08/05/2014 03:17 GMT+7

Dịch tay chân miệng có thể quay lại

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Chỉ trong tháng 4-2014, TP.HCM đã có 708 ca bệnh tay chân miệng. Các bệnh dịch khác như sởi, sốt phát ban dạng sởi, thủy đậu, quai bị, cúm... đều ở mức cao.

Chủ động chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết5 cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻNăm đoàn kiểm tra phòng chống dịch tay chân miệng

6RMpINDV.jpgPhóng to
Các bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng nằm trong phòng cấp cứu khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Ngày 7-5, tại cuộc họp giao ban giữa Sở Y tế TP với các quận huyện, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết bệnh tay chân miệng tăng liên tục từ tháng 2-2014 đến nay. Tính từ đầu năm đến ngày 30-4, cả TP có 2.944 ca tay chân miệng, tăng 27,7% so với năm 2013. Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng lên ở hầu hết 24 quận huyện trong TP.

“Dịch bệnh rất căng thẳng!”

Các ca bệnh thủy đậu, sốt phát ban, cúm... đều tăng

Trong bốn tháng đầu năm 2013, cả TP chỉ ghi nhận một ca sởi nhưng bốn tháng đầu năm 2014 TP lại có 1.301 ca sởi. Tương tự, trong bốn tháng đầu năm 2013 chỉ có 145 ca thủy đậu thì bốn tháng đầu năm 2014 đã tăng đến 509 ca. Số ca sốt phát ban trong bốn tháng đầu năm 2013 là 9 ca, nhưng bốn tháng đầu năm 2014 đã là 104 ca. Bốn tháng đầu năm 2013 chỉ có 17 ca cúm trong khi bốn tháng đầu năm 2014 đã là 258 ca...

(Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)

Không chỉ bệnh tay chân miệng mà một loạt bệnh dịch lây do tiếp xúc từ các dịch tiết ở đường hô hấp và tiêu hóa như sởi, sốt phát ban dạng sởi, thủy đậu, quai bị, cúm... đều tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013. Riêng bệnh sốt xuất huyết dù hiện tại số ca mắc thấp với khoảng 100 ca/tuần, nhưng đã có ba trường hợp tử vong.

Sau khi nghe Trung tâm Y tế dự phòng TP báo cáo về tình hình dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế, đề nghị trung tâm y tế dự phòng các quận huyện trả lời câu hỏi: “Các quận huyện đều báo cáo đã làm nhiều biện pháp chống dịch nhưng vì sao dịch bệnh vẫn tăng?”. Bác sĩ Hưng nhấn mạnh không nên chỉ nghe báo cáo vì báo cáo nào cũng tốt, cũng hay.

Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP thừa nhận chưa hoàn thành nhiệm vụ của Sở Y tế giao và kể một dẫn chứng: Trung tâm Y tế dự phòng đã đi kiểm tra một khu phố của P.4, Q.8 có nhiều ca sốt xuất huyết và khu phố này có tới 118 điểm nguy cơ.

Khi Trung tâm Y tế dự phòng đề nghị được xem các biên bản giám sát các điểm nguy cơ của trạm y tế phường thì những biên bản đều ghi không có lăng quăng. Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng đặt vấn đề là “nếu không có lăng quăng tại sao sốt xuất huyết lại dai dẳng, kéo dài đến vậy?”, tuy nhiên đến giờ chưa nhận được câu trả lời!

Vệ sinh - khử khuẩn đồng loạt trên toàn TP

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng dự báo theo chu kỳ năm nay dịch tay chân miệng có thể sẽ quay lại. Nếu không giải quyết dứt điểm từng bệnh dịch mà để bệnh dịch diễn biến một cách phức tạp như thế này sẽ rất khó.

Từ ngày 10-5 đến 10-6, Sở Y tế sẽ tổ chức tháng chiến dịch “Vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn TP” nhằm nhanh chóng hạ thấp dịch tay chân miệng, sởi, thủy đậu... và kiềm chế số ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Riêng với bệnh tay chân miệng, TP sẽ vệ sinh - khử khuẩn đồng loạt trên tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình ở 24 quận huyện.

Bên cạnh đó, dù TP có số ca mắc sởi cao nhưng chưa có ca tử vong liên quan đến sởi, cần phải duy trì cố gắng này.

Về kế hoạch chích ngừa sởi, bác sĩ Lê Hồng Nga cho biết từ tháng 5 đến tháng 7, TP sẽ triển khai tiêm bổ sung văcxin sởi miễn phí cho trẻ từ 3-10 tuổi. Đây là kế hoạch tiếp theo kế hoạch tiêm bù văcxin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 36 tháng đã được TP triển khai từ tháng 3-2014. Như vậy, đối tượng trẻ được tiêm văcxin sởi là trẻ sinh từ năm 2004 đến 2013, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi văcxin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng sởi. Ước tính có 250.000-300.000 trẻ trong TP được chích ngừa sởi thời gian này.

8 đoàn kiểm tra chống dịch sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng

Ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y tế, vừa có quyết định thành lập tám đoàn kiểm tra phòng chống dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết tại các tỉnh thành trọng điểm về các dịch bệnh này, gồm: Long An, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tây Ninh, Bình Dương. Cùng ngày, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở y tế và bệnh viện yêu cầu nhanh chóng tổ chức chống dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết và cả dịch sởi theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, số bệnh nhân mắc sởi vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi số bệnh nhân có sốt phát ban nghi sởi trong bốn tháng đầu năm lên gần 16.000 ca. Trong khi đó, chiến dịch tiêm vét văcxin sởi cho trẻ dưới 2 tuổi dù đã được yêu cầu tập trung triển khai để kết thúc trong tháng 4, nhưng đến nay vẫn còn ba tỉnh An Giang, Điện Biên, Bình Thuận mới tiêm đạt 60-70% số trẻ có chỉ định tiêm ngừa bổ sung phòng sởi.

L.ANH

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên