25/03/2016 09:09 GMT+7

​Không dám nói hết

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đồng thời với quan hệ đại biểu với đại biểu trong nghị trường là quan hệ cấp trên với cấp dưới, cấp có quyền lực và cấp thừa hành. Cấp dưới e dè cấp trên, phát biểu mà sợ bị mất lòng nên không ai dám nói.

“Tôi biết nhiều đại biểu không dám nói hết điều muốn nói vì phải suy nghĩ được gì, mất gì” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đã “thay lời muốn nói” của không ít đại biểu Quốc hội tại phiên họp tổ thảo luận các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ ngày 23-3. Trong khi một số đại biểu khác tâm sự đôi lúc rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”.

Những đại biểu có cùng tâm trạng với bà Tâm chắc hẳn không ít. “Nếu đại biểu nói mạnh, nói đúng với thực tiễn sẽ đụng chạm, ảnh hưởng đến địa phương” - bà Tâm nêu một trong những nguyên nhân của tình trạng “không dám nói hết”.

Cử tri cũng thấy rõ điều này. Trong các phiên họp công khai của Quốc hội, những người “nói mạnh” thường là đại biểu có vị thế tương đối độc lập thuộc đoàn thể, hiệp hội hoặc là đại biểu Quốc hội chuyên trách. Còn lại các lãnh đạo địa phương (bí thư, chủ tịch) thường không phát biểu, hoặc có phát biểu cũng “không dám nói hết”!

Sở dĩ trong hoạt động Quốc hội xảy ra tình trạng này, như phân tích của nhiều người, là do xung đột lợi ích.

Cũng là đại biểu, cùng có một phiếu như nhau, nhưng ngồi cùng phòng họp Diên Hồng với một đại biểu - giám đốc sở là một đại biểu - bộ trưởng; ngồi cùng một đại biểu - bí thư, chủ tịch tỉnh là đại biểu - Thủ tướng, phó thủ tướng; ngồi cùng đại biểu - đảng viên (thường) là đại biểu - ủy viên trung ương...

Như vậy, đồng thời với quan hệ đại biểu với đại biểu trong nghị trường là quan hệ cấp trên với cấp dưới, cấp có quyền lực và cấp thừa hành. Cấp dưới e dè cấp trên, phát biểu mà sợ bị mất lòng cũng là một chuyện bình thường. Nó càng bình thường hơn khi chính các đại biểu thừa nhận ở VN chúng ta vẫn tồn tại cơ chế xin - cho, phân cấp phân quyền chưa triệt để.

Nhìn ở khía cạnh khác, Quốc hội là nơi “mặc cả” để dung hòa các lợi ích trong xã hội. Một chính sách được quyết định khó có thể cùng lúc làm hài lòng tất cả thành viên trong xã hội. Ví dụ tăng thuế sẽ đem lại nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhưng nó lại móc thêm vào túi tiền của người sản xuất kinh doanh.

Đại biểu chỉ có một phiếu bầu, nhưng lại phải đại diện cho hàng trăm ngàn cử tri khác nhau. “Làm dâu trăm họ” sao tránh khỏi những lúc rơi vào bất lực.

Nhưng cũng có những phút giây bất lực có nguyên nhân chủ quan, ấy là do năng lực của đại biểu chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ và mong muốn của cử tri.

Ở các nước có nghị viện hoạt động chuyên nghiệp thì nghị sĩ là một nghề, có người cả đời làm đại biểu quốc hội (nếu được dân tín nhiệm).

Vì là một nghề, mà là nghề làm chính khách, nên nó đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng hành nghề rất cao. Nào là diễn thuyết trước đám đông, nào là vận động chính sách, nào là thăm dò ý kiến cử tri, dẫn dắt dư luận, kiến thức pháp luật...

Những kỹ năng ấy đều phải học tập, rèn luyện, trải nghiệm đồng thời với năng khiếu chính khách bẩm sinh.

Vậy nên khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, từ các nhà lãnh đạo đến cử tri đều mong muốn bầu chọn được những đại biểu có tâm và có tầm để hoạt động của cơ quan dân cử ngày càng chuyên nghiệp.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên