04/09/2016 08:44 GMT+7

Không đậu đại học, "nghề chọn mình” thì đã sao!

CÔNG NHẬT thực hiện (congnhat@tuoitre.com.vn)
CÔNG NHẬT thực hiện (congnhat@tuoitre.com.vn)

TTO - Kỳ tuyển sinh ĐH 2016 đã đi qua 2/3 chặng đường, như thường lệ, nhiều sĩ tử kém may mắn (không trúng tuyển) hoặc không thể vào trường/ngành yêu thích hiện trải qua nhiều cung bậc cảm xúc tiêu cực khác nhau.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhịp sống trẻ giới thiệu chia sẻ cùng các bạn trẻ một số ý kiến về việc “nghề chọn mình” như góp thêm một hướng suy nghĩ tích cực hơn.

Bác sĩ Phan Hồng Hải (nguyên phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, đại diện Quỹ Pétrus Ký Foundation):

- Tôi theo học Trường Pétrus Ký niên khóa 1964-1971, nơi được xem là chiếc nôi tập trung toàn những người giỏi, ưu tú hàng đầu miền Nam nhưng tôi đã thi rớt 7-8 trường ĐH, trong đó có trường mà tôi yêu thích nhất là sư phạm dù được xem là “chuột chạy cùng sào...” thời ấy).

Cuối cùng tôi thi đậu vào ngành bác sĩ đa khoa Trung tâm Giáo dục y khoa (nay là ĐH Y dược TP.HCM). Học trường chuyên mà thi rớt nhiều vậy nhưng tôi không quá buồn vì tin rằng việc đậu rớt không nói lên được năng lực, sự cố gắng của một con người.

Thời đó nhiều người cũng có quan điểm “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm”. Quan điểm của tôi thì nghề nào cũng quý như nhau, thậm chí còn quyết định rằng nếu thi rớt hết mình có thể làm bất cứ công việc nào miễn lương thiện và kiếm ra tiền.

* Theo ông, có nên “cố đấm ăn xôi”, thi lại nhiều lần?

- Khi thi không đậu thì điều đầu tiên chúng ta cần làm là nên tìm hiểu các lý do, cân nhắc xem sang năm mình có vượt qua được không? Nếu thấy tự tin thì sang năm cứ tiếp tục thi, còn nếu không thì nên dừng lại. Đừng “cố đấm ăn xôi”, sẽ gây lãng phí nhiều mặt cho bản thân, gia đình...

Còn nếu thật sự đam mê một lĩnh vực nào đó thì bạn hãy chấp nhận học từ trung cấp lên, đừng trọng bằng cấp. Thành công đúng là phần lớn dựa vào kiến thức, kỹ năng... nhưng những điều này không nhất thiết đến từ giảng đường ĐH mà từ những va chạm cuộc sống. Sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi điều bản thân thích là tốt nhưng cũng có thể chọn ngành khác phù hợp với năng lực, hoàn cảnh hơn.

* Nhưng để thích nghi thì sao?

- Khi không thể theo nghề mình yêu thích (vốn dĩ cuộc đời đâu luôn thuận theo lòng người) thì tập yêu thích nghề mình theo. Khi “nghề chọn mình” mà bản thân không ngừng nỗ lực phấn đấu thì mình sẽ dần yêu nghề, giỏi lên và vẫn thành công. Thành thật mà nói, tôi thích nghề sư phạm nhất trong khi học y phải nói vô cùng vất vả và dễ nản. Nhưng càng học, càng làm thì cảm xúc dành cho ngành này “thấm” dần và tình yêu tăng dần lên dù đến giờ vẫn thấy nghề sao lắm nhọc nhằn.

* Nhưng dường như xã hội Á Đông vẫn rất “kỵ” hai chữ “thất bại”...

- Cá nhân tôi lại thấy những bài học thành công không quý bằng những điều đúc kết từ thất bại. Sự va vấp, thất bại thường giúp bản thân sâu sắc, trưởng thành và thấm thía mọi điều hơn. Vì vậy các bạn trẻ đừng quá bị ám ảnh với hai chữ “thất bại”, huống hồ như tôi đã đề cập bên trên, một kỳ thi không thể là thước đo đánh giá sự thành công, nỗ lực của một con người.

Được góp mặt trên đời, có cơ thể khỏe mạnh... đã là hạnh phúc hơn biết bao nhiêu người. Tôi nghĩ các bạn trẻ trên có thế giới quan nhỏ nên vừa đặt bản thân vị trí cao hơn thực tế, vừa ít chịu nhìn xuống một cách khách quan. Các bạn hãy xác định lý tưởng sống vững chãi, từ đó suy nghĩ, hành động sẽ chín chắn hơn. 18 tuổi đã là trưởng thành nên mình phải chịu trách nhiệm chính cho bản thân. Tôi cũng mong các bậc phụ huynh đừng gây áp lực lớn với người trẻ vì việc non vốn sống mà phải gánh những áp lực lớn dễ dẫn đến những hệ quả khó lường.

* Bà Nguyễn Thụy Tình Ca (đại diện Resorts World Sentosa Singapore tại VN):

Theo tôi thì bằng cấp đẹp, trường xịn của ứng viên là một lợi thế, nhưng tôi không dựa vào các yếu tố trên để chọn ứng viên mà thường còn phải xem xét về kỹ năng, đam mê, tố chất... Mỗi nghề một tố chất nên tùy theo vị trí mà sẽ có những tiêu chí khác nhau.

Thực chất vẫn có những trường hợp đến tận lúc tốt nghiệp ĐH mà các bạn vẫn chưa biết mình thật sự có thích nghề không. Trong trường hợp này, tôi cho rằng chúng ta hãy cứ học, cứ làm rồi mới biết mình thật sự phù hợp với công việc gì.

* Ông Trần Nguyên Khang (giảng viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Trong trường hợp chưa có duyên theo đuổi lĩnh vực bản thân đam mê ngay từ đầu, hãy cố gắng thích nghi với việc “nghề chọn người” hoặc chấp nhận học từ cấp thấp ngành mình yêu thích. Nếu thật sự đam mê thì không gì có thể ngăn cản việc bạn quay lại với lĩnh vực bản thân yêu thích.

Cá nhân tôi từng rất yêu thích một lĩnh vực khác nhưng không có duyên lúc đầu, sau đó tôi theo nghiệp sư phạm và chợt nhận ra bản thân rất thích sư phạm. Hiện tôi vừa giảng dạy nhưng vẫn có thời gian theo đuổi đam mê ban đầu.

CÔNG NHẬT thực hiện (congnhat@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên