25/04/2014 00:08 GMT+7

Không công bằng

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TT - Những ngày qua, đi trên quốc lộ 1 đoạn qua Khu công nghiệp Hàm Kiệm (Bình Thuận) sẽ thấy tình trạng kẹt xe diễn ra trên một đoạn đường dài đến 20km, bắt đầu từ TP Phan Thiết đến trạm thu phí Sông Phan (huyện Hàm Thuận Nam).

Tài xế đốt lửa vượt trạm cân, lực lượng chức năng "cố thủ"“Bài binh bố trận” vượt trạm cân như phim hành độngNé trạm cân, xe tải nằm hàng loạt trên quốc lộ

Đây là khu vực đặt trạm cân nên hầu hết xe tải chạy đến đây đều “ém” lại chờ cơ hội vượt trạm.

Sự việc trở nên nghiêm trọng vào tối 22-4, khi cánh tài xế ở đây đã dùng cây chắn ngang quốc lộ chặn xe khách và đốt lửa trên đường để gây áp lực với lực lượng chức năng.

Khuya cùng ngày, lợi dụng khu vực này bị cúp điện, hàng trăm xe tải đã ùa ra tranh nhau vượt trạm như phim hành động. Nhiều xe siêu trường, siêu trọng bất chấp cả hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông (CSGT) để kiểm tra tải trọng lao đi trong đêm. Đến 9g hôm sau khi lực lượng làm nhiệm vụ ở trạm cân được chi viện thì trật tự mới được vãn hồi. Không chỉ địa phận Bình Thuận, thông tin trên báo chí còn phản hồi từ nhiều địa phương khác có đặt trạm cân di động. Mỗi nơi nảy sinh mỗi vấn đề bất cập khác nhau.

Từ chuyện xảy ra ở Bình Thuận cho thấy sau hơn ba tuần thực hiện chỉ thị của Tổng cục Đường bộ, hàng loạt vấn đề bất cập đã nảy sinh chưa có cách giải quyết, khiến dư luận băn khoăn.

Những người thực thi công vụ đã viện dẫn những khó khăn khi thực hiện chỉ thị này. Nhưng nguyên nhân sâu xa, theo nhiều người, đó vẫn là sự thiếu kiên quyết, thiếu phối hợp đồng bộ, thậm chí không “mặn mà” của những người được giao thực hiện nhiệm vụ.

Điều này thể hiện ngay trong báo cáo sơ kết nửa tháng của Bộ Giao thông vận tải. Bộ này cho rằng bên cạnh một số địa phương làm tốt thì vẫn còn lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm việc kiểm soát tải trọng xe, công an một số tỉnh, đặc biệt là một số phòng CSGT, chưa vào cuộc. Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải còn nêu đích danh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, TP.HCM đã viện nhiều lý do để gây khó khăn cho việc đăng ký ôtô của trạm kiểm soát tải trọng xe. Một số tỉnh không bố trí CSGT tham gia phối hợp như Thanh Hóa, Bình Định, Thái Nguyên, Hà Giang... Một số phòng CSGT khác tham gia mang tính chất hình thức, đối phó, chỉ làm trong giờ hành chính, buổi trưa, tối không làm (như Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế...). Báo cáo cũng cho biết một số địa phương đã triển khai thực hiện nhưng chưa quyết liệt. Sự việc căng thẳng đến mức bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải trực tiếp báo cáo Bộ Công an và yêu cầu đôn đốc xử lý.

Guồng máy xã hội vận hành phải dựa vào pháp luật. Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh và công bằng. Không thể mỗi nơi làm một phách, nơi này quyết liệt nơi khác thờ ơ, ngành này hăng hái ngành kia thiếu mặn mà. Hình ảnh hàng đoàn xe tải đua nhau “bung trạm” ở Bình Thuận trong sự bất lực của lực lượng chức năng làm người ta không khỏi lo ngại chỉ thị của Tổng cục Đường bộ rồi sẽ “bung” theo. Nhưng trước mắt, đã xảy ra không công bằng. Đó là nhiều nơi giới chủ xe, tài xế đã bị xử phạt, phải giảm tải và chịu “thiệt hại” về kinh tế thì nhiều nơi, chủ xe vẫn kiếm lợi từ việc vi phạm pháp luật. Cứ kéo dài tình trạng này, giới chủ xe sẽ mất lòng tin vào chính sách, khi đó việc đưa hoạt động vận tải vào nề nếp để bảo vệ hạ tầng giao thông càng thêm khó khăn.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên