Bên trong khu đất Công ty Dũng Tiến được thuê không qua đấu giá - Ảnh: VÂN TRƯỜNG
Một điều khá lạ nữa là ngoài Công ty Dũng Tiến, một số doanh nghiệp (DN) khác được tỉnh cho nộp tạm ứng hơn 100 tỉ đồng tiền thuê đất khi mới có chủ trương đầu tư, chưa có hợp đồng thuê đất.
Phải chăng việc làm này gần như mặc định rằng sẽ cho DN thuê mà không phải đấu giá?
Nộp tiền thuê đất khi... chưa có đất
Ngày 30-12-2016, tài khoản Chi cục Thuế TP Tuy Hòa bỗng dưng phát sinh số dư 20 tỉ đồng. Số tiền này được chuyển đến từ Ngân hàng BIDV tỉnh Phú Yên với nội dung nộp tiền thuê đất. Người nộp là Công ty TNHH thương mại ôtô Dũng Tiến.
Một lãnh đạo UBND TP Tuy Hòa xác nhận lúc đó TP hoàn toàn không biết công ty này nộp tiền thuê đất ở đâu vì lúc đó không có hợp đồng thuê đất.
Ngày 22 và 27-12-2016, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo cho phép Công ty Trường Hải Phú Yên nộp tiền thuê hai khu đất "vàng" trên đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa với tổng diện tích hơn 18.000m2. Cục Thuế cho biết công ty này đã nộp 67 tỉ đồng.
Điều kỳ lạ là quyết định (số 3167) của UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương cho công ty này đầu tư dự án cũng được ký vào ngày... 27-12-2016.
Còn vào ngày 23-12-2016, UBND tỉnh Phú Yên có công văn cho phép Công ty thủy sản Đắc Lộc nộp 50% tiền thuê đất một lần đối với dự án Đắc Lộc Hotel.
Điều đáng nói là dự án Đắc Lộc Hotel chỉ mới có chủ trương đầu tư bốn ngày trước đó và chưa hề có quyết định giao đất. Công ty này cho biết đã nộp hơn 26 tỉ đồng nhưng hiện nay quyết định giao đất cũng chưa có.
Cả bốn dự án trên đều được DN xin đầu tư tại các khu đất "vàng" mặt tiền đại lộ Hùng Vương, nơi có vị trí đắc địa bậc nhất tại TP Tuy Hòa.
Mặc dù chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật nhưng UBND tỉnh Phú Yên vẫn cho phép nhà đầu tư nộp tạm ứng tiền thuê đất. Lý do được nêu tại các văn bản của UBND tỉnh là thu tiền để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách.
Nhưng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại - Hội Luật gia VN), chủ trương này không đúng pháp luật. Việc dư luận nghi ngờ tỉnh bật đèn xanh cho doanh nghiệp xí chỗ đất "vàng" không phải qua đấu giá là có cơ sở.
Khu đất “vàng” 16.000m2 góc đường Hùng Vương - Trần Phú được tỉnh Phú Yên cho Công ty Dũng Tiến thuê không qua đấu giá - Ảnh: V.TRƯỜNG
Giao đất "vàng" không qua đấu giá
Theo hồ sơ, ngày 18-7-2016 UBND tỉnh Phú Yên có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trung tâm thương mại dịch vụ showroom ôtô, khách sạn và văn phòng cho thuê Dũng Tiến trên khu đất rộng hơn 16.000m2 ở góc đường Hùng Vương - Trần Phú.
Trong đó 6.000m2 đất mặt tiền đường Hùng Vương và Trần Phú là đất công do UBND P.5, TP Tuy Hòa quản lý.
Diện tích đất còn lại bên trong là đất sản xuất nông nghiệp của dân, được công ty này thỏa thuận chuyển nhượng lại.
Hơn hai tháng sau, ngày 26-9-2016 UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt bổ sung danh mục công trình, dự án vào kế hoạch sử dụng đất của TP Tuy Hòa nhằm hợp thức hóa việc giao đất, cho thuê đất sau đó.
Cũng ngay trong ngày hôm đó, Sở Xây dựng đã cấp giấy phép quy hoạch siêu tốc cho Công ty Dũng Tiến.
Đến ngày 21-12-2016, UBND tỉnh có quyết định cho Công ty Dũng Tiến thuê khu đất trong 50 năm nhưng không qua đấu giá. Hơn một tuần sau công ty này nộp 20 tỉ đồng vào tài khoản Chi cục Thuế TP Tuy Hòa nói là tiền thuê đất.
Tuy nhiên hồ sơ thể hiện đến ngày 4-4-2017 Sở TN-MT và Công ty Dũng Tiến mới ký hợp đồng thuê đất. Hợp đồng ký được một tháng thì Công ty Dũng Tiến có văn bản đề nghị UBND TP Tuy Hòa hoàn trả số tiền 20 tỉ đồng đã nộp. TP đã trả lại tiền với lý do hoàn thuế nộp thừa.
Càng lạ hơn khi vào ngày 24-9-2018, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Phú Yên ký quyết định miễn giảm 5,3 tỉ đồng tiền thuê đất ba năm đầu cho Công ty Dũng Tiến.
Việc miễn giảm căn cứ chủ trương của UBND tỉnh tại công văn số 5143/UBND-KT ngày 10-9-2018. Việc này khiến nhiều DN và cán bộ hưu trí tỉnh Phú Yên rất bức xúc.
Công ty Đắc Lộc cũng có tới ba khu đất được UBND tỉnh cho thuê không qua đấu giá. Trong số này lùm xùm nhất là khu đất diện tích gần 5.000m2 ở góc đường Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, P.9, TP Tuy Hòa.
Theo hồ sơ, khu đất này có 25 thửa, trong đó 7 thửa đất sạch với tổng diện tích lên đến 2.900m2 được hình thành từ dự án đường Hùng Vương và Hoàng Văn Thụ do UBND P.5 quản lý.
Khu đất phía bên trong khoảng 2.000m2 có 18 hộ dân sinh sống. Đây là khu đất "vàng" được các nhà kinh doanh bất động sản định giá hơn 100 tỉ đồng. Các khu đất mặt tiền đường Hùng Vương cạnh dự án Đắc Lộc Hotel được quy hoạch nhà ở biệt thự và đã được bán đấu giá hết.
Ngày 23-12-2016, tức chỉ bốn ngày sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Phú Yên ban hành công văn số 6605/UBND-KT tạm thu 50% tiền thuê đất một lần đối với dự án Đắc Lộc Hotel theo đơn giá 3.570.000 đồng/m2.
Lý do thu được nói rõ là "nhằm góp phần hoàn thành việc thu ngân sách năm 2016". Công ty Đắc Lộc đã nộp hơn 26 tỉ đồng và mặc nhiên sẽ được cho thuê đất không phải đấu giá.
Hai khu đất còn lại được tỉnh Phú Yên cho Công ty Đắc Lộc thuê không qua đấu giá nằm ở thị xã Sông Cầu. Một khu ở xã Xuân Hải rộng 17,8ha thuê để mở rộng khu sản xuất giống thủy sản.
Dự án của Công ty Đắc Lộc được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 12-2013. Lúc đó khu này đang là rừng phòng hộ.
Thế nhưng vào ngày 28-12-2017, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng và xóa vĩnh viễn rừng phòng hộ tại khu vực dự án của Công ty Đắc Lộc để giao đất hồi tháng 6-2018.
Khu đất thứ hai mà tỉnh cho Công ty Đắc Lộc thuê không qua đấu giá có diện tích 3.716m2 tại P.Xuân Yên, thị xã Sông Cầu.
Theo quyết định ngày 22-12-2017, UBND tỉnh thu hồi 1.415m2 đất công do UBND P.Xuân Yên và Chi cục Thủy sản quản lý để cho Công ty Đắc Lộc thuê; đồng thời cho phép chuyển hơn 2.000m2 đất đã cho công ty này thuê trước đó từ trả tiền thuê đất hằng năm sang trả tiền một lần 46 năm.
Báo Tuổi Trẻ đã hai lần gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Phú Yên trả lời vấn đề này vào ngày 2-7-2018 và ngày 7-11-2018.
Trao đổi với phóng viên ngày 21-11, chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết đã yêu cầu Sở TN-MT rà soát, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trả lời và đã nhiều lần nhắc nhưng vẫn chưa nhận được văn bản của sở này.
Cho thuê đất không đấu giá là sai!
Luật sư Nguyễn Văn Hậu sau khi nghiên cứu hồ sơ đã khẳng định UBND tỉnh Phú Yên cho Công ty Dũng Tiến thuê khu đất góc đường Hùng Vương - Trần Phú mà không qua đấu giá là trái quy định của pháp luật, cụ thể là điểm d, khoản 1, điều 118 Luật đất đai 2013.
"Nếu tới đây tỉnh cho Công ty Đắc Lộc thuê khu đất góc đường Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ không qua đấu giá thì cũng sai tương tự" - ông Hậu nói.
Ông Hậu nói thêm: "Việc tỉnh Phú Yên cho hai công ty nói trên thuê đất "vàng" để làm dự án thương mại - dịch vụ không qua đấu giá còn trái với quy định tại điều 4 thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 4-4-2015 của liên bộ TN-MT và Tư pháp.
Quy định này nói rõ quỹ đất được sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm đất do UBND phường, xã được giao quản lý.
Ngoài ra, tỉnh Phú Yên cũng làm trái quyết định 01/2014/QĐ-UBND do chính họ ban hành ngày 8-1-2014. Theo quyết định này, nếu sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh thì phải bắt buộc đấu giá".
Chờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương
Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đại Dương - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết ông có nghe dư luận nói tỉnh cho Công ty Dũng Tiến, Công ty Đắc Lộc và Công ty Trường Hải Phú Yên thuê đất "vàng" không qua đấu giá là không đúng quy định.
"Quan điểm của tôi về việc thu hút đầu tư, giao đất, cho thuê đất đều phải tuân theo các quy định của pháp luật. Ủy ban Kiểm tra trung ương đang kiểm tra một số dự án đầu tư của tỉnh, trong đó có các dự án mà báo Tuổi Trẻ đề cập. Tỉnh đang chờ kết luận, nếu sai thì sẽ nghiêm túc sửa" - ông Dương nói.
Riêng hai khu đất của Công ty Trường Hải Phú Yên, UBND tỉnh đã báo cáo và đề nghị Tỉnh ủy cho chủ trương thu hồi vì nhà đầu tư này chậm thực hiện dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận