thì có thể đề xuất Chính phủ bổ sung cho chương trình tiêm chủng mở rộng. “Ngành y tế phải luôn ở tình huống chủ động phòng chống dịch bệnh ở mức cao nhất” - Phó thủ tướng yêu cầu.

Cuối tháng 4 vừa qua cha mẹ một bé trai 13 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc đã có đơn kiện Bệnh viện Nhi T.Ư do bé đến Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị viêm phổi, nhưng về nhà được một ngày thì phát hiện bé mắc sởi do lây tại bệnh viện và tử vong sau đó. Trong mùa dịch vừa qua, có rất nhiều trường hợp lây chéo bệnh sởi làm bệnh cảnh nặng thêm và trẻ tử vong như trường hợp này. Đây có lẽ là một phần nguyên nhân khiến Bệnh viện Nhi T.Ư và các bệnh viện có điều trị bệnh nhân sởi đã giấu biệt số lây nhiễm chéo tại bệnh viện trong 20 ngày qua?

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên